(QNO) - Sáng 16.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đi kiểm tra thực tế hiện trạng của Trường THPT Lương Thúc Kỳ (Đại Lộc) để đề xuất chủ trương xây dựng trường mới.
Báo cáo với lãnh đạo tỉnh, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tân cho biết, trường thành lập vào năm 1998 trên cơ sở Trường cấp 3 Đại Lộc cũ. Cơ sở vật chất xây dựng phục vụ dạy và học đã lâu, chủ yếu kế thừa từ trường cũ nên rất nhiều hạng mục xuống cấp, dù tu sửa nhưng vẫn không đảm bảo an toàn, mang tính chắp vá.
Vừa qua, nhà trường làm việc với địa phương đề xuất nhiều phương án nếu xây dựng: một là xây dựng tại vị trí mới, hoặc làm theo kiểu cuốn chiếu. Tuy nhiên, mặt bằng để bố trí xây dựng tại vị trí mới không có, còn làm toàn bộ ngay từ đầu sẽ không có chỗ cho hơn 1.000 học sinh học và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc. Cho nên, cần xây dựng tại vị trí hiện trạng đang có diện tích 22.039m2, nhưng làm trước một khối nhà rồi đưa học sinh qua học và tiếp tục thi công khối nhà khác.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở GD-ĐT, UBND huyện Đại Lộc và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã nêu sự cần thiết phải xây dựng mới Trường THPT Lương Thúc Kỳ tại vị trí cũ, song vẫn đảm bảo không gián đoạn việc dạy và học.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh - ông Đặng Bá Dự cho hay, các phòng học hiện trạng chật chội không đảm bảo kích thước, thiếu nhiều phòng chức năng. Chính vì vậy, cần đầu tư xây dựng trường với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 88 tỷ đồng. Địa phương cũng cần nghiên cứu bố trí một con đường vào thi công nhằm đảm bảo không nhếch nhác, tránh ảnh hưởng đến đường qua khu dân cư hiện trạng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân thống nhất cao chủ trương đầu tư xây dựng mới Trường THPT Lương Thúc Kỳ tại vị trí hiện trạng đạt chuẩn về mỹ thuật và chất lượng, hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc. UBND tỉnh sẽ bổ sung vào danh mục đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, triển khai xây dựng năm 2020 và trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm. Tỉnh cũng đồng ý giao huyện Đại Lộc lo giải phóng mặt bằng để thi công con đường mới đi vào trường. Nếu xong khâu này, UBND tỉnh sẽ cho đầu tư làm đường ngay.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT bất ngờ đến sớm và ngồi trong lớp học nghe giảng tiết Ngữ văn giống như một học sinh. Kết thúc tiết dạy, đồng chí Trần Văn Tân đã nói chuyện, động viên các em cần có khát vọng, ý chí, động lực, niềm tin phấn đấu tiếp tục học tập, nghiên cứu để sau này góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
* Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cùng lãnh đạo Sở Y tế, huyện Đại Lộc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đi kiểm tra hiện trạng cơ sở 2 của Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
Lãnh đạo bệnh viện cho biết, vốn dĩ nơi đây là phòng khám khu vực vùng B, nhưng nay đã giải thể và được thành lập thành cơ sở 2 trực thuộc. Do xây dựng từ rất lâu, cho nên cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng, thiếu thốn nhiều thứ không đảm bảo cho việc khám và điều trị.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - ông Đoàn Ngọc Quang khẳng định, việc xây dựng mới cơ sở 2 này rất cần thiết vì phục vụ cho khoảng 70 nghìn dân của 7 xã vùng B, nơi đây còn là cái nôi cách mạng và riêng xã Đại Thắng (địa điểm đặt cơ sở 2) có nhiều anh hùng, liệt sĩ nhất huyện. Hơn nữa, vào mùa mưa bão, vùng này dễ bị mưa lũ cô lập nên rất khó khăn trong việc đưa bệnh nhân xuống tận bệnh viện cách đó 20km để chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu.
Sau khi nghe ý kiến của Sở Y tế và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị ban quản lý đưa vào thêm một số hạng mục chưa có so với thiết kế trước đây, như khu xử lý nước thải, trạm biến áp, máy phát điện dự phòng… Đồng thời cho biết sẽ đưa công trình vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, triển khai xây dựng năm 2020 và sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Trước khi kết thúc chuyến đi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đã đến khảo sát địa điểm chuẩn bị xây dựng Khoa Ngoại tiết niệu, lồng ngực và nơi dự kiến sẽ đầu tư Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.