(QNO) - Lưu lượng lao động di cư xuyên biên giới ở châu Á đang gia tăng khi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được giảm dần.
Dự báo đạt 5 triệu lao động di cư
Trang tin Asia.nikkei (Nhật Bản) cho biết, năm 2022 tổng số lao động di cư mới ở châu Á đạt 4,6 triệu người, gần bằng con số trước khi dịch COVID-19 bùng phát, sau khi các quốc gia nới lỏng hoặc loại bỏ các hạn chế liên quan đến COVID-19.
Con số trên đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ từ 1,8 triệu lao động di cư vào năm 2020 và 2,2 triệu vào năm 2021, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và có thể đạt mức trước đại dịch là 5 triệu lao động. Trong đó, Bangladesh là quốc gia có nguồn lao động di cư lớn nhất.
Cuối tháng 6/2023, Bộ Lao động di trú Philippines (DMW) có đông đúc người đến tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài. "Tôi dễ dàng tìm được công việc lương cao" - Juviline Llenado - người lao động Philippines dự định sang Ả-rập Xê-út trong tháng 7/2023 nói.
Số lượng lao động di cư là thủy thủ tàu buôn người Philippines đang tăng nhanh. Lực lượng lao động này từng đạt mức 500 nghìn người vào năm 2019 nhưng giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay, số lao động trên đạt mức khoảng 150 nghìn. Bà Susan Ople - Thư ký của DMW nói: "Bạn có thể thấy rằng con đường phục hồi là rất rõ ràng".
Nhu cầu tuyển dụng tăng trở lại
Nhu cầu đối với lao động nước ngoài tại nhiều quốc gia tăng mạnh trở lại trong thời gian qua nhờ sự phục hồi kinh tế toàn cầu được thúc đẩy bởi việc nới lỏng kiểm soát biên giới.
Đặc biệt, các quốc gia sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông như Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đang tiếp nhận một lượng lớn lao động từ Bangladesh và các nước Nam Á khác...
Các quốc gia giàu dầu mỏ đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng nhờ giá dầu thô cao. Để bù đắp cho sự thiếu hụt lao động, tuyến đường từ Nam Á đến Trung Đông trở thành hành lang vận chuyển lao động di cư ở châu Á.
Theo Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ADBI), năm 2022 Ả-rập Xê-út tiếp nhận con số kỷ lục 1,5 triệu lao động từ các khu vực châu Á và ngoài châu Á. UAE và Oman cũng tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài với một lượng lớn tương tự.
Singapore và Malaysia mỗi nước tiếp nhận hơn 50 nghìn lao động nước ngoài. Hơn 40 nghìn lao động đến Malaysia từ Indonesia... Tuy nhiên, lao động di cư từ châu Á đến Mỹ và châu Âu vẫn chiếm số đông.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), dòng kiều hối toàn cầu năm 2022 đạt gần 800 tỷ USD. Trong đó, tổng lượng kiều hối đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt mức cao nhất mọi thời đại là 340 tỷ USD, chiếm khoảng 40% tổng số giao dịch chuyển tiền quốc tế.