Lao động đi ra...

P.H 02/03/2018 14:29

UBND tỉnh vừa có cuộc họp bàn giải pháp đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2018 và những năm tiếp theo. Năm 2017, Quảng Nam có 794 lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng tại Hàn Quốc, Đài Loan, Israel, Malaysia, Ả Rập Saudi, Nhật Bản... Giai đoạn 2018 - 2020, Quảng Nam phấn đấu đưa 4.000 lao động đi XKLĐ, trong đó có ít nhất 500 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Trên thực tế, thị trường XKLĐ hiện khá rối rắm. Vào Google, gõ “xuất khẩu lao động” chớp mắt đã cho ra hơn 550 ngàn kết quả về thông tin liên quan, mà chủ yếu dường như là… quảng cáo. Nào là thông báo tuyển dụng nhân sự XKLĐ, bất ngờ với mức lương XKLĐ, XKLĐ không phí môi giới hay địa chỉ các công ty đưa người đi XKLĐ. Chỗ nào cũng thấy tương lai đều nằm trong lòng bàn tay bạn (!).

Chủ trương XKLĐ là đúng, nước nào cũng làm, nhất là thời hội nhập quốc tế. Vấn đề là cách làm thế nào để các địa phương và người muốn đi XKLĐ có thông tin tốt nhất, trung thực nhất, tiết kiệm nhất. Năm 2016, Quảng Nam có hơn 300 người đi XKLĐ, năm 2017 gần 800, và 2018 UBND tỉnh đặt chỉ tiêu 1.000. Do đó, con số 4.000 cho giai đoạn 2018 - 2020, mới nghe dễ giật mình nhưng chia ra từng năm và với nguồn lực của tỉnh, rõ ràng là có cơ sở. Con số ấy, có lẽ cũng nằm trong quyết tâm giải quyết việc làm mới tăng thêm trong vòng 5 năm (2015 - 2020) theo Nghị quyết XXI của Đảng bộ tỉnh: đạt 75.000 lao động, song song với việc giảm nghèo bình quân hàng năm khoảng 2 - 1,5%/năm.

Đôi điều băn khoăn, dù các ngành đã tính tới nhiều chuyện, nhưng dường như vẫn chỉ xuất đi chủ yếu là lao động cấp thấp, lao động phổ thông. Tôi nhớ câu chuyện bạn từ Đào Viên kể rằng, lao động Việt Nam qua Đài Loan thường làm ở những vị trí mà người Đài Loan không làm, làm ở vị trí độc hại nhưng lương thấp. Khổ hơn nữa là công ty môi giới Việt Nam lấy tiền giới thiệu cho người Việt gấp 2 - 3 lần so với người Thái Lan hay Indo. Ví dụ người Thái Lan qua Đài Loan chỉ tốn 2.000$ thì bên công ty người Việt sẽ lấy 6.000$. Với các loại phải trừ như phí bảo hiểm và thuế cộng phí sinh hoạt rất cao, làm 8 tiếng mỗi ngày cộng với tăng ca, tính ra tiền Việt họ dư khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, để đi qua được Đài Loan, công ty môi giới lấy mất 200 - 300 triệu đồng, hợp đồng 3 năm chưa đủ trả hết nợ nần khi đi vay mượn. Giấc mơ gửi tiền về quê nhà sẽ quá xa nếu lao động đó không trốn ra ngoài làm thêm vào ban đêm hoặc cuối tuần…

Trong rất nhiều cách để thoát nghèo, để làm giàu hay là đơn giản chỉ để có việc làm thì XKLĐ cũng là cứu cánh. Mà để phương cách này không thất bại, phải làm một cách căn cơ, bài bản, từ chính sách chọn đối tượng đi XKLĐ, phân khúc thị trường lao động phù hợp cho đến những điều lớn lao hơn, là uy tín của quốc gia từ bàn tay và khối óc của người đi XKLĐ.

P.H

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lao động đi ra...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO