Giáo dục - Việc làm

Lao động du lịch: Nâng cấp chất lượng nhân sự

QUỐC TUẤN 03/03/2024 08:15

Nâng cấp chất lượng nhân sự đang là ưu tiên hàng đầu của cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp du lịch để thích ứng với bối cảnh mới.

phong-van-nghe-nghiep.jpg
Doanh nghiệp du lịch và cơ sở giáo dục đại học phối hợp tổ chức chương trình định hướng nghề nghiệp và phỏng vấn trực tiếp để nâng cao chất lượng nhân sự ngành du lịch. Ảnh: Q.T

Thích ứng xu thế

Thống kê từ Sở VH-TT&DL, cuối năm 2023 toàn ngành du lịch Quảng Nam có khoảng 11.000 lao động đang làm việc. Trong đó, lao động làm việc ở lĩnh vực lưu trú chiếm khoảng 70%, còn lại 30% làm việc ở các lĩnh vực lữ hành, nhà hàng, khu vui chơi giải trí và dịch vụ du lịch khác. Vào thời kỳ đỉnh điểm năm 2019 số lao động ngành du lịch Quảng Nam lên đến khoảng 18.000 người.

Lý giải về việc số lượng lao động của ngành sụt giảm, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, ngoài một bộ phận lao động chuyển việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì số lượng lao động của ngành giảm chủ yếu do doanh nghiệp thích ứng với xu thế mới.

“Đa số doanh nghiệp hiện duy trì 60 - 70% tỷ lệ lao động so với thời kỳ thịnh vượng (năm 2019). Xuất phát từ việc các doanh nghiệp có sự thay đổi chính sách, cơ chế vận hành và thay đổi thị trường khách du lịch nên có sự cắt giảm lao động. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ nhân sự nòng cốt vẫn đảm bảo để duy trì chất lượng dịch vụ phục vụ”, ông Hồng nói.

dinh-huong-nghe-nghiep.jpg
Hoiana và huyện Duy Xuyên phối hợp tổ chức chương trình định hướng nghề nghiệp và phỏng vấn tuyển dụng lao động du lịch tại chỗ vào tháng 1/2024. Ảnh: Q.T

Bên cạnh việc cân đối nhân sự, khi du lịch đã trở lại trạng thái bình thường và đang trong đà tăng tốc, nhu cầu tuyển dụng lao động du lịch có xu hướng gia tăng trở lại.

Cuộc khảo sát mới đây của nền tảng Hoteljob (nền tảng việc làm khách sạn, nhà hàng) đưa ra, năm 2024 có gần 65% đơn vị sẽ có nhu cầu tăng cường tuyển dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong khi đó, có 28% cơ sở muốn giữ nguyên nhân sự như hiện tại và chỉ có 7% muốn tiếp tục cắt giảm nhân sự để tiết giảm chi phí vượt qua khó khăn.

Đơn cử như Hoiana, dù quy mô nhân sự đã lên đến gần 3.000 người nhưng do tiếp tục mở thêm nhiều hạng mục dự án trong năm 2024 nên hiện chiều thứ 6 hàng tuần đơn vị này vẫn tổ chức tư vấn nghề nghiệp và phỏng vấn trực tiếp đối với các ứng viên tại địa phương.

Tháng 1 vừa qua, Hoiana cũng đã tổ chức chương trình định hướng nghề nghiệp và phỏng vấn tuyển dụng tại huyện Duy Xuyên nhằm hướng đến nguồn lao động tại chỗ trong khu vực dự án.

Tập trung nâng chất

Việc đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đang rất được doanh nghiệp du lịch chú trọng.

Ông Steve Wolstenholme - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hoiana Resort & Golf cho biết, tháng 9/2023, Hoiana đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Đông Á (Đà Nẵng) trong việc định hướng nghề nghiệp, đào tạo, tuyển dụng sinh viên khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ngay sau khi ký kết thỏa thuận, hai bên đã bắt tay ngay vào việc tổ chức các chương trình hướng nghiệp, thực tập sinh và tuyển dụng.

tap-huan.jpg
Một lớp tập huấn chia sẻ kinh nghiệm về du lịch nông thôn được Sở VH-TT&DL tổ chức trong năm 2023. Ảnh: Q.T

Nhân sự du lịch tại chỗ là yếu tố then chốt để giúp phát triển điểm du lịch, nhất là du lịch nông thôn. Do đó, ngành du lịch đã tăng cường tổ chức các khóa, lớp tập huấn nghiệp vụ.

Hàng loạt lớp nâng cao nghiệp vụ cứu hộ và nâng cao nhận thức về môi trường du lịch biển tại Duy Xuyên, Thăng Bình mở ra hút lực lượng lao động trẻ tại đây tham gia.

Cạnh đó, các lớp nâng cao kỹ năng giao tiếp cho người lao động, tập huấn kiến thức về du lịch nông thôn cũng như nâng cao nhận thức về du lịch và một số kỹ năng kinh doanh lưu trú nhà dân (homestay) cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch đang ngày một sôi động.

Bà Nguyễn Thị Linh Phượng - Phó Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở VH-TT&DL) thông tin, trong năm 2023 đơn vị cũng đã tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng Anh giao tiếp cơ bản với khách du lịch tại các điểm du lịch nông thôn ở Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (Tam Kỳ), làng du lịch Cẩm Phú (Điện Bàn), làng du lịch cộng đồng dựa vào Cơ Tu (Nam Giang), làng Bhơ Hôồng (Đông Giang) để nâng cao khả năng, chất lượng phục vụ du khách quốc tế.

Mới đây nhất UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 75 về phát triển nguồn nhân lực du lịch đến năm 2025. Đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, thời gian tới sở này sẽ tổ chức hàng loạt lớp tập huấn nâng cao chất lượng lao động ngành du lịch.

Ngoài tập huấn nghiệp vụ lễ tân, buồng, nghiệp vụ bàn, nghiệp vụ an ninh cho các cơ sở lưu trú du lịch, việc tập huấn nâng cao kỹ năng quảng bá thương hiệu du lịch là điểm mới để thích ứng với xu thế du lịch hậu COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lao động du lịch: Nâng cấp chất lượng nhân sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO