Lao động nhập cư với nỗi lo Brexit

NAM VIỆT 22/06/2016 10:25

Ngày mai (23.6), người dân nước Anh tham gia cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý nhằm quyết định tương lai của đất nước, rằng sẽ ở lại hay chia tay Liên minh châu Âu (EU).

Brexit nhằm đề cập việc Vương quốc Anh có thể rời bỏ EU, đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Brexit hiện làm chia rẽ sâu sắc xã hội Anh với một bên là những người ủng hộ và một bên là những người phản đối Brexit vì những lý do khác nhau. Đó là những yếu tố được  - mất mà người dân Anh nghĩ tới. Tác động của Brexit Anh diễn ra ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng lĩnh vực mà nhiều người chú ý nhất phải kể đến là kinh tế và việc làm. Đó là, nỗi trăn trở không chỉ riêng bản thân người lao động nhập cư tại Anh mà còn là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp, chủ sở hữu lao động của Anh. Nếu kịch bản xảy ra là đa số người dân Anh đồng ý Brexit thì việc tự do đi lại, làm việc của công dân 27 nước thành viên trong EU đến Anh và ngược lại sẽ bị hạn chế và những lao động nhập cư sẽ không còn được hưởng các quyền trợ cấp như công dân Anh.

Lao động nhập từ EU tại một nông trại ở Cambridgeshire, Anh. (Ảnh: Independent)
Lao động nhập từ EU tại một nông trại ở Cambridgeshire, Anh. (Ảnh: Independent)

Trong những ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, ông Guy Poskitt - chủ trang trại cà rốt tại Yorkshire, một hạt phía bắc nước Anh rất lo lắng nếu Anh lựa chọn Brexit, ra khỏi EU. Với chủ yếu lao động nhập cư từ các nước khác trong EU như Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic, Brexit sẽ khiến cho trang trại của ông không còn lao động để canh tác sản xuất và thu hoạch vụ mùa. Guy Poskitt cho biết, rất khó khăn trong việc tuyển dụng lao động người Anh. Hiện Guy Poskitt là một trong những nhà cung ứng rau củ lớn cho các siêu thị và khách sạn tại Yorkshire. “Trang trại của tôi sẽ khó hoạt động nếu thiếu nguồn lao động nhập cư. Bởi công việc này không cần họ phải có kỹ năng, tay nghề cao, thêm vào đó giá nhân công rẻ. Brexit sẽ khiến nhiều trang trại, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn lao động như thế” - Guy Poskitt nói.    

Hãng tin Reuters (Anh) trích dẫn số liệu từ Cơ quan thống kê quốc gia Anh cho thấy, chỉ trong năm 2015, số lao động nhập cư từ các nước EU vào Anh là khoảng 184 nghìn người, nâng con số lao động này tại Anh hiện khoảng trên 2,1 triệu người. Như vậy, lao động nước ngoài chiếm gần 11% lực lượng lao động tại Anh. Thêm vào đó, Cơ quan thuế và hải quan Anh thống kê trong tài khóa tính đến tháng 4.2014, nhập cư EU tại Anh đóng góp trên 3,1 tỷ bảng Anh (khoảng 4,5 tỷ USD) tiền thuế và thu nhập trong khi tổng phúc lợi lao động nhập cư được nhận được là 556 triệu bảng (hơn 808 triệu USD). Nhiều chuyên gia phân tích khẳng đinh nếu cánh cửa giữa Anh và EU khép lại, Anh sẽ mất đi một lượng lớn lực lượng lao động có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

Marika Rudik-Mis người Estonia, một nhân viên hành chính làm việc tại một trang trại của Anh từ năm 2002 cho biết, nếu như nước Anh rời EU thì cửa biên giới như từ Đông Âu vào Anh sẽ bị kiểm soát rất chặt và không biết điều gì sẽ đến với những người lao động nhập cư như cô. Còn Tatjana Perminova, lao động Latvia tại Anh từ năm 2005 nói rằng không có nhiều lao động là công dân Anh làm việc luôn cả ngày thứ Bảy và Chủ  nhật. Do đó, các doanh nghiệp, trang trại rất khó tuyển được lao động bản xứ làm theo thời gian như họ mong muốn. Đối với lao động nhập cư tại các quốc gia nghèo hơn tại EU thì nước Anh vẫn là miền đất hứa.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lao động nhập cư với nỗi lo Brexit
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO