Một loạt vụ việc lao động trẻ em ở Nam Trà My được giải cứu gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bóc lột sức lao động ngày một lớn.
Nghỉ hè là đi làm
Vào những ngày đầu tháng 9, Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My tiếp nhận 3 lao động, trong đó có 2 em đang ở độ tuổi vị thành niên (Hồ Văn Điếu (14 tuổi) và Hồ Văn Đồi (13 tuổi), trú tại thôn 4, xã Trà Linh). Những trẻ em này đã được bàn giao cho địa phương đưa về đến nhà. Thông tin ban đầu được xác định, cả ba đều làm thuê cho một chủ rừng ở xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức nhưng do không chịu nổi cường độ làm việc quá mức nên đã bỏ trốn. Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (PC45) giải cứu 7 thiếu niên cùng 14 tuổi trú tại xã Trà Vinh và Trà Cang, bị bóc lột lao động ở tỉnh Lâm Đồng. Vào cuộc điều tra, PC45 giải cứu thêm 5 học sinh cùng trú huyện Nam Trà My cũng đang bị ép phải làm việc tại đây. Ngoài ra, công an xác định có 11 học sinh khác cùng trú tại xã Trà Vinh bị lừa đi lao động đến nay chưa rõ tung tích.
Tình trạng lao động trẻ em khó kiểm soát ở vùng núi Nam Trà My. (Ảnh minh họa) Ảnh: Alăng Ngước |
Đáng chú ý trong các vụ việc trên là hầu hết nạn nhân đều trú tại huyện Nam Trà My, nhưng để kiểm soát được tình hình thì chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu. “Chúng tôi đã thành lập trường nội trú để các em học sinh tập trung ăn ở, sinh hoạt. Đồng thời liên kết với nhà trường chặt chẽ, thường xuyên báo cáo cho chính quyền địa phương những biến động cụ thể. Qua đó kiểm soát được tình trạng bỏ học giữa chừng, kịp thời báo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ mới quản được bề nổi. Mỗi dịp nghỉ hè, các em về nhà rồi tự ý đi lao động theo những lời mời gọi thì không thể kiểm soát được…”- ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết.
Một thực trạng chung đối với lao động trẻ em ở vùng núi Nam Trà My chính là ý thức về lao động rất non nớt. “Các em muốn kiếm được đồng tiền sớm để trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình. Nhiều gia đình con đi khi nào không biết, ở nơi nào cũng chẳng hay. Đến khi xảy ra chuyện thì mới biết được”- ông Nguyễn Duy Ba, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My nói.
Hiện nay, con số thực tế về trẻ em đang đi lao động ở Nam Trà My vẫn chưa thể thống kê chính xác. “Chỉ đến khi xảy ra chuyện thì gia đình mới tìm đến cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ. Có người chỉ biết con họ ở đâu đó trong rừng của Lâm Đồng hay Gia Lai, nhờ chúng tôi đưa về. Nhưng khi không biết thông tin cụ thể là ở đâu, thuộc công ty nào thì làm sao có thể giải cứu?”- Thượng tá Huỳnh Ngọc Thành, Phó trưởng Công an huyện Nam Trà My bộc bạch.
Cảnh báo tuyển dụng lao động tự do
Tình trạng tuyển dụng lao động tự do tại Nam Trà My đang báo động. Cứ đến mùa là người dân đi tứ xứ tìm việc làm. Theo Thượng tá Huỳnh Ngọc Thành, lực lượng công an huyện trước đây đã phát hiện 2 người thường xuyên tuyển lao động tự do vào Gia Lai, Kon Tum hay Lâm Đồng làm việc. “Chúng tôi đã tiến hành ngăn chặn và xử phạt hành chính. Tuy nhiên, ngay lập tức, họ có giấy tờ ủy quyền tuyển dụng của các công ty nên chúng tôi đành chịu. Bởi đó là quyền lợi của người lao động, chúng tôi không thể ngăn cản. Chỉ những trường hợp là lao động trẻ em thì chúng tôi mới có quyền can thiệp…”- Thượng tá Thành cho biết.
Cũng theo ông Thành, để qua mắt chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng, người tuyển dụng lao động không trực tiếp đón ở Nam Trà My mà hẹn địa điểm tại TP.Tam Kỳ rồi mới đưa vào nơi lao động. Theo thông tin ban đầu, những người tuyển dụng này sẽ được nhận tiền hoa hồng 500.000 đồng/ người.
Theo ông Đặng Duy Ba, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My, ý thức của người lao động ở đây còn thấp, chỉ cần có tiền là họ có thể làm bất cứ việc gì. “Nhiều khi chúng tôi liên kết với các doanh nghiệp, đào tạo cho lao động theo hướng công nghiệp hóa. Bên cạnh đó, lập một tài khoản ngân hàng, tiền lương của người lao động sẽ được chuyển vào đó, tránh tình trạng người dân có tiền rồi tiêu xài hoang phí. Tuy nhiên, được một thời gian họ tự ý bỏ việc với lý do: làm mà không trả tiền liền nên không làm nữa…”- ông Ba nói.
Hiện nay, huyện Nam Trà My đang có nhiều chính sách ưu đãi cho người lao động, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Lý do vẫn là người dân không quen với tác phong công nghiệp. “Hiện nay, chính sách dành cho xuất khẩu lao động miền núi đang được hỗ trợ rất nhiều nhưng đa số người dân không mặn mà với chuyện này. Một số qua nước ngoài làm việc được một thời gian rồi tự ý nghỉ việc hoặc bị doanh nghiệp đưa về nước do không đáp ứng được nhu cầu của họ…”- ông Ba nói thêm.
Riêng về tình trạng lao động trẻ em trên địa bàn huyện thì ông Ba lắc đầu: “Ngay cả gia đình họ cũng không biết thì chính quyền cũng chẳng thể biết được. Ở đây khu dân cư tập trung thưa thớt, rất khó quản lý. Chúng tôi chỉ còn cách là liên kết với nhà trường để quản lý những học sinh đang theo học, tránh tình trạng bỏ học giữa chừng để đi lao động...”.
TUỆ LÂM