Lao động tuổi trung niên chật vật tìm việc

H.ĐẠO - V.TÂY 05/06/2023 09:53

(QNO) – Ngành nghề tuyển dụng bị thu hẹp, những tiêu chí thu hút nguồn lao động ngày càng khắt khe khiến người lao động ở độ tuổi trung niên gần như ít có cơ hội tìm kiếm việc làm ở các công ty, xí nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Ry (bên trái) phải kiếm việc thời vụ sau khi bị một công ty cho thôi việc. Ảnh: Đ.T
Ông Nguyễn Minh Ry (bên trái) phải kiếm việc thời vụ sau khi bị một công ty cho thôi việc. Ảnh: Đ.T

Loay hoay tìm việc

Ông Nguyễn Minh Ry (42 tuổi, xã Tam Phú,TP.Tam Kỳ) cho biết, vào cuối năm 2022 anh đã phải nghỉ việc sau hơn 5 năm gắn bó với một xí nghiệp tại Quảng Ngãi. Lý do xí nghiệp cắt giảm nhân sự, trong đó có ông Ry là đang gặp khó khăn về đơn hàng. 

Theo ông Ry, ông gắn bó với xí nghiệp trong một thời gian dài vì có thu nhập ổn định, mỗi tháng hơn 8 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.

“Công ty ít đơn hàng, công nhân như tôi chỉ làm mỗi ngày 7 tiếng, không được làm thêm. Dự lường trước việc xí nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự, tôi đã xin nghỉ việc và tìm kiếm cơ hội mới. Tuy nhiên mãi đến giờ vẫn chưa có công ty khác nhận việc” – ông  Ry chia sẻ.

Tương tự, bà Võ Thị Trang (41 tuổi, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết, với những công nhân như bà chỉ trông chờ được tăng ca thật nhiều để cải thiện thu nhập. Nhưng năm ngoái, công ty bà gặp khó khăn về sản xuất nên bà cùng nhiều lao động khác bị cắt giảm nhân sự. Gắn bó với công ty từ năm 25 tuổi, nên bà Trang  rất hụt hẫng khi nghe tin mình bị mất việc giữa chừng.

“Tìm việc tại các công ty khác là điều không dễ dàng vì họ chỉ nhận người trẻ tuổi. Thời gian này, tôi mua những sản phẩm là dụng cụ thiết yếu trong gia đình để bán thêm, cải thiện thu nhập. Không biết đến khi nào tôi mới được đi làm trở lại” – chị Trang phân trần.

Bà Nguyễn Thị mai cho rằng thị trường lao động tại Quảng Nam thiếu một số ngành nghề để người lao động lớn tuối tìm việc. Ảnh: Đ.T
Bà Nguyễn Thị mai cho rằng thị trường lao động tại Quảng Nam thiếu một số ngành nghề để người lao động lớn tuối tìm việc. Ảnh: Đ.T

Kiến nghị giảm thời gian đóng BHXH

Rời Phú Quốc sau gần 10 năm gắn bó tại một công ty dịch vụ du lịch, bà Nguyễn Thị Mai theo chồng về Tam Tiến (Núi Thành). Nhưng suốt 2 năm qua, bà Mai chạy đôn chạy đáo khắp các công ty ở Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) xin việc nhưng không có công ty nào nào giải quyết nguyện vọng. 

“Tôi nhờ đứa cháu làm công nhân gửi hồ sơ xin việc của mình giúp nhưng các công ty đều từ chối vì hiện tại không có việc phù hợp với nghề dịch vụ môi trường như tôi” – bà Mai nói.

Bị thất nghiệp nên bà Nguyễn Thị Mai buộc lòng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần vì thu nhập bấp bênh không thể tham gia BHXH tự nguyện. “Giờ tôi chỉ bán rong ở biển Tam Thanh không đủ để đóng nối tiếp BHXH. Tôi chỉ mong chính sách về BHXH nên có điều khoản gì đó như giảm thời gian đóng BHXH để người dân có cơ hội được hưởng lợi chính đáng”.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Ry cho rằng, lao động ở tuổi trung niên rất khó có cơ hội tìm kiếm việc làm mới sau khi thất nghiệp nên đóng đủ thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ lương hưu không hề dễ dàng chút nào. 

“Đoán được sẽ khó trở lại làm việc ở công ty nên tôi phải đóng BHXH chứ không đợi bảo lưu rồi đóng tiếp. Chính phủ cần khảo sát, nghiên cứu thực tế để tính đến giảm thời gian đóng BHXH cho người lao động khối ngoài nhà nước. Có như vậy người lao động, công nhân mới có cơ hội tham gia BHXH bền vững, có lương hưu khi về già” – ông Ry bộc bạch.

Tại các cuộc đối thoại, tiếp xúc cử tri gần đây ở các khu, cụm công nghiệp, nhiều kiến nghị của công nhân ngành dệt may đều phản ánh tình trạng lao động nữ không đủ sức để làm việc cho đến khi đủ số năm đóng BHXH theo quy định. Hoặc nhiều người vì bệnh đau, bị cho thôi việc… nên phải rút BHXH một lần chứ không thể tiếp tục tham gia.

“Mỗi ngày ngồi máy cả 8 tiếng chưa kể tăng ca nên tôi bị thoát vị đĩa đệm, chẳng biết có thể đáp ứng yêu cầu của công ty hay không nên chuyện bị đuổi việc hiện hữu trước mắt. Như vậy thì làm gì còn có cơ hội đóng BHXH khi không còn nguồn thu nhập. Thiết nghĩ Luật BHXH sửa đổi sắp tới nên xem xét việc giảm thời gian đóng BHXH, nhất là cho lao động nữ ở các công ty, xí nghiệp, nhà máy tư nhân” – một công nhân huyện Núi Thành đề đạt.

Lao động nữ trong ngành dệt may kiến nghị nên giảm thời gian đóng BHXH để họ có cơ hội nhận lương hưu. Ảnh: Đ.T
Lao động nữ trong ngành dệt may kiến nghị nên giảm thời gian đóng BHXH để họ có cơ hội nhận lương hưu. Ảnh: Đ.T

Theo ông Phan Phước An – Tổ trưởng Tổ tư vấn giới thiệu việc làm trong và ngoài nước thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam, 5 tháng đầu năm 2023, gần 5.000 người có nhu cầu đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hồ sơ đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng là 1.486 người, trong đó có 804 lao động nữ, lũy kế đến ngày 30/4/2023 là 3.670 người (2.112 nữ).

Trong số 100% lao động được trung tâm tư vấn tiếp tục tìm kiếm việc làm thì chỉ có 30% có nhu cầu thật sự muốn quay lại thị trường lao động. Số còn lại vì nhiều lý do như muốn thay đổi công việc, tự tìm kiếm việc làm, thai sản, công việc nhà và cả tâm lý muốn nghỉ ngơi một thời gian ngắn…

Thị trường lao động tại Quảng Nam phần lớn có nhu cầu tuyển dụng về ngành may mặc, dệt, nhuộm, cơ khí… nên độ tuổi phù hợp để đáp ứng là từ 18 đến dưới 35. Trước đại dịch COVID-19 thì cơ hội việc làm nhiều hơn nhưng sau dịch thì các công ty, xí nghiệp tuyển dụng ít, và phần lớn đều yêu cầu lao động trẻ tuổi, có sức khỏe nên người lao động trung niên tìm việc khó hơn.

"Người lao động có thể tìm kiếm thông tin về việc làm phù hợp với mình qua 3 kênh là bảng tin thông báo tại trung tâm, ứng dụng Smart Quảng Nam và website vieclamquangnam.gov.vn của trung tâm, tất cả sẽ được tư vấn và hỗ trợ miễn phí” – ông An thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lao động tuổi trung niên chật vật tìm việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO