Chậm hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo chính sách: Địa phương và doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm

DIỄM LỆ 12/08/2022 07:06

Đến ngày 15.8, Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động hết hạn nộp hồ sơ, đến ngày 31.8 hết hạn giải ngân tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, tại Quảng Nam đến nay số lượng hồ sơ đề nghị hỗ trợ rất thấp so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động và số người lao động đang tham gia thị trường lao động. Trước thực tế này, tại cuộc họp vào sáng qua 11.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm về việc thực hiện Quyết định 08.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các địa phương phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong thực hiện Quyết định 08 nếu không thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ảnh: D.L
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các địa phương phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong thực hiện Quyết định 08 nếu không thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ảnh: D.L

Quá chậm trễ

Theo số liệu tổng hợp từ Sở LĐ-TB&XH, đến hết ngày 10.8.2022, các địa phương đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 148 doanh nghiệp (DN), với tổng số lao động (LĐ) được hỗ trợ 7.265 người, kinh phí hỗ trợ hơn 3,7 tỷ đồng. Có 4 địa phương không phát sinh hồ sơ hỗ trợ gồm Nam Giang, Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói, theo số liệu của BHXH cung cấp, ngoài 7.265 lao động đã được phê duyệt hỗ trợ, hiện nay chỉ có hơn 24.700 hồ sơ đã và đang thẩm định theo Quyết định 08, như thế là quá thấp so với con số 128 nghìn LĐ mà tỉnh đang quản lý. Ngay cả với số LĐ đã được phê duyệt, việc giải ngân mới chỉ đạt 15%.

Ngày 28.3.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đến ngày 19.5.2022 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Công điện số 431 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8.2022.

Ngày 9.8, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5014 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chậm nhất trước ngày 15.8.2022 tổ chức họp báo, giao ban với các địa phương để xác định nguyên nhân chậm trễ và có giải pháp xử lý, đôn đốc giải quyết việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động bảo đảm khẩn trương, hiệu quả.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, tính đến ngày 2.8, các địa phương mới duyệt hồ sơ cho 17.356 doanh nghiệp với 1,2 triệu lao động, tương đương 1/3 tổng số hồ sơ; một số địa phương việc giải ngân rất chậm.(T.S)

Một số khó khăn phát sinh theo Sở LĐ-TB&XH là DN không kịp thời lập danh sách người LĐ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng mà gộp 2 hoặc 3 tháng mới lập danh sách gửi một lần.

Vì thế hồ sơ chậm, phát sinh từ tháng 7.2022, nên việc chi trả chính sách hỗ trợ còn chậm. Một số địa phương chưa kịp thời thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, một số địa phương chưa chủ động sử dụng nguồn dự phòng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để chi hỗ trợ cho người LĐ.

Về thực tế ở cơ sở, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - Tơ Ngôl Với cho biết, đến nay địa phương không có hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Quyết định 08, nhưng theo thông tin UBND huyện rà soát, nắm được Công ty Xi măng Xuân Thành có LĐ nhưng chưa có hồ sơ gửi.

Đối với huyện Nam Trà My, ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH cho hay, tại địa phương có 22 DN, cơ sở sản xuất kinh doanh; huyện đã có nhiều văn bản triển khai nhưng chỉ có Công ty TNHH MTV Sâm Sâm gửi danh sách 4 LĐ có đóng BHXH đề nghị hỗ trợ, nhưng địa chỉ gửi tại nơi đăng ký kinh doanh là TP.Tam Kỳ chứ không phải ở Nam Trà My.

Một số địa phương có hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhưng rất thấp, như Hiệp Đức (99 LĐ đang làm việc và 30 LĐ quay lại thị trường LĐ), Tiên Phước (172 LĐ đang làm việc và 16 LĐ quay lại thị trường LĐ), Phước Sơn (đang thẩm định 32 LĐ đang làm việc), Phú Ninh (369 LĐ đang làm việc và 8 LĐ quay lại thị trường)...

Lãnh đạo các địa phương này cho hay, do LĐ làm việc tại các DN trên địa bàn đều là người địa phương, ít người ở trọ nên số lượng hồ sơ đề nghị không nhiều. Trong khi đó, ở các địa phương có đông LĐ làm việc tại DN như Tam Kỳ, Núi Thành, Điện Bàn, Duy Xuyên, số LĐ đề nghị hỗ trợ cũng rất thấp so với số LĐ đang làm việc.

Như Tam Kỳ đã tiếp nhận hồ sơ của 62 DN, với 2.007 LĐ, đã thẩm định hồ sơ của 38 DN với kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng, số còn lại đang thực hiện; Điện Bàn có 2.697 LĐ được DN đề nghị hỗ trợ, Duy Xuyên 1.066 LĐ, Núi Thành 3.547 LĐ.

Cam kết trách nhiệm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn phê bình các địa phương cấp huyện không có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND dự cuộc họp, người được cử đi họp thay không có tiếng nói quyết định và thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh ngay tại cuộc họp.

Ông Tuấn đề nghị các địa phương không kêu khó, bằng mọi cách, dù hơn cả nghìn DN thì cũng phải có cam kết thực hiện. Quyết định 08 được thực hiện từ tháng 4, nhưng đến tháng 7 các DN, địa phương mới triển khai, nên đến nay chỉ có số ít LĐ được hỗ trợ. Chính sách đã có mà địa phương, DN không thực thi thì phải chịu trách nhiệm.

Theo Phó Chủ tịch Trần Anh Tuấn, trên tinh thần người LĐ phải được hưởng chính sách này thì trách nhiệm của địa phương, DN, sở ngành phải đặt lên mức cao nhất. Địa phương thực hiện hết trách nhiệm nhưng không vì thế mà làm sai nguyên tắc; quy định đến đâu thì thực hiện đến đó, nếu bỏ sót đối tượng, làm sai quy định thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tỷ lệ giải ngân tiền hỗ trợ theo Quyết định 08 gấp nhưng chưa đáng lo bằng việc thời hạn cuối đóng hồ sơ là 15.8.

Cũng ngay tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu lãnh đạo các địa phương chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH chủ trì với các đơn vị liên quan làm việc với DN để yêu cầu viết cam kết đối với số LĐ mà DN không đề nghị hỗ trợ.

Bản cam kết của DN phải có các cơ quan nhà nước thực thi chính sách và đại diện công đoàn cơ sở xác nhận. Đối với trường hợp DN có LĐ thuộc diện hỗ trợ nhưng chưa nộp hồ sơ hoặc đã nộp hồ sơ nhưng chưa được phê duyệt, các địa phương phải làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật để đảm bảo thời hạn.

Chậm nhất đến sáng 15.8, các địa phương phải báo cáo UBND tỉnh qua Sở LĐ-TB&XH về số lượng DN đã ký cam kết, nội dung cam kết, lưu biên bản cam kết, để sau này phát sinh khiếu nại của người LĐ thì làm căn cứ yêu cầu DN tự trích tiền chi trả theo quy định tại Quyết định 08. Trường hợp xảy ra khiếu nại, khiếu kiện của người LĐ nhưng do địa phương không thực hiện yêu cầu DN viết cam kết thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chậm hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo chính sách: Địa phương và doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO