Hỗ trợ lao động tìm nghề, chuyển đổi sinh kế ở Hội An

NGUYỄN QUỲNH - BÙI HUÂN 13/07/2021 15:42

(QNO) - Nhiều năm qua, Phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với người lao động như tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, tìm hướng giải quyết việc làm cho người lao động. Vai trò cầu nối càng ý nghĩa hơn khi hai năm qua dịch Covid-19 bùng phát, việc tìm kiếm việc làm, chuyển đổi sinh kế trở nên khó khăn. 

Một lớp học đào tạo nghề pha chế ở UBND phường Cẩm Phô, TP.Hội An. Ảnh: H.Q
Một lớp học đào tạo nghề pha chế ở UBND phường Cẩm Phô, TP.Hội An. Ảnh: H.Q

Tích cực đào tạo nghề cho người lao động

Hơn 2 năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người lao động của TP.Hội An khó tìm việc, doanh nghiệp thất thu, nguồn lao động có tay nghề cũng dần rơi rụng khỏi các chỗ làm đã từng gắn bó để tự xoay xở, tìm nguồn thu nhập.

Để giải quyết bài toán này, Phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An thường xuyên tổ chức điều tra trên diện rộng, nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động, cạnh đó phòng còn chủ động liên kết với Thành đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam… để mở các lớp dạy nghề nấu ăn, làm bánh, pha chế, làm nấm bào ngư… để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Phần nữa là giúp người lao động có thể tìm được việc làm tại các nhà máy sản xuất, khách sạn, nhà hàng… với những kiến thức đã học được. 

Từ năm 2010, Phòng LĐ-TB&XH cũng đã lập fanpage để chuyển tải thông tin về công việc, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để người sử dụng lao động và người lao động dễ dàng truy cập, tìm kiếm việc làm phù hợp. Phòng còn lập trang web Trung tâm giới thiệu việc làm, đến nay đã đăng tải trên 100 thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp và có trên 2.000 lượt người truy cập…

Bà Trần Thị Bích Trâm – Chủ tịch Hội LHPN phường Cửa Đại chia sẻ: "Từ đầu tháng 6.2021, phường đã mở 2 lớp chế biến món ăn với số lượng học viên lên tới hơn 50 người, chia thành 2 lớp, các học viên không chỉ được các thầy cô có chuyên môn dạy nhiều kiến thức về chế biến món ăn mà còn có cơ hội thực hành trực tiếp tại lớp học".

Bà Lê Phương Đức – Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An cho biết, 10 năm qua (2010 - 2020), phòng đã tổ chức được 18 lớp nghề như pha chế, làm bánh, làm gốm, mỗi khóa học diễn ra trong khoảng 3 tháng… với 1.011 lao động nông thôn học nghề.

“Tổng số lao động nông thôn học nghề và được cấp giấy chứng nhận sau khi hoàn thành khóa học là 1.011 người, số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 783 người, đạt 77,5% so với tổng số người đã học nghề xong (doanh nghiệp tuyển dụng 100 người, tạo được việc làm cho 683 người). Sau khi kết thúc khoá học tất cả học viên đã am hiểu rõ về kỹ thuật chế biến món ăn, ứng dụng vào thực tiễn đạt kết quả cao, tỷ lệ có việc làm hơn 80%” – bà Đức chia sẻ.

 Học viên tự tin khởi nghiệp

Sau khi kết thúc khóa học nghề miễn phí, nhiều học viên đã có việc làm, thu nhập ổn định, một số học viên mạnh dạn thay đổi công việc, thích ứng với tình hình dịch bệnh để vươn lên phát triển kinh tế.

Mô hình trồng nấm của ông Đỗ Thành Sơn (khối phố Sơn Phô 2, phường Cẩm Châu). Ảnh: H.Q
Mô hình trồng nấm của ông Đỗ Thành Sơn (khối phố Sơn Phô 2, phường Cẩm Châu) đã cho thu nhập. Ảnh: H.Q

Điển hình như ông Đỗ Thành Sơn (33 tuổi, khối phố Sơn Phô 2, phường Cẩm Châu) từ một nhân viên quản lý của khách sạn có tiếng ở phường Minh An, với thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ông Sơn mất việc làm và quyết định theo học nghề trồng nấm bào ngư do Phòng LĐ-TB&XH đào tạo miễn phí. Từ vốn kiến thức được trang bị, ông Sơn đã mạnh dạn mở cơ sở làm nấm bào ngư và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Tôi tham gia lớp học nghề từ tháng 9 đến tháng 11.2020, sau đó bắt tay vào trồng. Thời gian đầu gặp không ít khó khăn về vốn, đầu ra cho nấm. Để có tiền đầu tư trại, mua phôi, tôi làm liều cầm cố sổ đỏ nhà đất của gia đình đi vay 200 triệu đồng để đầu tư” – ông Đỗ Thành Sơn cho biết.

Đến nay, ông Sơn đã xây dựng được trại nấm quy mô hơn 100m2, với hơn 2.000 phôi để làm nấm bào ngư. Trong đợt đầu của năm 2020, số lượng nấm bào ngư ra khá đều đạt trên 40kg, được anh bán ra thị trường với mức giá giao động từ 60.000 đồng/kg.

Bà Lê Phương Đức đánh giá, mô hình trồng nấm bào ngư của Sơn là thành công bước đầu trong việc đào tạo nghề cho người lao động trong mùa dịch Covid-19. Cũng nhờ cơ sở trồng nấm bào ngư của ông Đỗ Thành Sơn mà nhiều học viên có cơ hội được tham quan, học hỏi và thực hành trực tiếp không phải đi xa như trước đây.

“Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên đa số học viên bị thất nghiệp, kinh tế khó khăn. Họ tìm đến các lớp học như thế này để được học nghề miễn phí với mức hỗ trợ hơn 2 triệu đồng/người/khóa nên mọi người luôn phấn khởi. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục liên kết với các trường nghề trên địa bàn tỉnh để mở các lớp học phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, giúp các học viên có thêm nhiều cơ hội việc làm, cải thiện cuộc sống” - bà Đức cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ lao động tìm nghề, chuyển đổi sinh kế ở Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO