Khốn khó trong dịch bệnh

VĨNH LỘC 21/06/2021 10:46

Hàng trăm doanh nghiệp đăng ký phá sản hoặc tạm dừng hoạt động do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đang là thực trạng diễn ra hiện nay trên địa bàn Quảng Nam.

Nhiều doanh nghiệp Quảng Nam đã hoạt động trở lại sau thời gian tạm đóng cửa.Ảnh: V.L
Nhiều doanh nghiệp Quảng Nam đã hoạt động trở lại sau thời gian tạm đóng cửa.Ảnh: V.L

Doanh nghiệp rời thị trường

Khách sạn Hoàng Gia Hội An (Hotel Royal Hoi An) đã đóng cửa hoạt động từ tháng 3.2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu tại Việt Nam. Với đẳng cấp 5 sao, thiết kế sang trọng, khách sạn Hoàng Gia Hội An vẫn không trụ được trước tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Doanh nghiệp khó tiếp cận hỗ trợ

Ngày 13.1, UBND tỉnh ban hành Quyết định 128 về Kế hoạch triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nội dung quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này không hề dễ dàng do vướng những quy định, thủ tục từ các sở ngành, nhất là quy định từ Trung ương nên số doanh nghiệp đáp ứng điều kiện tiếp cận hỗ trợ không nhiều. Cuối cùng, doanh nghiệp cũng vẫn phải tự nỗ lực vượt khó để tồn tại, phát triển.

“Ban đầu chúng tôi dự kiến mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 1.6 nhưng bây giờ dịch bùng phát lại nên cũng chưa biết khi nào” - ông Lê Huy Khang - Giám đốc phát triển Tập đoàn Hoàng Gia cho biết.

Hotel Royal Hoi An chỉ là 1 trong 3 khách sạn mang thương hiệu Hoàng Gia đang hoạt động tại Hội An phải đóng cửa kinh doanh vô thời hạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng nghĩa gần 400 nhân viên phải nghỉ việc.

Tương tự, Xưởng giặt là (Công ty 559) đặt tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) cũng ngừng hoạt động hơn năm nay do không có hàng, gần 100 công nhân phải nghỉ việc.

Thực tế, hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp mới bắt đầu hồi phục, tuy nhiên đợt bùng phát dịch hồi tháng 5 vừa qua một lần nữa khiến hầu hết doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đình đốn.

Khảo sát cho thấy, sau hơn một năm bị tác động bởi dịch Covid-19, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại TP.Hội An, đến đầu tháng 6, hơn 260 doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh hoặc chấm dứt hoạt động.

Biểu đồ doanh nghiệp Quảng Nam đăng ký hoạt động mới và hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng qua 5 tháng đầu năm.
Biểu đồ doanh nghiệp Quảng Nam đăng ký hoạt động mới và hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngừng qua 5 tháng đầu năm.

Không chỉ doanh nghiệp du lịch, dịch vụ ngừng hoạt động, dịch Covid-19 cũng tác động mạnh đến nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, vận tải... Theo số liệu của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT), tính đến ngày 31.5, có 539 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 166 đơn vị so với cùng kỳ năm 2020); 127 doanh nghiệp giải thể; 129 đơn vị đăng ký giải thể (tăng 66 đơn vị so với cùng kỳ).

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nhân - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT) cho rằng, đây là điều khó tránh khỏi khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Dù vậy, so với nhiều địa phương khác, số lượng doanh nghiệp rời thị trường ở Quảng Nam không quá lo ngại.

“Hiện nay, việc thành lập doanh nghiệp thuận lợi nên có doanh nghiệp thành lập ra không kiếm được việc làm thì giải thể, thành lập mới, thậm chí có doanh nghiệp bỏ địa chỉ, không kê khai, bị khóa đóng mã số, chưa kể một số doanh nghiệp đăng ký nhiều ngành nghề nên việc tạm dừng hoạt động một hay hai lĩnh vực ngành nghề cũng chưa thể phản ảnh chính xác nội tại được” - bà Nhân phân tích.

Xoay xở để tồn tại

Chưa thể biết từ nay đến cuối năm như thế nào. Tuy nhiên, bên cạnh thông tin về số doanh nghiệp đóng cửa hoặc rời thị trường, 5 tháng đầu năm cũng đón nhận vài tín hiệu tích cực từ hoạt động của doanh nghiệp Quảng Nam.

Theo số liệu từ Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT), tính đến ngày 31.5, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 764 đơn vị (bao gồm 578 doanh nghiệp và 186 đơn vị trực thuộc), tăng 47 đơn vị so với cùng kỳ 2020, tổng số vốn đăng ký hơn 5.130 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay thị trường cũng đón nhận 315 đơn vị đăng ký hoạt động trở lại, tăng 170 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020.

Biểu đồ tình hình doanh nghiệp Quảng Nam phá sản, tạm dừng hoạt động qua 5 tháng đầu năm.
Biểu đồ tình hình doanh nghiệp Quảng Nam phá sản, tạm dừng hoạt động qua 5 tháng đầu năm.

Tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc, ngoài trừ Xưởng giặt là (Công ty 559) hầu hết doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động. So sánh tình hình phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 5 tháng đầu năm có thể thấy, mặc dù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn như trước năm 2020, nhưng sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới so với cùng kỳ đã thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng phát triển kinh tế thời gian tới.

Dù vậy, theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, phần lớn doanh nghiệp hiện vẫn rất khó khăn nhưng việc tiếp cận những cơ chế chính sách tài chính, hỗ trợ từ phía Nhà nước lại phức tạp khiến doanh nghiệp nản lòng. Đơn cử, như quy định về thời gian giãn thuế, nợ thuế ngắn ngày vẫn không giúp ích được nhiều cho doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm kinh doanh khó khăn hiện nay.

Ông Phạm Văn Dũng, đại diện tập đoàn Thiên Minh tại Quảng Nam cho rằng, quy định về thời gian giãn thuế, nợ thuế chỉ vài tháng sẽ không giải quyết được vấn đề căn cơ cho doanh nghiệp. Chưa kể, việc quy định doanh nghiệp phải hoàn thành nộp thuế năm 2020 mới được tiếp tục nợ thuế năm 2021 khiến doanh nghiệp đã khó khăn nay càng bức bí hơn. Tại tập đoàn Thiên Minh, một số đơn vị trực thuộc phải nhờ hỗ trợ từ tập đoàn mới có thể duy trì hoạt động được.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khốn khó trong dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO