Lỗ hổng phòng chống dịch trong khu công nghiệp

VĨNH LỘC - XUÂN HIỀN 13/09/2021 07:04

Sự việc lây nhiễm Covid-19 tại Công ty TNHH Giày Rieker Việt Nam những ngày qua một lần nữa bộc lộ nhiều “kẽ hở” trong công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp khu công nghiệp (KCN) nói chung và KCN Điện Nam – Điện Ngọc nói riêng.

 

Không xét nghiệm định kỳ cho công nhân

Với hơn 10 nghìn lao động, Công ty TNHH Giày Rieker Việt Nam là doanh nghiệp (DN) có số lượng công nhân lớn nhất tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Mặc dù thời gian qua việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch tại nơi làm việc được công ty thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên 2 vấn đề mấu chốt nhất là tổ chức xét nghiệm sàng lọc định kỳ 20 - 50% công nhân và quản lý công nhân theo phương án “một cung đường 2 điểm đến” hầu như bị buông lỏng.

Biên bản kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Công ty TNHH Giày Rieker Việt Nam ngày 11.9 (Sở Công Thương chủ trì) đã chỉ ra nhiều lỗ hổng trong công tác phòng chống dịch của DN như không thực hiện xét nghiệm nhanh 20% cho người lao động theo quy định; chưa xây dựng phương án tạm dừng hoạt động theo quy định Phương án 115.

Đặc biệt, sau khi phát hiện các ca dương tính, công ty đã cho toàn bộ công nhân nghỉ về địa phương trong khi chỉ mới test nhanh khoảng 20% trong gần 4.000 lao động tại cơ sở 2 (các phân xưởng C, D, E, F, G)…

 

Ông Nguyễn Ngọ - Trưởng ban Quản lý KCN Điện Nam – Điện Ngọc khẳng định, Công ty Giày Rieker chỉ là trường hợp cá biệt, hiện tại hầu hết DN KCN làm rất tốt công tác xét nghiệm định kỳ.

“Việc không tổ chức xét nghiệm định kỳ là lỗi của DN” - ông Ngọ chia sẻ và cho rằng nguyên nhân của việc không xét nghiệm sàng lọc người lao động vì số lượng công nhân đông dẫn đến chi phí xét nghiệm cao (bình quân 100 nghìn đồng/người) nên DN đã không làm điều này.

Ngày 21.8.2021, UBND tỉnh đã ban hành Phương án 115 về phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nội dung yêu cầu các doanh nghiệp, người lao động phải chấp hành nghiêm chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 của trung ương và tỉnh. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải định kỳ xét nghiệm, tối thiểu 5 - 7 ngày/lần cho toàn bộ người lao động ở các bộ phận thường xuyên có nguy cơ cao, tiếp xúc với bên ngoài và xét nghiệm tối thiểu 20 - 50% tổng số người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh của mình, toàn bộ kinh phí xét nghiệm do đơn vị tự chi trả.

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, việc Công ty TNHH Giày Rieker Việt Nam không tuân thủ thực hiện các quy định phòng chống dịch theo Phương án 115 là vi phạm cần xử lý. Hôm nay 13.9, sở sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Rieker.

Tính đến trưa 12.9, tổng số ca nhiễm Covid-19 liên quan đến Công ty Giày Rieker là 50 người. DN này cũng đã đóng cửa hoạt động cơ sở 2 để phòng chống dịch.

Tốc lực xét nghiệm sàng lọc

Trong ngày 11.9, Sở Y tế yêu cầu Công ty Giày Rieker cung cấp danh sách công nhân làm việc tại các phân xuởng A và B (nơi phát hiện các ca bệnh F0) để gửi đến các địa phương tiến hành thực hiện việc cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm.

Việc tầm soát xét nghiệm và tổ chức giãn cách tại nơi làm việc sẽ giúp hạn chế dịch bệnh lây lan trong khu công nghiệp. Ảnh: V.LỘC
Việc tầm soát xét nghiệm và tổ chức giãn cách tại nơi làm việc sẽ giúp hạn chế dịch bệnh lây lan trong khu công nghiệp. Ảnh: V.LỘC

Ngoài Công ty Giày Rieker, qua xét nghiệm sàng lọc, Điện Bàn tiếp tục ghi nhận thêm một số ca mắc là công nhân của 4 công ty khác nằm trong KCN. Hiện Điện Bàn đang tốc lực truy vết và lấy mẫu xét nghiệm số công nhân còn lại đang làm việc trong KCN để nhanh chóng phát hiện và “bóc tách” F0.

Ngoài ra, trong quá trình xử lý ca nhiễm tại KCN phải thực hiện rất quyết liệt các biện pháp truy vết, khoanh vùng trong thời gian ngắn nhất, trong đó năng lực lấy mẫu, xét nghiệm đóng vai trò quan trọng để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch.

Trước yêu cầu đặt ra là phải phát hiện rất sớm các ca nhiễm trong khu, cụm công nghiệp, ngành y tế đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm công tác kiểm soát, xét nghiệm sàng lọc định kỳ khoảng 20% công nhân, thậm chí tăng cường tại những nhà máy, phân xưởng có môi trường làm việc kín, mật độ đông.

Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc tuân thủ quy định của UBND tỉnh tại các DN hiện còn khá lỏng lẻo.

“Việc xảy ra tại nhà máy Rieker cho thấy điều này. Qua cuộc làm việc với DN tôi đã chấn chỉnh và yêu cầu ban quản lý KCN phải kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Điều đầu tiên hiện nay là chúng ta phải triển khai xét nghiệm nhanh toàn thể công nhân trên địa bàn thị xã.

Ban Quản lý KCN Điện Nam - Điện Ngọc vận động các DN cố gắng xét nghiệm sàng lọc để phát hiện F0 càng sớm càng tốt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức các đoàn thanh kiểm tra liên tục tại các cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lỗ hổng phòng chống dịch trong khu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO