Ngăn chặn Covid-19 xâm nhập khu - cụm công nghiệp

VĨNH LỘC 21/09/2021 06:06

Đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người lao động, điều chỉnh các phương án phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN-CCN) là những giải pháp đang được các cấp ngành liên quan khẩn trương triển khai nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị ảnh hưởng, đứt gãy…

Tiêm ngừa vắc xin Covid-19 cho người lao động trong các khu, cụm công nghiệp sẽ đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định. Ảnh: V.L
Tiêm ngừa vắc xin Covid-19 cho người lao động trong các khu, cụm công nghiệp sẽ đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định. Ảnh: V.L

Bao phủ vắc xin

Hôm nay 21.9, theo kế hoạch, sẽ có khoảng 250/800 lao động của Công ty TNHH Woonchang Việt Nam (CCN Trảng Nhật 1, Điện Thắng Trung, Điện Bàn) được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Động thái được xem là giải pháp kịp thời giúp doanh nghiệp an tâm, an toàn qua đại dịch.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 100 nghìn lao động làm việc trong các KCN-CCN (riêng các KCN khoảng 65 nghìn lao động). Tính đến ngày 17.9, tổng số vắc xin Quảng Nam được nhận là 217.950 liều (trong tổng số 296.500 liều được phân bổ theo quyết định của trung ương). Dự kiến, tuần này sẽ tiếp tục nhận thêm 78.550 liều vắc xin Covid-19. Đặc biệt, UBND tỉnh đã đăng ký đề xuất trung ương cấp thêm Quảng Nam 500.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 trong thời gian tới.

Ông Chế Minh Hưng - trợ lý Tổng Quản lý Công ty TNHH Woonchang Việt Nam chia sẻ: “Công ty chúng tôi chuyên may áo vest cao cấp xuất khẩu cho đối tác nước ngoài, nên việc đảm bảo đơn hàng, hợp đồng đúng thời hạn rất quan trọng. Vì vậy, việc tiêm vắc xin đầy đủ cho người lao động giúp họ an tâm làm việc, đảm bảo sản xuất không bị đứt gãy”.

Khảo sát một số doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN-CCN cho thấy, thời gian qua tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 chưa cao. Do đó, việc ngành y tế triển khai tiêm phủ vắc xin cho người lao động được doanh nghiệp đón nhận tích cực.

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định, những ngày tới sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm ngừa vắc xin Covid-19 trong KCN-CCN, phấn đấu sẽ sớm bao phủ vắc xin cho công nhân lao động.

“Đến nay, khoảng 70% người lao động trong KCN-CCN đã được tiêm vắc xin. Dự kiến tuần này khi vắc xin về thêm sẽ tiếp tục ưu tiên tiêm phòng, phấn đấu đến hết tháng 9 tất cả người lao động làm việc trong các KCN-CCN được tiêm ngừa vắc xin Covid-19 ít nhất 1 mũi và 30% hoàn thành mũi 2. Tất cả đều tiêm miễn phí” - ông Văn nói.

Điều chỉnh phương án phòng chống

Theo ông Văn, tiêm ngừa vắc xin giúp an toàn hơn, nhưng đây cũng chỉ là một yếu tố chứ không phải biện pháp an toàn tuyệt đối trước dịch bệnh, bởi người tiêm vắc xin vẫn có thể nhiễm và lây cho người khác.

“Quan trọng nhất là ý thức mỗi người trong chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch. Do đó, từng cơ sở kinh doanh cần thường xuyên nhắc nhở, quản lý người lao động. Ban Quản lý các KCN phải tuyên truyền, giám sát việc thực hiện phòng chống dịch tại các nhà máy, doanh nghiệp…” - ông Văn khuyến cáo.

Từ thực tế các ca nhiễm bệnh trong KCN Điện Nam - Điện Ngọc những ngày qua cho thấy, bên cạnh ý thức một số công nhân chưa tốt thì việc buông lỏng công tác phòng chống dịch của các doanh nghiệp đã dẫn đến nhiều hệ lụy.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, nhiều doanh nghiệp làm tốt công tác phòng chống dịch, nhưng cũng không ít chủ doanh nghiệp vẫn còn lơ là, như không nắm được số lượng công nhân khai báo y tế trên các phần mềm, tùy tiện cho công nhân về địa phương khi xuất hiện dịch tại cơ sở sản xuất… dẫn đến gây khó khăn truy vết. Doanh nghiệp phải tăng cường quản lý cập nhật dữ liệu công nhân trong và sau giờ làm (ở đâu, đi đâu, về đâu…) để khi xuất hiện dịch dễ dàng truy vết.

Cùng với đó, phải điều chỉnh lại cách xét nghiệm, đổi mới hình thức xét nghiệm đảm bảo mẫu gộp nhưng phản ánh được thực tế, hạn chế tốn kém cho doanh nghiệp khi xét nghiệm đại trà. Riêng quá trình thực hiện các phương án “3 tại chỗ” hay “một hành trình 2 điểm đến”… cũng cần xem xét lại do điều kiện thực tế chưa đảm bảo (chưa có khu nhà ở cố định cho công nhân, thiếu nhà ở xã hội trong các khu, cụm công nghiệp) dẫn đến khi áp dụng vào thực tiễn xuất hiện nhiều bất cập.

Do đó, bên cạnh kiểm tra, nhắc nhở, khuyến cáo cũng cần bổ sung, sửa đổi phương pháp phòng chống dịch cho thích hợp. Doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì áp dụng 3 tại chỗ, nhưng cũng chỉ trong thời gian nhất định đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, không làm khó doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

“Sắp tới cần kiểm soát bằng cách “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) ở một vị trí nhất định. Khi dịch xuất hiện có thể khu trú, phong tỏa một phân xưởng chứ không phong tỏa hết nhà máy, đặc biệt đẩy mạnh tiêm vắc xin và đổi mới hình thức xét nghiệm.” - ông Dự nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngăn chặn Covid-19 xâm nhập khu - cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO