Phòng chống dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp: Linh hoạt điều chỉnh

DIỄM LỆ 22/09/2021 05:57

Phương án 115 về phòng chống dịch Covid-19 của Ban chỉ đạo cấp tỉnh được các doanh nghiệp (DN) thực hiện từ cuối tháng 8.2021. Tuy nhiên, khi áp dụng phương án vào thực tế đã xuất hiện những bất cập, khó khả thi vì điều kiện tại DN không cho phép.

Điều kiện sản xuất của doanh nghiệp hiện nay khó đáp ứng phương án “4 tại chỗ”. Ảnh: D.L
Điều kiện sản xuất của doanh nghiệp hiện nay khó đáp ứng phương án “4 tại chỗ”. Ảnh: D.L

Sáng qua 21.9, trong buổi họp trực tuyến với các địa phương và chủ đầu tư, DN trong khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất điều chỉnh Phương án 115 cho phù hợp với thực tiễn theo đề xuất của các địa phương, DN. Đồng thời lưu ý việc điều chỉnh phải hết sức thận trong, tuyệt đối không chủ quan.

Phát sinh khó khăn

Phương án 115 của Ban chỉ đạo cấp tỉnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 ra đời trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp vào tháng 8.2021. Trong đó, chỉ có 2% số DN chọn phương án “4 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn uống tại chỗ - ngủ nghỉ tại chỗ - cách ly tại chỗ khi xuất hiện F0); chọn “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn uống tại chỗ - ngủ nghỉ tại chỗ) có 40% số DN và 45% chọn “2 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn uống tại chỗ) và “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Với Phương án 115, tỉnh đã khống chế được nguồn lây từ các ổ dịch bùng phát trong và ngoài KCN, CCN, giúp DN chủ động các biện pháp ứng phó dịch bệnh tốt hơn.

Ông Thiều Việt Dũng - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh cho biết: “Qua triển khai “3 tại chỗ”, các DN nói rất khó thực hiện khi điều kiện không đảm bảo. DN chỉ từ 200 lao động (LĐ) trở xuống thì được, đông hơn rất khó.

Với việc xét nghiệm, DN vận dụng theo kiểu 10 ngày hoặc nửa tháng thực hiện một lần, chứ chi phí quá lớn DN không kham nổi. Có 16 DN không đảm bảo điều kiện xin tạm dừng hoạt động nếu dịch bệnh xảy ra”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọ - Trưởng ban Quản lý KCN Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) kiến nghị: “Phương án “3 tại chỗ” chỉ phù hợp DN có lượng LĐ nhỏ, với DN đông LĐ là rất khó khăn.

Đơn cử như Công ty Quang Hiếu có 400 công nhân, đều có nguy cơ lây nhiễm cao do làm việc trong môi trường lạnh. Nhưng khi xuất hiện ca F0 trong KCN, sau 7 ngày thực hiện “3 tại chỗ” thì một số người muốn trở về nhà vì điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.

Vì thế, các DN phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi công nhân cư trú, liên tục kiểm tra, tầm soát để quản lý công nhân theo phương án “1 cung đường 2 điểm đến” sẽ hiệu quả hơn”. 

Nhiều ý kiến của DN cho rằng việc xét nghiệm theo tần suất quy định 4 lần/tháng khiến DN quá tốn kém. Đại diện Công ty CP Phước Kỳ Nam (Tam Kỳ) kiến nghị chỉ nên xét nghiệm ở vùng đỏ theo đúng quy định, vùng vàng giảm xuống theo tỷ lệ, còn vùng xanh thì xét nghiệm đại diện theo chuyền, xưởng và giãn thời gian mỗi tháng từ 1 - 2 lần là đủ.

Còn ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Công ty Việt Vương 2 (KCN Điện Nam - Điện Ngọc) nói, vì thực hiện 70% số lao động được sản xuất, 30% phải nghỉ, nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty và công ăn việc làm, thu nhập của người LĐ. Vậy nên công ty đề nghị xem xét cho hoạt động 100% công suất khi dịch bệnh được kiểm soát ở Điện Bàn, và công ty đảm bảo được mật độ trên 10m2/người khi làm việc tại xưởng.

Ông Kiên cũng kiến nghị nên xem xét khoanh vùng nhỏ lại khi có F0 xuất hiện trong xưởng, chỉ khoanh vùng 1 tổ có liên quan, dừng cả xưởng thì ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng hàng hóa cho đối tác của DN.

Điều chỉnh phù hợp

Lắng nghe ý kiến các địa phương và chủ đầu tư, DN trong KCN, CCN, Phó Chủ tịch Hồ Quang Bửu đồng ý cần điều chỉnh Phương án 115 phù hợp với thực tiễn theo đề xuất của các địa phương, DN. Trong đó chỉ đưa ra 2 hình thức thực tế là phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”.

UBND tỉnh lắng nghe ý kiến phản ảnh từ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý sau một tháng triển khai thực hiện Phương án 115. Ảnh: D.L
UBND tỉnh lắng nghe ý kiến phản ảnh từ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý sau một tháng triển khai thực hiện Phương án 115. Ảnh: D.L

Khuyến khích những chủ đầu tư KCN, CCN nên có hợp đồng với ngành y tế tại địa phương để chủ động các phương án kịp thời. Ông Bửu cũng kêu gọi DN chung tay với địa phương, người LĐ để thực hiện các phương án phòng chống dịch hiệu quả nhất.

Ghi nhận kiến nghị của các DN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân giao Sở Công Thương điều chỉnh Phương án 115 phù hợp thực tiễn, trình UBND tỉnh, Ban chỉ đạo cấp tỉnh xem xét. Đồng thời khẳng định việc xét nghiệm định kỳ là tất yếu phải thực hiện, vì đảm bảo an toàn với Covid-19 là điều kiện sống còn của mỗi DN và của toàn xã hội.

Ngoại trừ các bộ phận làm công việc nguy cơ cao phải thực hiện xét nghiệm 100%, Phó Chủ tịch Trần Văn Tân yêu cầu điều chỉnh Phương án 115 theo mức ít nhất xét nghiệm định kỳ 20% đối với DN ít lao động; với DN có số lượng LĐ lớn, DN trong vùng an toàn với Covid-19 (qua 14 ngày không có ca trong cộng đồng) thì ứng xử phù hợp hơn, có thể xét nghiệm theo đại diện tổ, dây chuyền sản xuất, sẽ không đến 20% nhưng vẫn đảm bảo cho việc kiểm soát dịch bệnh.

Riêng DN ở Điện Bàn tuyệt đối thực hiện theo Phương án 115 đến khi kiểm soát được dịch bệnh, chỉ DN ở vùng xanh mới điều chỉnh được. Cơ sở dữ liệu quản lý thông tin người LĐ ở vùng xanh, đỏ, vàng thì UBND tỉnh giao Sở Thông tin và truyền thông thực hiện để DN cùng địa phương kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Đồng chí Trần Văn Tân cũng lưu ý, việc điều chỉnh Phương án 115 phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, tuyệt đối đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Các địa phương, DN không được chủ quan, tuyệt đối tuân thủ 5K, thực hiện nghiêm “1 cung đường, 2 điểm đến”, bởi các tỉnh thành bùng phát dịch bệnh phức tạp thời gian qua đều xuất phát từ KCN, CCN, do người LĐ tỏa về các địa phương nên sẽ rất nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp: Linh hoạt điều chỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO