Sáng tạo trong lao động

DIỄM LỆ 20/04/2023 09:04

Trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp, nhiều đoàn viên, lao động đã phát huy tinh thần làm việc với năng suất, hiệu quả cao thông qua việc cải tiến kỹ thuật, phát huy các sáng kiến, cải tiến trong sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp và gia tăng thu nhập cũng như an toàn lao động cho người lao động.

Các công đoạn có chi phí đầu vào cao đều được chị Trương Thị Hoàng Linh - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án (Công ty TNHH Fashion Garments) nghiên cứu, tính toán để tiết giảm chi phí đầu vào. Ảnh: D.L
Các công đoạn có chi phí đầu vào cao đều được chị Trương Thị Hoàng Linh - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án (Công ty TNHH Fashion Garments) nghiên cứu, tính toán để tiết giảm chi phí đầu vào. Ảnh: D.L

Sáng kiến tiết giảm chi phí đầu vào

Trong thời điểm này, muốn duy trì việc làm cũng như thu nhập cho người lao động (NLĐ), mỗi doanh nghiệp (DN) phải tự điều chỉnh, tiết giảm chi phí đầu vào nhằm giữ được đơn hàng với giá không thay đổi mặc dù giá nguyên vật liệu cao.

Với chị Trương Thị Hoàng Linh - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án (Công ty TNHH Fashion Garments, KCN Tam Thăng) thì đây là ưu tiên hàng đầu để giúp NLĐ. Vì thế chị đã nghiên cứu, cho ra đời giải pháp “Giảm thiểu sự lãng phí dựa vào thiết lập các định mức sử dụng cho vật tư trong nhà máy, thay đổi vật tư thay thế và nguồn cung cấp vật tư”.

Theo chị Linh, từ khi có ý tưởng, chị đã dành 3 tháng liên tục nghiên cứu, đánh giá tại bộ phận cắt của công ty. Qua khảo sát, chi phí công cụ và văn phòng phẩm cần thiết của bộ phận cắt mỗi tháng từ hơn 136 triệu đồng đến 178 triệu đồng.

Chị Linh cho biết: “Sau khi kiểm tra từng loại vật tư thì thấy 7 loại vật tư có chi phí cao gồm giấy lót bàn cắt, giấy in sơ đồ cắt, ống giấy cắt viền, băng keo loại 5cm và 7cm, bao ny lon đựng bán thành phẩm, mực in, và giấy đánh số phân biệt ánh màu là những loại vật tư đang đội chi phí nhà máy lên cao.

Vì thế tôi đã kiến nghị ban giám đốc cần cắt giảm chi phí các loại trên là ưu tiên cấp bách nhằm tiết kiệm chi phí để dành nguồn lực chăm lo, đảm bảo cho đời sống NLĐ. Được sự đồng ý của lãnh đạo công ty, tôi đã tiến hành khảo sát thị trường, nghiên cứu nguyên liệu đầu vào, lập kế hoạch sử dụng tiết kiệm và gia tăng năng suất lao động tại chỗ”.

Kiểm soát định mức, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí cho công ty, cải thiện năng suất lao động là những hiệu quả mang lại khi chị Linh đi sâu vào nghiên cứu thị trường, nguồn vật tư, so sánh giá cả, chất lượng và dịch vụ thay đổi nguồn cung.

Các loại vật tư tiêu hao nhiều và tốn kém chi phí được thay thế, nhờ vậy mà năm 2022 khi công ty ứng dụng sáng kiến của chị vào thực tế sản xuất đã tiết kiệm được hơn 752 triệu đồng.

Khơi dậy phong trào trong sản xuất

Đối với phong trào “Lao động giỏi - lao động sáng tạo” trong Công ty TNHH Fashion Garments, ban lãnh đạo công ty luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho người lao động phát huy trí sáng tạo, đóng góp ý tưởng, sáng kiến làm lợi cho DN.

Ông Lê Văn Châu - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Fashion Garments cho biết: “Phong trào thi đua được Công đoàn cơ sở của công ty phát động từ đầu năm, với mục tiêu khơi dậy phong trào trong sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động theo hướng tốt hơn, tiết kiệm chi phí cho DN để có điều kiện chăm lo cho đời sống NLĐ.

Ban lãnh đạo công ty luôn ủng hộ chủ trương và phong trào, khuyến khích NLĐ đóng góp sáng kiến dù nhỏ nhất. Sáng kiến có kinh phí cao thì ban giám đốc hỗ trợ kinh phí thực hiện để nhân rộng trong toàn công ty.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, công ty đã có 212 sáng kiến của NLĐ ở mọi vị trí việc làm, tiết kiệm chi phí tính trong 2 tháng hơn 583 triệu đồng. Để động viên phong trào, mỗi quý công ty đều trao thưởng cho sáng kiến xuất sắc và xét trao thưởng hàng năm”.

Theo ông Nguyễn Kỳ Vĩnh - Chủ tịch Công đoàn các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo với năng suất, chất lượng, hiệu quả”; phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” đã được các cấp công đoàn cơ sở triển khai rất hiệu quả.

Ông Vĩnh cho biết: “Phong trào này liên quan thiết thực đến lợi ích của từng DN trong khuyến khích sáng tạo nội bộ, cải thiện chất lượng, điều kiện làm việc tại chỗ, tiết kiệm chi phí và chăm lo đời sống NLĐ tốt hơn.

Trong giai đoạn 2017 - 2022, thống kê sơ bộ cho thấy tổ chức công đoàn cơ sở ở các công ty đã đóng góp 1.002 sáng kiến, giá trị làm lợi cho DN khoảng 8,8 tỷ đồng. Trong đó có 280 sáng kiến được khen thưởng hơn 308 triệu đồng. Đây là phong trào hiệu quả nên trong thời gian tới, các cấp công đoàn cơ sở trực thuộc sẽ được khuyến khích tiếp tục phong trào thi đua “Một triệu sáng kiến” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sáng tạo trong lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO