Về xuôi tìm việc

DIỄM LỆ 01/04/2022 08:32

Rời núi, nhiều lao động ở huyện Nam Giang chọn gắn bó với nhà xưởng và tạo được nguồn thu nhập ổn định. Đó là động lực để những lao động chưa có việc làm chọn lựa cho mình một công việc thích hợp, ổn định đời sống.

Lao động tìm hiểu thông tin về việc làm tại phiên giao dịch việc làm tổ chức ở Nam Giang. Ảnh: D.L
Lao động tìm hiểu thông tin về việc làm tại phiên giao dịch việc làm tổ chức ở Nam Giang. Ảnh: D.L

Từ câu chuyện của một lao động

Tuyên truyền để người lao động (LĐ) miền núi thay đổi nhận thức, lập thân lập nghiệp không gì hiệu quả hơn từ chính những tấm gương người thật, việc thật. Vì lẽ đó, chị Bnướch Thị Hạnh (xã Cà Dy, Nam Giang), từ lúc 5 giờ sáng, ngay khi vừa ra khỏi nhà xưởng sản xuất ca 3 ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, đã chạy xe về Nam Giang cho kịp khai mạc phiên giao dịch việc làm.

Đã 5 năm gắn bó với Công ty giày Rieker Việt Nam, chị Hạnh thành LĐ có thâm niên, dù 2 năm qua ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng chị vẫn có công việc ổn định. Thu nhập bình quân hằng tháng hơn 7 triệu đồng.

Chị Hạnh kể: “5 năm trước, tôi được vận động đi học nghề may công nghiệp. Lúc đầu, tôi không dám đi xa nhà. Nhưng hoàn cảnh nhà nghèo, nếu không đi làm thì không biết bao giờ mới hết nghèo.

Được chồng ủng hộ, tôi để con nhỏ lúc đó mới hơn 1 tuổi ở nhà, đi học, đi làm. Mới vào công ty, kỷ luật nghiêm, làm việc theo 3 ca, tôi nản lắm, định bỏ về.

Các anh chị ở công ty động viên, khuyên nhủ, tôi mới bám được. Giờ thì gia đình có nguồn thu nhập ổn định nên thoát nghèo.

Hôm nay huyện điện thoại mời về nói chuyện với các bạn thanh niên là LĐ của huyện chưa có việc làm, tôi mong các bạn sắp tới đi làm ổn định, có lương thưởng, có chế độ phúc lợi xã hội đầy đủ, khỏe hơn và tốt hơn ở nhà làm nương rẫy”.

Lao động tìm hiểu thông tin về việc làm tại phiên giao dịch việc làm tổ chức ở Nam Giang. Ảnh: D.L
Lao động tìm hiểu thông tin về việc làm tại phiên giao dịch việc làm tổ chức ở Nam Giang. Ảnh: D.L

Nghe câu chuyện của chị Hạnh, anh Alăng Sơn cùng bạn là Pơ Loong Thuận (xã La Êê) càng thêm tự tin với ý định đi làm việc xa nhà. Con đường hai anh tìm hiểu là đi xuất khẩu LĐ tại Nhật Bản. Tại bàn tư vấn của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hai anh hỏi cặn kẽ vấn đề liên quan đi làm việc ở nước ngoài.

Anh Sơn nói: “Tôi được tư vấn kỹ, về học tiếng Nhật, chi phí, vốn vay, thời gian, ngành nghề, mức thu nhập, chế độ nhận khi làm việc, sau khi kết thúc công việc về lại thì có các khoản hỗ trợ.

Trước khi đến đây, tôi đã tìm hiểu kỹ về việc đi LĐ ở Nhật Bản trên internet, chừ được tư vấn kỹ hơn càng yên tâm. Chúng tôi đã ghi thông tin sơ tuyển, chờ trung tâm và công ty gọi điện thoại là đi học để được đi làm”.

Tạo điều kiện cho người lao động

Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có nhiều phiên giao dịch việc làm được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đưa về cơ sở, phối hợp với các huyện, doanh nghiệp (DN) tổ chức.

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Từ đầu năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đưa nhiều phiên giao dịch về cơ sở, giúp LĐ tiếp cận với việc làm.

Quan trọng là ngay khi mở cửa kinh tế, sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19, nhiều DN đã khởi động hoạt động sản xuất nên nhu cầu về LĐ rất lớn. Sở LĐ-TB&XH mong muốn qua những phiên giao dịch ở cơ sở thế này, trường nghề và DN tham gia tích cực, địa phương kết nối với LĐ nhiều hơn nữa, giúp LĐ tiếp cận với việc làm.

DN và người LĐ được gặp nhau qua những phiên giao dịch thì hiệu quả tuyển dụng LĐ sẽ tốt hơn. Về phía Sở LĐ-TB&XH, sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh có chính sách hỗ trợ đào tạo LĐ để cung ứng cho DN, đặc biệt là học sinh không tiếp tục đi học sau khi kết thúc lớp 9, lớp 12, LĐ nhàn rỗi ở nông thôn, miền núi”.

Anh Pơ Loong Thuận và Alăng Sơn tìm hiểu kỹ thông tin đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. Ảnh: D.L
Anh Pơ Loong Thuận và Alăng Sơn tìm hiểu kỹ thông tin đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. Ảnh: D.L

Theo ông Tơ Ngôl Với - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, trong đại dịch, hàng trăm LĐ từ các tỉnh, thành phố phía Nam đã quay về huyện, nay không đi làm lại.

Nam Giang hiện có khoảng 4.000 LĐ nhàn rỗi, không có việc làm ổn định và thất nghiệp. Vì thế mà chủ trương của huyện trong năm 2022 này phải đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người LĐ. Khi LĐ có việc làm thì mới thoát nghèo hiệu quả.

Ông Tơ Ngôl Với nói: “Qua khảo sát tại địa phương, nhà nào có con cái đi làm ăn, có thu nhập ổn định, sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh, cuộc sống đầy đủ hơn các nhà khác. Huyện mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các trường nghề, ngành LĐ-TB&XH, các công ty đến tuyển dụng, giúp giải quyết việc làm cho người dân địa phương, từ đó góp phần giảm nghèo”.

Tuyển nhiều vị trí việc làm

Tại phiên giao dịch việc làm vừa tổ chức tại Nam Giang, có 37 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng trực tiếp và ủy thác tuyển dụng hơn 9.000 vị trí việc làm. Ngành nghề tuyển dụng khá đa dạng, như sản xuất điện tử, ô tô, cơ khí, may mặc, điện, môi trường, lái xe...

Một số DN có nhu cầu tuyển dụng từ 300 đến hơn 3.000 LĐ tập trung ở lĩnh vực may mặc, điện tử, giày da như Công ty Giày Rieker Việt Nam, Germton, Fashion Garments, Panko Tam Thăng...

Các DN tuyển dụng đều đưa ra những chế độ đãi ngộ và mức lương thỏa thuận với người LĐ. Tại phiên giao dịch, có 58 LĐ đã đăng ký thông tin sơ tuyển (trong đó có 7 LĐ đăng ký đi xuất khẩu LĐ). Thời gian tới, huyện Nam Giang tiếp tục tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm tại 4 cụm xã trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về xuôi tìm việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO