Lão nghệ nhân Mười Thiện

LÊ QUÂN - LÊ BÌNH 15/07/2016 10:11

Người làng, mỗi lần nhắc đến ông Mười Thiện, là nói cái ông già đó kỳ cục lắm. Kỳ cục - bởi những câu chuyện ông dành cho cuộc sống này, có lẽ quá sức với một ông lão đã “tri thiên mệnh”…

1. Có lẽ ông là người cuối cùng ở đất Quảng còn giữ riết cái nghề phôi phai hàng chục năm rồi. Cái cảnh “tàn che lọng rước” vào những buổi kinh lý đã chìm sâu vào quá vãng xưa xa. Nhưng ông Nguyễn Quang Thiện - người làng hay gọi là Mười Thiện (làng Mỹ Xuyên, Nam Phước, Duy Xuyên) có vẻ như sẽ còn nhớ đến khi nào đầu óc không còn minh mẫn nữa những hình ảnh cũ. Bởi không chỉ là dấu ấn văn hóa của một dân tộc, chiếc lọng là sự gợi nhắc, ám ảnh ông lão bởi câu chuyện của nhiều thế hệ gia đình mình. Bên tách trà ấm, nghệ nhân Nguyễn Quang Thiện bảo rằng, ông bắt đầu học nghề đan lọng từ cha mình khi mới 15 tuổi. Gần 70 năm qua, với ông, đấy không đơn thuần là một công việc mà là cái nghề níu giữ nét văn hóa truyền thống, giữ cả một hồi ức của gia tộc. Nghề này của gia đình ông xuất phát từ thời ông cố, theo học ngoài Huế - nơi thường đan lọng phục vụ cho việc đi lại của quan lại kinh thành. Mang về xứ Quảng, nghề được truyền cho ông nội, rồi cha và đến nay ông Mười Thiện vẫn giữ. Ông Thiện chia sẻ, ngày xưa, trong những buổi kinh lý của các quan, những chiếc lọng thấp thoáng dáng hình của cha con ông khiến người làng không khỏi nể phục. Mỗi chức quan, mỗi cấp bậc, lại có những chiếc lọng với màu sắc, hình thêu khác nhau. Nếu không nắm được quy tắc này, e rằng khó có thể làm cho đúng hình dáng lọng cổ truyền.

Lão nghệ nhân Nguyễn Quang Thiện và cây lọng làm dở.
Lão nghệ nhân Nguyễn Quang Thiện và cây lọng làm dở.

Và bây giờ, khi ông ngồi kể lại cho hậu thế về những chiếc lọng được làm ra như thế nào, giọng vẫn mấp máy đầy hứng khởi. Công đoạn đầu tiên để cho chiếc lọng được chắc chắn là phải chọn tre già phơi khô rồi đánh bóng làm thân lọng, sau đó chọn một thanh gỗ hình khối làm “gen”. Tiếp đến làm 48 cây chống từ những nan tre, cây dài khoảng 30cm có 20 lỗ khoan, cây ngắn khoảng 20cm có 16 lỗ khoan, những cây chống này xếp xen kẽ dài - ngắn vào khối “gen”. Khối “gen” được đục rỗng ruột rồi di chuyển một khoảng nhất định trên thân lọng, làm cho khung lọng giương lên hay xếp lại dễ dàng. Cuối cùng là làm cây sườn, cũng giống như cây chống nhưng dài hơn, được uốn cong một đầu, có 8 lỗ mạng và 1 lỗ cuối để kết nối với cây chống. Khi ráp cây sườn vào cây chống, ráp cây chống vào “gen”, ráp “gen” vào thân lọng phải chú ý ráp thành hình giống chiếc dù, bán kính của khung lồng phải đủ rộng để thuận lợi cho việc phủ áo lên trên.

Công đoạn quan trọng thể hiện kỹ năng của người thợ là ở khâu thêu. Phải chọn 7 màu len, phối màu sao cho hài hòa, bắt mắt để tránh sự cầu kỳ nhưng vẫn giữ sắc thái trang trọng. Ông Thiện chia sẻ: “Làm lọng phải tỉ mỉ, có tâm với nghề, tôi đã phải học hỏi kỹ càng từ cha ông mình để đúng với văn hóa truyền thống từ cách làm cây chống bao nhiêu lỗ, trang trí thế nào, đan màu chỉ ra sao... Bây giờ, ở đâu đó trên đất nước mình cũng có người làm lọng bán ra thị trường nhưng người ta làm không đúng, mất đi bản chất truyền thống hết rồi”.

2. Thời đại thay đổi, chiếc lọng ngày càng vắng bóng trong đời sống người Việt. Với gia đình ông Thiện, nghề đan lọng cũng dần mai một vì chẳng có ai mặn mà. Những tháng ngày miệt mài cùng làm lọng theo đơn đặt hàng ấy, ông Thiện đã đem hết tâm huyết, lòng yêu nghề để tạo ra nhiều cây lọng khác nhau. Với ông, đó là những kỷ niệm khó quên. Giờ đây, ông chỉ thỉnh thoảng đan lọng phục vụ các lễ tế, lễ hội của địa phương. Vì tình yêu với nghề và nhớ nghề, mỗi ngày ông Thiện vẫn tỉ mỉ với từng nan tre, từng mũi thêu. Và, ngay gian giữa nhà mình, trước bàn thờ gia tiên, ông Thiện dựng một cây lọng làm từ mười mấy năm trước như ngậm ngùi cho hình ảnh chiếc lọng đã lùi vào dĩ vãng...

Nhưng lão nghệ nhân này, không chỉ cứ nhất mực phải làm cho đúng những chiếc lọng truyền thống, mà ngay cả trong câu chuyện biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, ông vẫn buộc mình phải giữ ngay ngắn những thể điệu cũ. Là người chơi nhạc cụ truyền thống thuộc hàng lão luyện ở phía bắc Quảng Nam, mỗi dịp hội làng là mỗi bận ông Mười Thiện tỏ bày cho người ta thấy cái tài của lão già kỳ cục đã tuổi 80. Từ sáo, đàn bầu, đàn cò…, hễ là nhạc cụ cổ truyền thì ông đều chơi được, thậm chí chơi hay. Nên những dịp hội lễ, ông mong lắm người ta nhớ đến mình, hay đúng hơn, người ta nhớ về một đội nhạc cổ, giai điệu quê hương, hơn là những đĩa nhạc đã được đánh sẵn. Dù có những buổi chơi nhạc chỉ để thỏa cái mong ngóng được chạm tay lên những phím đàn dây, cho nhạc cụ bớt bụi bặm, mà cũng để cho lòng tuổi già bớt những nỗi buồn.

Ông cứ đều đều mỗi ngày vài ly rượu, như thể có chút xíu men thì công việc mới đỡ bớt nhàm. Ở cái làng quê mà tự sử làng đã khiến người ta phải trân trọng, như Mỹ Xuyên - nơi từng nhận 32 đạo sắc phong của vua chúa, cũng như từng là một địa danh xuất sắc để người Pháp chọn xây dựng một thương hiệu rượu Sica, thì hẳn người ở làng đó, ít nhiều cũng mang trong mình một cá tính riêng. Như lão nghệ nhân Mười Thiện này…

LÊ QUÂN - LÊ BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lão nghệ nhân Mười Thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO