Hơn nửa thế kỷ gắn bó đời mình với chiếc lồng đèn, cụ Huỳnh Văn Ba (81 tuổi, ở phường Cẩm Phô, TP.Hội An) vẫn không ngừng trăn trở tìm tòi để sáng tạo ra nhiều mẫu mã lồng đèn có kiểu dáng đẹp nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách gần xa đến với phố cổ...
Nghệ nhân Huỳnh Văn Ba bên các tác phẩm lồng đèn mà ông tâm đắc.Ảnh: N.T.G |
Sáng tạo lồng đèn xếp
Gặp cụ Huỳnh Văn Ba tại cơ sở sản xuất lồng đèn và mây tre đan của cụ ở Khổng Miếu (phường Cẩm Phô), tôi cảm nhận ngay sự gần gũi, cởi mở, nhiệt tình. Từ cách ăn nói đến những cử chỉ, việc làm của cụ đều toát lên vẻ nhà quê chính hiệu. Giờ cụ là một nghệ nhân lồng đèn và đan mây tre lão luyện nhất ở Hội An nhưng cụ vẫn sống vui vẻ chan hòa như ngày xưa. Hơn 55 năm trước, khi còn là một thanh niên ở một làng quê nghèo thuộc huyện Thăng Bình, anh Ba đã tỏ ra khéo tay và rất đam mê với việc đan lát mây tre. Từ những dụng cụ nghề nông như rổ rá, thúng mủng, nong nia, giần sàng... cho đến những đồ chơi đẹp từ tre, anh Ba đều tự làm. Sau 1975, vì sinh kế, anh Ba chuyển về Hội An sinh sống và làm xã viên Hợp tác xã Mây tre đan chuyên làm mành trúc xuất khẩu. Lúc bấy giờ, nhờ có những đóng góp không nhỏ trong việc tạo mẫu mã của xã viên Huỳnh Văn Ba mà hợp tác xã không ngừng ăn nên làm ra, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường mây tre xuất khẩu.
Nghệ nhân Huỳnh Văn Ba vẫn hằng ngày sáng tạo ra những loại lồng đèn và hàng lưu niệm bằng mây tre độc đáo, đẹp trang nhã khiến du khách phải trầm trồ khi chiêm ngưỡng. Đó là những chiếc lồng đèn đan một cách tinh xảo chỉ bằng tre mây thôi, nhưng trông là muốn mua ngay. Đó là những mô hình chùa một cột, chùa Thiên Mụ, chùa Cầu hay những chú gà, chú ngựa, chú trâu bằng tre rất xinh và cũng rất gần gũi. Miệt mài với những sáng tạo và tình yêu nghề của mình, tháng 12.2010, cụ Huỳnh Văn Ba đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đó là vinh dự, là niềm vui không nhỏ đối với cụ. |
Cuối những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như nhiều hợp tác xã khác, Hợp tác xã Mây tre đan xuất khẩu ở Hội An đi vào suy thoái rồi giải thế. Và tuổi tác khiến anh Ba ngày nào đã trở thành ông Ba. Không còn hợp tác xã, ông phải tự lo miếng cơm manh áo cho cả gia đình trong thời buổi đời sống kinh tế hết sức khó khăn. Không quản ngại đường xa vất vả, ông đạp xe ra tận Đà Nẵng để xem người ta đang thích những loại sản phẩm nào làm bằng tre. Rồi ông về làm theo. Tất nhiên, ông phải sáng tạo ra mẫu mã khác lạ, đẹp hơn, để đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của người ta đã xuất hiện trên thị trường. Rất mừng là hàng của ông làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, bởi người dân ở Hội An, Đà Nẵng đều yêu thích các mặt hàng mây tre đan của ông.
Khi TP.Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới, khách du lịch tới phố cổ ngày càng nhiều hơn. Ông Ba chuyển qua làm lồng đèn. Ngày ấy, lồng đèn Hội An có kiểu dáng không đẹp, không thể xếp lại gọn gàng để đem theo cùng với hành trang của khách. Có một du khách người Úc ngỏ ý muốn có một chiếc lồng đèn dễ dàng xếp lại gọn gàng để tiện cho việc mang đi, khiến ông Ba nghĩ ngay đến việc cải tạo kiểu dáng lồng đèn Hội An, vừa bán cho du khách, vừa là góp phần tạo nên nét riêng của lồng đèn phố Hội. Miệt mài tháo ra đan vào từng chiếc nan, từng khung tre, cuối cùng ông cũng đã thành công với loại lồng đèn xếp. Từ đó, nhiều người ở Hội An đã học theo ông. Doanh thu từ những chiếc lồng đèn xếp này rất cao. Và, dù không ghi tên dán tuổi hay có chứng nhận độc quyền, nhưng với những người lớn tuổi từng trải qua giai đoạn ấy, ai cũng hiểu ông Huỳnh Văn Ba chính là cha đẻ của loại lồng đèn xếp ở Hội An và là nguồn khởi phát cho nhiều người ăn nên làm ra.
Trăn trở với nghề đan...
Trong câu chuyện của mình, một trong những điều ông Ba tâm huyết nhất vẫn là cây tre. Cũng nhờ nó mà ông tạo ra những sản phẩm lồng đèn nuôi sống cả gia đình cũng như góp phần tạo nên những nét đẹp riêng cho phố cổ Hội An đối với du khách gần xa. Nhưng cây tre, và đặc biệt cây tre Hội An cũng khiến ông Ba luôn đau đáu trong lòng những nỗi lo... Ông bảo, cây tre gắn bó phận mình với cuộc sống của người nông dân, suốt đời tận hiến. Đi qua những thăng trầm của đời người, của dân tộc, của một nền văn hóa, cây tre lúc nào cũng là minh chứng cho sự kiên cường, biểu trưng của sự nhân hậu, dẻo dai và chung thủy. Từ thuở nằm nôi, trong võng tre đung đưa theo gió trưa hè, rồi khi nằm xuống với những nuột lạt quấn chặt đòn khiêng, đời người dường như quyện với đời tre để tạo nên cái chất quê muôn đời. Theo lời nghệ nhân Huỳnh Văn Ba, bây giờ ở Hội An chỉ duy nhất xã Cẩm Kim là còn lại một ít tre theo đúng nghĩa của làng. Đó là nỗi buồn của những ai thật sự quan tâm đến vùng đất này. Mấy chục năm về trước, những bụi tre, rặng tre không phải là điều lạ của cư dân phố Hội. Nhưng giờ, nó chỉ còn là hoài niệm trong những câu chuyện người ta kể cho nhau nghe.
Để truyền nghề cho các thế hệ sau, dù tuổi đã cao nhưng ông Huỳnh Văn Ba vẫn cố gắng duy trì cơ sở sản xuất lồng đèn của mình. Hiện tại, cơ sở của cụ có 5 lao động là người khuyết tật làm việc và 15 lao động học nghề. Hai người con trai của cụ cũng nối nghiệp cha, hằng ngày miệt mài với những chiếc lồng đèn tre, những sản phẩm thủ công làm từ tre. Nhưng theo lão nghệ nhân này, tìm được một người yêu nghề, gắn bó lâu dài và có những sáng tạo với nghề mây tre đan cũng rất hiếm. Dù mỏi mắt trông chờ nhưng đến giờ cụ cũng chưa có truyền nhân. Hằng ngày được cầm cái rựa vót nan, được tự tay làm và sửa những chiếc lồng đèn là niềm hạnh phúc của nghệ nhân Huỳnh Văn Ba. Giữa những xô bồ, bon chen trong cuộc mưu sinh, cụ Ba chọn cho mình một góc khuất nhỏ sâu trong Khổng Miếu. Ở đó, ngày qua ngày, cụ thoăn thoắt đôi tay trên những khúc tre, những thanh nan cật còn thơm mùi đặc trưng của làng quê. Ở đó, cụ như một cụ già nhà quê đích thực, hướng dẫn tận tình cho những người học việc tại cơ sở của mình với hy vọng trong số họ sẽ có một vài truyền nhân...
NGUYỄN THÀNH GIANG