"Lão ngư dân ca" Huỳnh Đức Vĩnh

NGUYỄN THÀNH GIANG 27/04/2014 10:21

Ở thôn Thuận An, xã Tam Hải (Núi Thành) ai cũng biết ông Huỳnh Đức Vĩnh, bởi ông là “cây văn nghệ”, có tài ứng tác và hát dân ca rất hay, được mọi người thương yêu quý mến...

Hồn quê, dòng sữa ngọt   

Đến thôn Thuận An, xã Tam Hải (Núi Thành) nghe những câu chuyện đời chuyện nghề của những ngư dân nơi đây, nghe những câu dân ca được “cây văn nghệ” Huỳnh Đức Vĩnh hát lên trong cuộc vui nho nhỏ khiến chúng ta không khỏi bất ngờ với giọng ca “trời phú”. Giữa bộn bề lo toan của cuộc sống, ông Vĩnh vẫn từng ngày sáng tác và góp thêm những nét riêng cho văn hóa vùng xã đảo. Từ nhỏ ông đã mê những bài dân ca mà người già trong làng hay ngồi hát với nhau hay trong các dịp lễ lớn trong làng trong xã. Những ngày lệ tháng Giêng hay những lần cúng cho cá Ông dạt trôi vào vùng đất này, cậu bé Vĩnh ngày ấy đều không bỏ sót. Bởi lẽ khi những lời ca tiếng hát của những người cao tuổi hát lên, ông như thấy có gì đó vừa thân thuộc vừa thiêng liêng lắm. Lớn lên, ông mới hiểu đó là cái hồn quê, hồn người đã ngấm vào trong từng thanh âm. Đó chính là cội nguồn đầu tiên nuôi dưỡng tình yêu dân ca trong ông cho đến tận bây giờ.

Ông Huỳnh Đức Vĩnh viết những bài dân ca để lưu lại.Ảnh: N.T.G
Ông Huỳnh Đức Vĩnh viết những bài dân ca để lưu lại.Ảnh: N.T.G

Lớn lên, giữa những xô bồ cuộc sống và mưu sinh của một người dân chài, nhiều lúc ông quên mất mình mang trong hồn một chút thân thương, yêu mến vô vàn của quê hương. Nhưng rồi, những lúc bôn ba nơi đầu sóng ngọn gió hay một mình ngồi trước cửa biển chiều hôm, ông lại thấy cái gì đó thôi thúc mình. Cất tiếng hát lên, những câu dân ca quê xứ làm ai cũng thấy bồi hồi xao xuyến và thêm nặng tình người tình đất. Từ đó, ông nổi tiếng trong vùng với biệt tài ứng khẩu dân ca cũng như hát những bài dân ca cả do mình sáng tác lẫn cha ông đời xưa truyền lại. Đặc biệt, với tài năng của mình, “cây văn nghệ” Huỳnh Đức Vĩnh đã từng đoạt được khá nhiều giải phong trào. Từ đề tài dân số kế hoạch hóa gia đình đến vận động mọi người phòng chống HIV/AIDS. Chính những bài ca ấy đã đi vào lòng dân Tam Hải vì sự giản dị, dễ nhớ như chính cuộc sống thường ngày vậy. Đáng nhớ nhất với ông là giải A1 trong cuộc thi văn nghệ quần chúng với bài dân ca “Quảng Nam đất nặng nghĩa tình”.

Ông Huỳnh Đức Vĩnh bên giếng nước cổ gần nhà ở Tam Hải.
Ông Huỳnh Đức Vĩnh bên giếng nước cổ gần nhà ở Tam Hải.

Theo ông Lê Quang Hào - người dân thôn Thuận An, hầu như bà con nơi đây ai cũng thuộc những bài dân ca mà ông Vĩnh sáng tác. Không những thế, trong các lễ hội lớn của xã, huyện... tổ chức trên xã đảo Tam Hải, ông Vĩnh là một trong số những khách mời không thể thiếu. Bởi ngoài tài ứng tác dân ca, ông còn là người tường tận vốn văn hóa bản địa. Ông Hào cười bảo: “Rảnh rỗi, tui qua nhà, hai anh em với chai rượu rồi ngồi nghe ổng hát đến tối cũng được. Bởi ổng hát hay quá, ai nghe mà không mê...”.

Lấy câu ca vượt sóng...

Dù đã 66 tuổi, tóc trên đầu bạc trắng gần hết nhưng ông Huỳnh Đức Vĩnh vẫn ra khơi bám biển đánh bắt cá cùng con cái và bạn chài hàng xóm. Sức đã yếu hơn mấy năm trước, không đi được xa, ông làm ở gần bờ, nhưng ngày nào không ra khơi, ông cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó, chịu không được. Con cái cũng đã trưởng thành, yên bề gia thất và ổn định công việc làm ăn, khuyên ông nên ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, nhưng ông không nghe. Ông dẫn chúng tôi ra hai giếng nước nước ngọt kỳ lạ trên đảo rồi dạo trên những ghềnh đá Bàn Than để chiêm ngưỡng những vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Ngồi trên mỏm đá Bàn Than mát rượi sóng gió dập duềnh, ông bắt đầu kể những chuyện vui buồn của đời mình, của những chuyến đi biển không chỉ có đem về tôm cá mà cả những rủi ro không lường trước được. Quê hương chính là nguồn cảm hứng để ông viết nên những bài ca, hát lên những thanh âm trong trẻo và đầm ấm nặng tình non nước. Và chính những lời ca ấy lại tiếp sức cho ông trong những cơn nguy khốn nơi đầu sóng ngọn gió. Những lúc ấy, ông hát những bài dân ca để tự động viên mình cùng bạn chài vững lòng hơn, tin hơn vào sự bình yên sẽ nhanh trở lại.

“Chừ, dân ca là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tui. Viết ra hay hát lên được một bài, thậm chí là một câu thôi, tui đã thấy lòng thoải mái đến lạ. Tui cảm ơn đất mẹ đã cho tui có cảm hứng để sáng tác. Tui cảm ơn cuộc sống đầy ấm áp và cũng nhiều bất trắc đưa tui đến những rung động để rồi bật ra thành câu chữ...”. Đôi mắt nhìn xa xăm, đăm đăm ra phía biển khơi, ông bảo với chúng tôi như thế. Bởi nơi ấy, ông đã dành trọn cả đời mình để đương đầu với từng con sóng để mưu sinh. Nơi ấy, có những đàn cá lớn, nhưng cũng có lắm nỗi gian nguy đã dạy cho ông sự kiên nhẫn và khôn khéo vượt qua... Khi chiều buông, chúng tôi chia tay ông Vĩnh, chia tay rừng dừa Thuận An mát rượi, ra về với những câu ca mà ông Vĩnh hát tặng làm quà: “Ai về Tam Hải quê tôi/ Bước đi lòng lại bồi hồi mến thương/ Nghĩa tình nặng trĩu tơ vương/ Người dân Tam Hải tình thương đậm đà/ Ai đi Tam Hải - An Hòa/ Rừng xanh man mác bao la biển trời...”.

NGUYỄN THÀNH GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Lão ngư dân ca" Huỳnh Đức Vĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO