Nhiều năm qua, gia đình ông Nguyễn Tấn Châu, khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam, TP. Hội An đã 3 lần hiến đất làm đường, được chính quyền và người dân địa phương ghi nhận.
1. Ngày nay, mỗi khi về phường Cẩm Nam, TP.Hội An, nhiều người vẫn không biết rằng, trục đường chính từ đầu cầu Cẩm Nam dẫn về phường đã qua 2 lần nâng cấp, mở rộng. Theo lời kể của bà con, những năm Hội An còn khó khăn kinh tế, tuyến đường đất ban đầu ở Cẩm Nam chưa được đầu tư, thấp lụt, lầy lội và rất nhỏ hẹp. Hai bên đường, nhiều hộ dân có đất vườn rộng, trong đó, đất của gia đình ông Nguyễn Tấn Châu rộng cả ngàn mét vuông. Năm 1996, xã Cẩm Nam (nay là phường Cẩm Nam) có chủ trương mở đường nhựa lần thứ nhất. Chính quyền xã đã vận động các hộ dân hiến đất làm đường. Khi ấy, điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc áp giá bồi thường hầu như không đáng kể so với phần đất Nhà nước cần giải tỏa. “Chín người, mười ý” nên ngay từ đầu, việc giải tỏa chưa có sự đồng thuận cao.
Ông Nguyễn Tấn Châu 3 lần hiến đất mở hai tuyến đường tại khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam, TP.Hội An. Ảnh: L.H |
Khi tổ chức họp dân, ngoài kêu gọi bà con ủng hộ, lãnh đạo xã còn trực tiếp mời ông Nguyễn Tấn Châu - chủ hộ có nhiều đất nhất và cũng là người có uy tín với bà con tham gia làm thành viên giám sát công tác khảo sát, bồi thường. Theo đó, ông Châu trở thành “cầu nối” vừa giúp chính quyền vận động bà con đồng thuận với chủ trương hiến đất, vừa lắng nghe ý kiến, nguyện vọng để phân giải, trao đổi với lãnh đạo địa phương, giải quyết kịp thời những thắc mắc của người dân. Với cách vận động có lý, có tình của ông Châu, nhiều hộ dân ở tuyến đường này như gia đình ông Thái Văn Cự, Đặng Văn Thành, bà Thái Thị Hiên, Nguyễn Thị Ý đều thống nhất hiến đất mở đường. Để bà con làm theo mình, nói là làm, ông Châu sẵn sàng hiến một phần đất vườn của gia đình mình. Ông nói: “Lần đầu tiên mở rộng tuyến đường, bà con chưa hình dung cụ thể nên việc tuyên truyền, vận động rất khó khăn. Tôi đã tiên phong hiến đất, đồng thời nhỏ to giải thích cho bà con cặn kẽ từng chút một, chủ đích cuối cùng vẫn là lợi ích của dân. Bởi hơn ai hết, họ là những người trực tiếp sử dụng con đường này, đường rộng, nắng mưa đi lại cũng dễ dàng. Rồi bà con cũng nghe ra, đồng thuận, không chỉ tôi mà có thêm nhiều người hiến đất mở đường” - ông Châu nhớ lại.
“Ông Nguyễn Tấn Châu là một Hội viên nông dân tiêu biểu của địa phương. Ông đã có đến 3 lần hiến đất làm đường. Trong Hội nghị tuyên dương những điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông đã được hội khen thưởng vì những đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển của địa phương”. (Ông Nguyễn Cường - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm Nam) |
2. Lần mở đường thứ nhất thành công. Năm 2009, khi có chủ trương đô thị hóa, phường Cẩm Nam được thành phố đầu tư mở rộng và nâng cấp trục đường chính thành đường bê tông kiên cố như bây giờ. Lần này, ông lại hiến trên 200m đất nằm trong vệt đường cần mở. Trong khi, ở vị trí mặt tiền, đất của gia đình ông Nguyễn Tấn Châu có giá trị lớn. Thêm lần hiến đất này nữa, ông không còn đủ đất để chia cho các con của mình. Vậy là hai trong số 7 người con của ông đã mua đất ở tại phường Thanh Hà. Nhờ có phần đất của ông và bà con trong khối, địa phương đã chỉnh tuyến giao thông hợp lý, không phải “đụng” đến nhà thờ tộc bên đường, vừa bảo vệ nguyên trạng di tích, vừa tránh phải bồi thường cao.
Hai lần hiến hơn 500m đất mặt tiền phía trước để làm đường đã rồi. Mới đây nhất, năm 2014, phường Cẩm Nam mở rộng, bê tông tuyến đường vành đai khối Xuyên Trung giai đoạn 4, vậy là diện tích đất mặt tiền còn lại của gia đình ông Châu một lần nữa không tránh khỏi giải tỏa bồi thường. Dù đất có giá trị tiền tỷ nhưng ông vẫn phải hiến để mở đường đúng tiến độ. Ông kể: “Lúc đầu mở rồi, bây giờ lấn vô nữa cũng gay cấn lắm. Phường cho biết, dự án có đó nhưng kinh phí không có. Bây giờ tỉnh hỗ trợ kinh phí nếu không làm thì chuyển cho địa phương khác. Phải đi vận động mấy nhà nữa, cũng gay. Ở đầu tuyến như thế này, nếu tôi không chịu, cố tình dây dưa thì mấy nhà ở trong kia đâu có chịu”.
Qua 3 lần hiến đất và chia đất ở cho hai người con ở cạnh mình, giờ đây, phần đất còn lại của ông Châu chỉ đủ chỗ cho ngôi nhà cấp 4 mà gia đình ông đã gắn bó bao nhiêu năm qua, với diện tích 9 mét ngang và 15 mét chiều sâu. Thế nhưng nhìn thấy 2 tuyến đường sát bên nhà mình rộng mở, xe cộ, người qua lại tấp nập, dãy nhà hàng bánh đập, hến trộn ven đường nhộn nhịp khách thập phương vào ra thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Cẩm Nam, lòng ông Châu cảm thấy phấn khởi vô cùng.
LÊ HIỀN