Bằng sự cần cù chịu khó và niềm đam mê trồng rau sạch, ông Bùi Thanh Cưỡng (56 tuổi, trú tại khối phố Ngân Câu, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) trở thành lão nông có tiếng ở vùng cát. Hành trình gieo trồng nông nghiệp hữu cơ trái vụ từ việc khai hoang đất phèn, bồi thêm đất ruộng của lão nông này khiến nhiều người nể phục.
Ông Bùi Thanh Cưỡng dùng màng phủ công nghiệp cho giống bí đỏ dự kiến thu hoạch vào dịp Tết Mậu Tuất. Ảnh: N.Trang |
1. Căn nhà nhỏ của ông Cưỡng nằm ở cuối đường, xung quanh toàn những thửa ruộng bạt ngàn. Ông Cưỡng có một thuở khiến bà con dân làng trố mắt ngạc nhiên khi lặng lẽ tìm đất sạch mua chở về để bồi lấp cải tạo trên đất ruộng. Và giờ đây, ông lại trồng được cánh đồng rau xanh tốt. Đưa chúng tôi dạo quanh vườn rau trồng trên đất ruộng, vừa tranh thủ bắt tổ trứng bướm trên lá rau, ông Cưỡng vừa kể lại hành trình khám phá rau sạch trong suốt hơn 30 năm theo nghề yêu đất, yêu cây. Cuộc đời ông, ngoài quãng thời gian bôn ba làm thợ, tất cả đều dành thời gian cho ruộng vườn. Qua những mùa rau trái tốt tươi, lão nông tích lũy được nhiều kinh nghiệm trồng trọt, cách nhận biết rau khỏe, rau yếu hay đất tốt, đất xấu. Ông Cưỡng chia sẻ: “Theo thói quen, mỗi khi bắt đầu trồng loại rau nào, tôi đều dành thời gian thử nghiệm trước với hai loại đất và hai cách chăm sóc khác nhau. Một bên là đất tốt chưa từng nhiễm phân hóa học hay thuốc trừ sâu, bên còn lại là đất có nhiễm. Quá trình chăm sóc vì thế cũng khác. Sau đó, tôi bỏ túi nhiều kinh nghiệm cho mình!”.
Nhờ sự am hiểu về các loại rau màu, quyết tâm “cự tuyệt” các loại thuốc hóa học, vườn rau của ông Cưỡng càng được nhiều người biết đến. Nhất là khi an toàn thực phẩm trở thành vấn đề nan giải của xã hội ngày nay. Nhận thấy đất của nhà không đủ để trồng, ông Cưỡng thuê thêm đất ruộng trồng một số loại cây hoa màu khác. Để tiết kiệm thời gian và công sức khai hoang, cày đất, lão nông sắm máy cày đất mini và hệ thống phun sương tưới rau. Nhắc đến điều này, vợ của ông Cưỡng, bà Đặng Thị Bảnh (55 tuổi) nhớ lại: “Hồi mới bắt tay vào việc mở rộng quy mô trồng rau và các loại quả trên đất ruộng, nhà không có tiền, phải đi vay 50 triệu đồng. Từ số tiền này mà vợ chồng tôi có thể làm rau diện rộng, rồi lấy tiền bán rau tiếp tục sắm thêm nhiều thứ khác”. Hơn 25 sào hoa màu xanh tốt với đủ các loại khổ qua, bầu dài, rau húng, muống, dền, mồng tơi, ớt, dưa leo, bí đỏ… chính là thành quả sau bao tháng ngày ông Cưỡng theo đuổi ước mơ trồng rau sạch.
Nhờ trồng rau màu đạt hiệu quả cao, ông Bùi Thanh Cưỡng trở thành nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Hiện nay, mô hình trồng rau thủy canh và hệ thống rau nhà kính của ông trở thành điểm đến học hỏi của nhiều nông dân trên địa bàn thị xã Điện Bàn. |
2. Trồng rau sạch bằng phương pháp hữu cơ từ đất cải tạo đã khó, làm trái vụ còn khó khăn hơn gấp bội. Thế nhưng, ông Cưỡng vẫn quyết tâm thực hiện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ông cho biết: “Làm rau trái vụ tức là làm trái với quy luật, gặp những khó khăn về thời tiết là không tránh khỏi. Điều quan trọng là mình phải tìm ra phương pháp đối phó với khắc nghiệt của thiên nhiên”. Nói xong, ông Cưỡng chỉ tay về phía những luống bí đỏ xanh tươi, bên dưới gốc cây là màng phủ công nghiệp giữ độ ẩm, giúp phân bón không thất thoát và đặc biệt chống mưa lớn, chống sự trưởng thành của cỏ dại. Cứ mùa rau chính, nhà nhà trồng rau cải, ông Cưỡng lại gieo trồng khổ qua xanh lơ hoặc bầu dài. Tương tự, người ta trồng ớt mùa nắng, ông lại trồng mùa mưa. Không chỉ thế, tận dụng diện tích đất dưới giàn trồng khổ qua, bầu, bí… ông còn trồng xen canh loại rau má bán quanh năm.
Tiếng lành đồn xa, rau sạch của lão nông chịu thương, chịu khó càng được nhiều người biết đến. Ngoài số rau gần 200kg mỗi ngày thương lái ở các chợ Đà Nẵng, Điện Ngọc tìm đến mua, ông Cưỡng còn cung ứng đủ loại rau cho một số nhà hàng và siêu thị rau sạch. Hơn một năm nay, tận dụng khu đất vườn nhà, ông tiếp tục xây dựng 500m2 hệ thống nhà kính khép kín để trồng một số loại rau trái mùa đòi hỏi cơ sở vật chất và kỹ thuật chăm sóc tốt. Ngoài ra, ông còn đầu tư thêm hệ thống giàn nhựa tổng hợp trồng rau thủy canh từ xơ dừa để rút ngắn thời gian chăm sóc, thu hoạch các loại rau xà lách, rau húng nhanh hơn trồng ngoài đất. Tiếp nối đam mê của cha, chị Bùi Thị Thanh Sương dù đang làm việc trong lĩnh vực du lịch, nhưng vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi về quê trồng rau sạch. Không chỉ thế, chị còn tham gia rất nhiều hội thảo trồng rau hữu cơ tổ chức tại TP.Đà Nẵng, Bình Định. Cùng đó, chị còn quán xuyến việc quản lý, tư vấn, cung cấp rau sạch cho khách hàng thông qua trang Facebook Vườn nhiệt đới Kapi. Chị Sương chia sẻ: “Ba tôi đã truyền niềm đam mê rau sạch cho tôi. Nhờ có rau ba trồng, tôi có sức khỏe tốt để làm việc. Giờ đây tôi lại có thêm nghề tay trái, nghề có thể đồng hành cùng ba, tiếp nối đam mê của ba. Chẳng có điều gì hạnh phúc hơn thế!”.
NHƯ TRANG