Một số trường tiểu học, cộng đồng dân cư khu vực đô thị đã được tiếp cận, trang bị kiến thức, kỹ năng chống chịu với rủi ro thiên tai.
Các trường học cần mở nhiều lớp dạy bơi cho học sinh tiểu học nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ảnh: T.VY |
Giảm rủi ro từ trường học
Năm học 2017-2018, Trường Tiểu học số 1 Duy Phước (Duy Xuyên) là một trong những đơn vị được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (gọi tắt USAID) tài trợ trong khuôn khổ chương trình “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại các tỉnh miền Trung”. Từ sự hỗ trợ của dự án, nhà trường đã liên tục cập nhật thông tin cảnh báo, gia cố cửa các phòng học; sửa chữa hệ thống điện, chặt cây cối, tổ chức dọn vệ sinh trường lớp sau thiên tai và ổn định học tập. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, tổ chức hội thi qua hình thức rung chuông vàng, vẽ tranh, văn nghệ, tiểu phẩm, trò chơi xếp bao cát chống sạt lở, diễn tập giả định trong tình huống có thiên tai..., đã truyền tải cho học sinh tiểu học những thông điệp cần thiết về phòng chống thiên tai một cách đơn giản nhất. Theo lãnh đạo nhà trường, việc các học sinh tiếp cận kỹ năng sơ đẳng về phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai là vô cùng thiết thực và bổ ích. Thời gian qua, Trường Tiểu học số 1 Duy Phước xác định được những nơi an toàn để trú ẩn tại trường và tại nhà để học sinh sơ tán khi cần. Trong tình huống thiên tai, các em biết cách tự vệ bản thân chọn nơi trú ẩn an toàn; cất sách vở ở vị trí cao ráo; học bơi để tự bảo vệ mình khỏi bị đuối nước.
Tương tự, tại Trường Tiểu học số 2 Duy Phước (Duy Xuyên) và Trường Tiểu học Hương An (Quế Sơn) đã triển khai tập huấn, hướng dẫn xây dựng kịch bản và kế hoạch diễn tập giả định các tình huống xảy ra thiên tai. Theo đánh giá của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tại mỗi trường đều có lập kế hoạch giảm nhẹ thiên tai; thành lập ban chỉ huy, phân công trách nhiệm của từng thành viên trong ban chỉ huy. Các trường học trong vùng dự án lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các hoạt động ngoại khóa, các tiết sinh hoạt lớp nhằm hình thành thói quen cho học sinh và văn hóa an toàn trong nhà trường.
Ứng phó rủi ro thiên tai
Thời gian qua, Cơ quan USAID đã giúp TP.Hội An và Tam Kỳ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro thiên tai khu vực đô thị. Các phường An Sơn, Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) và Cẩm Phô (TP.Hội An) đã sơ họa được bản đồ rủi ro thiên tai lồng ghép các nội dung về phòng tránh thiên tai với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Theo ông Trương Xuân Tý – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ tháng 6.2018, đơn vị đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức 6 lớp tập huấn vẽ sơ đồ hiểm họa và địa điểm sơ tán tại thôn cho 6 xã trong vùng dự án. Theo đó, thực hiện được 57 bản đồ rủi ro thiên tai cấp thôn.
Với sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai các hoạt động về giảm thiểu rủi ro thiên tai đô thị tại Hội An và TP.Tam Kỳ. Ngoài hỗ trợ nguồn vốn nâng cao sức chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đường sá, trường học, các dự án còn truyền thông nâng cao năng lực của người dân, chủ thể chịu tác động trực tiếp của rủi ro thiên tai, đặc biệt phổ biến Luật Phòng chống thiên tai. Ở khu vực nông thôn, bản đồ quản lý rủi ro thiên tai do người dân, đại diện cộng đồng tự vẽ qua các cuộc họp cộng đồng trong quá trình đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, ở khu vực đô thị, cần có phương pháp cải tiến về lập bản đồ rủi ro thiên tai phù hợp với thực tiễn. Phương pháp lập bản đồ rủi ro đa hiểm họa là cách tiếp cận mới. Theo Cơ quan USAID, chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp bằng việc lập bản đồ đa rủi ro hiểm họa. Đây là công cụ giúp cho chính quyền địa phương và cộng đồng xác định rủi ro, mức độ dễ bị tổn thương và năng lực quản lý rủi ro thiên tai tại địa phương.
Tại hội thảo tổng kết dự án “Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại miền Trung giai đoạn 2” do Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Cơ quan USAID tổ chức vào sáng 29.8, phần lớn ý kiến đều đánh giá hiệu quả của dự án góp phần tích cực nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng dân cư, đặc biệt khu vực đô thị và trường học trong ứng phó có hiệu quả với thiên tai. Tuy nhiên, do thời gian triển khai ngắn, chỉ thí điểm ở một số địa phương nên cũng chưa phổ biến rộng rãi ở các vùng trung du và miền núi.
TRẦN HỮU