Lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Thăng Bình: Còn nhiều khó khăn

VĂN TOÀN 20/06/2019 11:22

Triển khai gần 1 năm qua, việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở một số địa phương của huyện Thăng Bình vẫn còn khó khăn.

Xã Bình Minh tổ chức cải táng hài cốt liệt sĩ vào Nghĩa trang liệt sĩ xã. Ảnh: V.T
Xã Bình Minh tổ chức cải táng hài cốt liệt sĩ vào Nghĩa trang liệt sĩ xã. Ảnh: V.T

Xã Bình Quế là địa phương được huyện Thăng Bình chọn làm điểm triển khai công tác lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cấp trên, UBND xã đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) xã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể triển khai các văn bản hướng dẫn, công văn triển khai của huyện đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, trong đó có bước quan trọng đó là phát phiếu cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ cho nhân dân. Ông Nguyễn Thái Hậu - Chủ tịch UBND xã Bình Quế cho biết, trên cơ sở 65 liệt sĩ do Ban CHQS huyện cung cấp, địa phương đã tiến hành thống kê, rà soát đối chiếu từng danh sách về liệt sĩ, phân tích nơi hy sinh, chôn cất ban đầu, lập danh sách liệt sĩ từng địa bàn thôn, làm cơ sở cho các bước thực hiện lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Trong đó, đã tổ chức phát 200 phiếu cho các thôn với tổng số phiếu thu về là 153, đạt 76,5%; còn lại là phiếu không có thông tin. Ông Hậu cho biết thêm, mặc dù 4/4 thôn đã được rà soát, xác minh, kết luận thông tin nơi hy sinh, chôn cất ban đầu; tuy nhiên công tác này ở địa phương vẫn gặp những khó khăn. “Tổng số mộ trong nghĩa trang xã hiện nay là 207 mộ, được quy tập từ năm 1980 - 1981. Trong đó, chỉ có 109 mộ đầy đủ thông tin, 62 mộ có một phần thông tin và 36 mộ không có thông tin. Ngoài ra, cán bộ phụ trách thương binh - xã hội của xã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, việc lưu trữ, quản lý hồ sơ không chặt chẽ dẫn đến việc kiểm kê mộ liệt sĩ tại nghĩa trang và mộ do gia đình quản lý còn chưa rõ ràng” - ông Nguyễn Thái Hậu nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND xã Bình Giang cho rằng, trải qua mấy thập kỷ sau ngày giải phóng, quá trình sản xuất, cải tạo đất đai đã làm thay đổi hiện trạng ban đầu nên việc xác định thông tin về liệt sĩ tại địa phương còn nhiều bất cập. Các cụ cao tuổi, lão thành cách mạng qua các thời kỳ đã lớn tuổi, không còn nhớ rõ về thông tin liệt sĩ.

Trung tá Trần Công Tân - Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Thăng Bình cho biết, sau khi tiếp nhận danh sách liệt sĩ của các đơn vị quân đội và Bộ CHQS tỉnh cung cấp, Ban CHQS huyện đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, các cơ quan, ban, ngành, địa phương và thân nhân liệt sĩ rà soát, phân tích hơn 7.500 liệt sĩ hy sinh trên địa bàn. Các xã, thị trấn tổ chức phát 7.417 phiếu cung cấp thông tin về liệt sĩ đến từng hộ dân, thu về 2.995 phiếu, đạt 40,3%. Kết luận địa bàn là bước then chốt trong quy trình lập bản đồ, giúp cơ quan chuyên môn xác định địa điểm, thông tin liệt sĩ. Các xã, thị trấn muốn kết luận địa bàn thì phải hoàn thành kết luận địa bàn ở từng thôn, khu phố. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 7/22 xã thị trấn và 47/106 thôn hoàn thành công tác này.

Cũng theo ông Tân, ngoài tiến độ thực hiện và kết luận địa bàn ở một số xã còn chậm so với thời gian quy định, một số địa phương còn “khoán trắng” công việc này cho Ban CHQS xã, dẫn đến chất lượng và hiệu quả chưa cao. “Xác định đây là công tác có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thời gian tới, Ban CHQS huyện tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tiếp tục rà soát, xác định thông tin liệt sĩ trên địa bàn. Đồng thời tham khảo, học hỏi những cách làm hay, hiệu quả của các địa phương để áp dụng sát với thực tế tại Thăng Bình. Phấn đấu hoàn thành hội nghị kết luận địa bàn cấp huyện trước ngày 31.7; kết luận thông tin nơi hy sinh, chôn cất ban đầu của liệt sĩ để xác lập vị trí, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ xong trước ngày 31.12.2019” - ông Tân chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Thăng Bình: Còn nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO