Khi trả lời câu hỏi về sự thay đổi của nông dân để thích ứng với xu thế phát triển, GS.Võ Tòng Xuân - một chuyên gia về nông nghiệp cho rằng, trước đây người Việt thường hay có quan niệm “Không học thì đi làm nông dân”. Bởi ngày xưa, ông bà ta chỉ làm nông theo hình thức tự phát, kinh nghiệm, bắt chước. Nhưng giờ đã qua cái thời “thất học ra đồng”, chúng ta có rất nhiều cơ sở để trang bị tri thức cho người nông dân.
Nông dân cũng cần “chất lượng cao”
Nhìn vào thực trạng cũng như định hướng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và con người nông dân Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng, trang bị tri thức cho người nông dân là một trong những vấn đề đáng quan tâm, để có sự nhìn nhận đúng mức và đầu tư đúng hướng.
Đặc biệt, đối với một tỉnh có nông dân chiếm số đông và hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại như Quảng Nam, trong định hướng đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao, cần quan tâm hơn nữa cho việc đầu tư xây dựng đội ngũ “nông dân chất lượng cao”.
Thời gian qua, việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho nông dân đã được Quảng Nam chú trọng. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, giai đoạn 2010 - 2020, ngành liên quan và chính quyền các địa phương phối hợp tổ chức hơn 800 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 35 nghìn lao động nông thôn, trong đó có 9.283 lao động nữ. Đây là dấu hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, đừng quá chú trọng đến con số, mà cần tập trung vào chất lượng; bởi từ đào tạo kiến thức, kỹ năng đến phục vụ thực tế sản xuất trong nông nghiệp luôn có những khoảng cách nhất định.
Thay đổi tư duy và nhận thức
Hàm lượng tri thức cho nông dân không chỉ là trình độ, kỹ năng lao động mà cả về tư duy và nhận thức đối với các vấn đề liên quan đến hàng hóa như sản xuất, lưu thông, tiêu thụ; về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Có nhận thức như vậy, người nông dân mới không bị dẫn dắt bởi các yếu tố kinh nghiệm, bắt chước; giảm sự phụ thuộc vào tự nhiên hay theo tư duy “móng đâu câu đó” trên thị trường.
Ví dụ, hiện nay một bộ phận nông dân mặc dù biết về tác hại của các loại hóa chất đối với nông sản, nhưng để tăng năng suất, sản lượng và bảo quản sản phẩm, họ bất chấp khuyến cáo. Tại một số vùng nông thôn, nông dân vẫn chưa bảo đảm được quy trình, liều lượng sử dụng hóa chất vào quá trình sản xuất; hoặc sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình sau thu hoạch đối với một số loại rau, củ, quả để tăng trọng lượng, kích thước và tăng thời gian bảo quản.
Điều đó tác động trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý người tiêu dùng; đồng thời ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản vùng miền nói riêng hay quốc gia nói chung. Chính vì vậy, một số nhà nông đã chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm.
Điều trên, rất tiếc, có khi không nằm trong nhận thức, ý thức của nông dân, mà do người tiêu dùng chuyển sang “tiêu dùng thông minh” với sản phẩm sạch và an toàn, mặc dù giá cao “đắt xắt ra miếng”. Vì vậy, người nông dân cần được đào tạo về kiến thức, nâng cao hàm lượng tri thức để định hướng, lựa chọn con đường đúng đắn, có giá trị bền vững trong sản xuất; đồng thời dẫn dắt, điều chỉnh xu hướng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách chủ động.
Tự tin hội nhập
Trong việc nâng cao hàm lượng tri thức, bên cạnh kỹ năng lao động, cần trang bị cho nông dân kỹ năng quản lý, quản trị để chủ động “làm chủ” trong sản xuất nông nghiệp. Đây là xu thế tất yếu cho nông nghiệp Việt Nam.
Phải đào tạo người “nông dân chất lượng cao” có tư duy, tầm nhìn xa; nhận định rõ xu hướng phát triển của thế giới, đồng thời có ước mơ, khát vọng trên nền tảng tri thức và tiềm năng của đất nước, quê hương mới mong hội nhập một cách tự tin.
Dẫn câu chuyện từ một đất nước Việt Nam mất an ninh lương thực trầm trọng đến xuất khẩu lúa gạo nhất nhì thế giới mấy chục năm qua, để thấy rõ động lực cho mục tiêu phấn đấu của nông dân trong thời gian tới.
Cũng nên dẫn câu chuyện về một đất nước Việt Nam có nhiều giống cây ăn quả chất lượng, nhưng nhà nông của các quốc gia khác lại chủ động trong việc lai tạo giống, nâng cao chất lượng sản phẩm và xuất khẩu ngược sang để chiếm thị trường tiêu thụ...; qua đó kích thích tinh thần tự tôn dân tộc, quyết chí vượt khó vươn lên, tìm tòi sáng tạo của nông dân Việt!
Tuy nhiên, điều rất quan trọng là trong quá trình trang bị, lấp dần khoảng trống tri thức cho nông dân, đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp cần thay đổi tư duy, nhận thức về đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các cấp phải xây dựng chiến lược lâu dài và đầu tư có trọng tâm trọng điểm thì mới mong tạo được sự chuyển biến tích cực và hiệu quả, dù chặng đường đó có khi rất dài và lắm chông gai...