(QNO) - Nhóm nghiên cứu do Th.S Mã Phước Hoàng (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) và cộng sự vừa tiến hành lắp đặt thử nghiệm thiết bị sấy bánh tráng tận dụng nhiệt thải từ lò tráng bánh thủ công tại gia đình bà Nguyễn Thị Kề (thôn Phú Mỹ, xã Đại Hiệp, Đại Lộc).
Thiết bị sấy bánh được lắp đặt tại gia đình bà Kề. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Đây là thiết bị được sản xuất từ giải pháp “Tận dụng nhiệt thải từ lò sấy bánh tráng” của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng từng đoạt giải ứng dụng của Holcim Prize năm 2015. Từ sự tài trợ của Holcim Prize, Th.S Mã Phước Hoàng - giảng viên hướng dẫn và các sinh viên đã dày công hoàn thiện thiết bị và vừa tiến hành lắp đặt thử nghiệm tại hộ bà Nguyễn Thị Kề.
Ngoài được hỗ trợ thiết bị, gia đình trên còn được hỗ trợ hàng chục vỉ phơi bánh bằng nhôm phục vụ cho quá trình phơi sấy, lấy bánh từ lò. Được biết, thiết bị này hoạt động dựa trên cơ sở tận thu nguồn không khí nóng tỏa ra từ lò tráng bánh thủ công thông qua một đường ống được thông với ống khói của lò tráng bánh. Một phần khí nóng từ lò tráng bánh thủ công khi đi qua hệ thống ống gia nhiệt trên sẽ được tiếp tục gia nhiệt lên hàng nghìn độ C và được quạt thổi vào buồng sấy giúp sấy khô bánh. Hiện, thời gian sấy đối với mỗi mẻ bánh gồm 4 vỉ, tương đương 2kg bánh kéo dài từ 15 - 30 phút và đang được nhóm nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh hợp lý.
Theo bà Nguyễn Thị Kề, do thiết bị mới được lắp đặt thử nghiệm, cần phải có một số điều chỉnh cần thiết, thiết bị sấy lại chưa được hoạt động hết công suất vốn có nên chưa thể đánh giá cụ thể lợi ích thực tế của việc sử dụng lò sấy này so với việc phơi sấy truyền thống ngoài trời. Tuy nhiên, hệ thống sấy này bước đầu giúp hạn chế ô nhiễm môi trường do việc tận thu nguồn nhiệt thải ra bên ngoài, giảm tình trạng khói bụi, ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất do phơi sấy bánh bằng than củi vào trời mưa và khi thời tiết xấu.
TRIÊU NHAN