Hôm qua (7.9), Sở NN&PTNT tổ chức lễ công bố quyết định xác lập khu bảo tồn và thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tỉnh Quảng Nam. Đây là cơ hội để huyện Nông Sơn vừa kết hợp bảo vệ đa dạng sinh học với phát triển du lịch sinh thái, cải thiện sinh kế bền vững cho người dân.
Việc thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi hứa hẹn sẽ giải cứu loài động vật quý hiếm này thoát khỏi tình trạng tuyệt chủng.Ảnh: T.H |
Giữ rừng đặc dụng trước
Sau khi UBND tỉnh phê duyệt đề án xác lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi thuộc xã Phước Ninh và Quế Lâm (Nông Sơn), việc ra đời Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tỉnh Quảng Nam thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để giữ rừng đặc dụng nghiêm ngặt. Đề án đã xác định vùng đệm khu bảo tồn thuộc xã Phước Ninh và Quế Lâm với diện tích gần 25.000ha. Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi là đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hoạt động như một đơn vị ban quản lý rừng đặc dụng theo Nghị định số 117/2010/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ. Là tổ chức của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ của chủ rừng và được Nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện trách nhiệm quản lý bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường rừng. “Nhiệm vụ chính của khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi vẫn là quản lý rừng, bảo vệ, sử dụng rừng; bảo tồn thiên nhiên; nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; cứu hộ động, thực vật hoang dã; các hoạt động dịch vụ; kế hoạch quản lý, sử dụng lao động; đầu tư xây dựng và tài chính” - ông Khánh thông tin.
Để có nguồn lực tài chính hoạt động, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí thực hiện đề án xác lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đến năm 2030 gần 130 tỷ đồng. Số tiền này huy động từ nguồn ngân sách, đóng góp của doanh nghiệp kinh doanh rừng, doanh nghiệp đầu tư du lịch trong khu bảo tồn, vốn từ chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ, vốn huy động tài trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, tổ chức từ thiện môi trường trong và ngoài nước. Các chuyên gia bảo tồn thuộc Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế - WWF cho rằng, chính quyền tỉnh và huyện Nông Sơn trước mắt phải bảo tồn loài, vùng sinh cảnh voi, xác lập hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt vùng đệm sau đó mới tính chuyện phát triển du lịch sinh thái. Hiện tại giữa các cơ quan chức năng đã ký cam kết bảo vệ loài voi; người dân được ngành kiểm lâm hướng dẫn kỹ năng ứng xử khi phát hiện có voi. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong xu thế hệ sinh thái rừng ngày càng bị nghèo nàn, thì sự ra đời của ban quản lý khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi sẽ giúp cho công tác bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm, bảo vệ rừng có hệ thống và khoa học hơn. “Bảo vệ được vùng đệm rừng đặc dụng, sẽ là cách xây dựng ngôi nhà lý tưởng cho voi. Các hoạt động phát triển kinh tế du lịch sinh thái nơi đây cũng không ngoài mục đích phục vụ bảo tồn đàn voi” - ông Khánh nói.
Phát triển du lịch sinh thái
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi nằm trên địa giới hành chính của 2 xã Phước Ninh và Quế Lâm, thuộc huyện Nông Sơn với diện tích rộng gần 19.000ha. Ngoài ra, vùng đệm khu bảo tồn rộng 25.000ha thuộc 9 xã của 5 huyện. Mục đích thành lập ban quản lý khu bảo tồn nhằm bảo tồn và phát triển loài voi châu Á ở Việt Nam, góp phần đạt được các mục tiêu chung của Chính phủ về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tài nguyên động, thực vật hoang dã. Duy trì, phát triển quần thể voi còn lại; khôi phục và phát triển sinh cảnh, nguồn thức ăn của voi; xây dựng địa điểm này thành nơi phù hợp tiếp nhận những cá thể voi đơn lẻ ở nơi khác chuyển về. |
Rồi đây người dân các thôn Cấm La, Tứ Nhũ, Thạch Bích, Tứ Trung 1, Tứ Trung 2 và Phước Hội (xã Quế Lâm); các thôn Dùi Chiêng 1, Dùi Chiêng 2, Bình Yên, Xuân Hòa 1, Xuân Hòa 2 thuộc xã Phước Ninh sẽ có cơ hội đảm bảo sinh kế nếu được đưa vào nhóm bảo vệ voi. Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đứng trước cơ hội do dự án Trường Sơn xanh của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam là địa phương được cơ quan USAID hỗ trợ về đa dạng sinh học rừng, chuyển đổi sang phát triển thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu và phát thải thấp thông qua cải thiện công tác bảo vệ rừng, đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường tính bền vững của các cộng đồng. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - ông Ted Osius cho biết: “Cải thiện cuộc sống của các cộng đồng địa phương, bảo tồn đa dạng sinh học và giúp các tỉnh thực hiện những chương trình tăng trưởng kinh tế bền vững là một phần quan trọng trong cam kết của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam”.
Chính quyền huyện Nông Sơn đang xây dựng một kế hoạch phát triển du lịch thân thiện với môi trường, các dịch vụ sinh thái đi kèm như dã ngoại, cắm trại, đốt lửa trại trong rừng, xem thú từ chòi cao... Địa phương đề xuất các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí giúp cho người dân trong vùng cảnh quan bảo vệ rừng gắn với bảo vệ voi; đầu tư trang thiết bị để ghi lại hình ảnh voi, nắm rõ khu vực voi thường kiếm thức ăn để theo dõi, cảnh báo nhân dân phòng tránh xung đột voi - người. Tổng cục Lâm nghiệp ủng hộ quan điểm của tỉnh và huyện Nông Sơn kết hợp song song nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo tồn đàn voi với phát triển du lịch sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa, có chiến dịch truyền thông sâu rộng để người dân nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định: “Có hành lang pháp lý, chính quyền địa phương sẽ tìm kiếm các dự án tài trợ về nguồn lực, kỹ thuật để phát triển nhanh loại hình du lịch sinh thái và các điểm du lịch văn hóa cảnh quan khác, qua đó góp phần đa dạng hóa sinh kế và tạo điều kiện nâng cao thu nhập của người dân địa phương”.
Thời gian đến, thông qua dự án Trường Sơn xanh, Cơ quan USAID sẽ giúp cho ban quản lý khu bảo tồn tăng cường áp dụng các phương thức sử dụng đất phát thải thấp, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và khả năng thích ứng cho cộng đồng dễ bị tổn thương. Cơ quan USAID cam kết hỗ trợ tỉnh triển khai đề án Trường Sơn xanh tại 4 khu bảo tồn, trong đó có khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi của tỉnh với tổng số tiền 320 tỷ đồng.
TRẦN HỮU