Lấp khoảng trống môi trường đầu tư

TRỊNH DŨNG 17/02/2023 08:00

Không thiếu cơ chế, chính sách, nhưng khoảng trống cải thiện môi trường đầu tư lại đến từ sự thiếu hợp tác giữa các sở, ban, ngành và địa phương.

Các dự án đầu tư dân cư tại Tây Sơn Tây (xã Duy Hải, Duy Xuyên) sẽ được tháo gỡ khó khăn để hoàn thành đúng tiến độ. Ảnh: T.D
Các dự án đầu tư dân cư tại Tây Sơn Tây (xã Duy Hải, Duy Xuyên) sẽ được tháo gỡ khó khăn để hoàn thành đúng tiến độ. Ảnh: T.D

Thành công

Tăng trưởng kinh tế Quảng Nam năm 2022 đạt mức 11,2%, xếp thứ 11/63 tỉnh thành. Tổng thu ngân sách tăng 135,6% (32.144/23.700 tỷ đồng kế hoạch). Số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng 11% (1.181 doanh nghiệp) với số vốn đăng ký hơn 10.000 tỷ đồng (tăng hơn 13%). Số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường tăng gần 21% (552 doanh nghiệp). Số dự án FDI còn hiệu lực khoảng 194 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 6,05 tỷ USD.

Các nhà đầu tư nội địa cũng gia nhập thị trường Quảng Nam với 59 dự án được cấp (tổng vốn đăng ký gần 8.700 tỷ đồng), nâng tổng số dự án tiếp tục hoạt động tại địa phương khoảng 968 dự án (tổng vốn đăng ký hơn 242.000 tỷ đồng). Ngay trong tháng 1/2023, thu ngân sách địa phương đạt 11% dự toán.

Đích đến của cải thiện môi trường đầu tư không ngoài việc gia tăng ngân sách, thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư bên ngoài từ doanh nghiệp và các dự án đầu tư. Không cơ chế, chính sách nào có thể làm hài lòng hay thỏa mãn cho tất cả doanh nghiệp.

Nhưng không có sự hỗ trợ, đồng hành từ chính quyền, cơ quan quản lý hoặc thiếu niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh địa phương thì không thể có được kết quả tăng trưởng và nguồn thu ngân sách gia tăng.

Thu hút đầu tư, gia nhập thị trường của doanh nghiệp hanh thông, thuận lợi chính là tấm gương phản chiếu tốt nhất về môi trường đầu tư địa phương và năng lực điều hành kinh tế của chính quyền.

Chính quyền Quảng Nam khẳng định không một cơ quan, địa phương nào đứng ngoài cuộc cải cách. Kết quả được đo lường bằng tác động của chính sách, cơ chế, chủ trương trên thực tế, cam kết thời gian thực thi cụ thể bằng những phần mềm quản lý, từ giải quyết dứt điểm kiến nghị doanh nghiệp, phản ảnh hiện trường, tháo gỡ vướng mắc, hệ thống hóa quy trình, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, quản lý đầu tư, bản đồ số, dữ liệu đất đai, bản đồ thể chế giám sát chấm điểm hàng ngày...).

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng Thư ký, Trưởng phòng pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho hay năng lực điều hành kinh tế chính quyền địa phương không chỉ nằm ở bảng xếp hạng. Thăng hay giảm bậc, điểm số chỉ có giá trị tham khảo, hàm chứa ý nghĩa cần tạo ra thay đổi, thúc đẩy cải cách, không quyết định sự thành công hay thất bại của nền kinh tế địa phương.

Các cơ chế, chính sách cụ thể, từ hành động hỗ trợ doanh nghiệp qua các chương trình nâng cao năng lực quản trị, mở lớp tập huấn, truyền thông về PCI, thay đổi thủ tục lựa chọn nhà đầu tư... hướng đến sự gia tăng thu hút dự án đầu tư, phát triển doanh nghiệp tư nhân, Quảng Nam đã chọn lối đi riêng, thông qua PCI để giới thiệu hình ảnh địa phương năng động, cởi mở

Cần sự hợp tác

Quảng Nam quyết tâm cải thiện PCI bằng kế hoạch lọt vào tốp 6 năm 2025. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh luôn được theo dõi, đánh giá. Đã có nhiều thay đổi đáng kể về ý thức, trách nhiệm của cán bộ cơ quan công quyền trong nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư...

Việc lãnh đạo tỉnh liên tục tiến hành những cuộc kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, chính quyền địa phương nhanh chóng hoàn thiện các dự án đầu tư công hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xử lý nước thải sẽ giúp gia tăng tính năng động của chính quyền địa phương. Ảnh chụp tại dự án hệ thống thoát nước các dự án ven biển phía bắc thị xã Điện Bàn (giai đoạn 2). Ảnh: T.D
Việc lãnh đạo tỉnh liên tục tiến hành những cuộc kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, chính quyền địa phương nhanh chóng hoàn thiện các dự án đầu tư công hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xử lý nước thải sẽ giúp gia tăng tính năng động của chính quyền địa phương. Ảnh: T.D

Các biến số mới nhất về năng lực cải thiện PCI đã được nhận diện, nhưng vẫn nhiều khoảng trống khó lấp đầy trên thực tế và dài hơi khi thiếu sự hợp tác, cộng sinh giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương. Những cuộc khảo sát, thống kê mới đây, trên thực tế, chỉ có lãnh đạo tỉnh quan tâm đến PCI và chỉ mỗi Sở KH-ĐT chủ động tham mưu các chủ trương, giải pháp về cải thiện PCI.

Các sở, ngành còn lại và địa phương hầu như rất ít quan tâm, chưa chú trọng đến chỉ số này. Sự thiếu thiện chí này đã trở thành khoảng trống khi chưa thể đề ra giải pháp cụ thể cho việc tăng điểm, thăng hạng cho từng chỉ số thành phần PCI gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.

hành bại của công cuộc cải tổ không chỉ mỗi sở, ngành hay địa phương đơn lẻ thực hiện. Khó khăn dễ thấy nhất là chính quyền địa phương hay nhiều sở, ngành còn lúng túng trong xây dựng kế hoạch cải thiện, khi chưa phân định, phân công rõ các mục tiêu cho đội ngũ công chức, viên chức thực hiện.

Theo tổng hợp của Sở KH-ĐT - cơ quan đầu mối triển khai các kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của UBND thì đến cuối năm 2022 chỉ nhận được 15/42 cơ quan, chính quyền địa phương báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch cải thiện!

Báo cáo mới nhất về kết quả cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI từ Sở KH-ĐT ghi nhận, một số sở ngành, địa phương vẫn chưa quan tâm đến nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.

Việc báo cáo tình hình triển khai thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn chung chung, chưa cụ thể và rõ ràng. Thời gian thực hiện báo cáo ở một số đơn vị, địa phương vẫn còn chậm so với thời hạn quy định... Tất cả điều này đã dẫn đến Sở KH-ĐT không có nhiều thông tin chất lượng để tổng hợp, báo cáo.

Sở KH-ĐT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc báo cáo định định kỳ, nêu rõ kiến nghị, đề xuất về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.

Cần thêm cơ chế mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giảm thiểu quy trình, thủ tục đầu tư rút gọn đối với khu vực miền núi để hỗ trợ thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng và giải quyết việc làm cho người lao động thuộc các dân tộc thiểu số.

Các sở, ngành hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư dự án để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng tin học, nhân sự tương thích quy chế phối hợp giữa thuế và cơ quan đăng ký đất đai trong trao đổi thông tin theo hình thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai trên địa bàn tỉnh. Gia tăng mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho công chức chuyên trách công tác kiểm soát thủ tục hành chính...

Sự hợp tác giữa các sở, ngành, địa phương để “vá khoảng trống” cải thiện năng lực điều hành kinh tế địa phương sẽ tạo thuận lợi mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư để đưa nền kinh tế vận hành thông thoáng, phát triển hơn. Qua đó, nhận sự hài lòng từ đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đạt mục tiêu đặt ra.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lấp khoảng trống môi trường đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO