Hàng loạt đề án, cơ chế chính sách cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác cán bộ được ban hành thời gian qua và tiếp tục xây dựng cho thấy quyết tâm của Quảng Nam nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
|
Hội thảo tìm giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức do UBND tỉnh tổ chức năm 2011. Ảnh: D.HOÀNG |
Tạo nguồn
Quê ở Kon Tum, Đinh Hồng Thắng chọn quê vợ là xã vùng núi cao Trà Linh (Nam Trà My) để lập nghiệp. Tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, Đại học Đà Nẵng, Đinh Hồng Thắng được địa phương chọn tham gia đề án 600 (đề án “Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020” của Chính phủ). Trở về công tác hơn một năm tại UBND xã Trà Linh, được bổ nhiệm phó chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế, Thắng đã tham mưu giúp lãnh đạo xã triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế, giúp nhân dân từng bước thoát nghèo, như chương trình hỗ trợ giống sâm, đưa cán bộ khuyến nông về cơ sở... Từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và trung ương cho các xã đặc biệt khó khăn, chàng trí thức trẻ này đã triển khai chương trình cấp giống sâm cho đồng bào nghèo Trà Linh, cùng với hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật. Đợt cấp giống đầu tiên vào cuối năm vừa qua có giá trị hơn 250 triệu đồng, bước đầu cây sâm phát triển tốt, nhưng theo Đinh Hồng Thắng vẫn chưa vội khẳng định hiệu quả vì cần nhiều thời gian hơn để sâm trưởng thành. Tuy nhiên, anh rất kỳ vọng bởi thực tế ngày càng có nhiều người dân Trà Linh thoát nghèo từ cây sâm quý… Trên cương vị phó chủ tịch UBND xã, Thắng cho biết anh được sự hướng dẫn tận tình của các đồng chí lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi để anh làm quen với công việc khá mới mẻ này.
Tiếp tục xây dựng nhiều cơ chế thu hút “hấp dẫn” Trên cơ sở Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, thời gian qua nhiều đề án, cơ chế, chính sách đã được UBND tỉnh ban hành, và sắp tới, có 2 đề án đang được hoàn chỉnh trình HĐND thông qua. Đó là dự thảo đề án Đào tạo đại học ở nước ngoài cho học sinh tốt nghiệp THPT; đề án Thu hút bác sĩ, bác sĩ nội trú tỉnh Quảng Nam. Với đề án Đào tạo đại học ở nước ngoài cho học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh, mỗi năm Quảng Nam sẽ tuyển 15 học sinh đáp ứng các tiêu chí của đề án. Các chuyên ngành ưu tiên dự kiến gồm: quản lý đô thị, hành chính công, tài chính công; công nghệ thông tin; tự động hóa; công nghệ sinh học và môi trường; công nghệ sau thu hoạch; công nghệ gen; bệnh học thủy sản. Các học sinh của đề án sẽ được đào tạo ở các trường đại học có uy tín, chủ yếu ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Pháp, Singapore, Úc, Anh, Nhật Bản… và phải nằm trong danh sách 300 trường đại học hàng đầu thế giới. Trước thực trạng đội ngũ cán bộ đại học, sau đại học của ngành y tế tỉnh thiếu nghiêm trọng, ít được đào tạo, đề án Thu hút bác sĩ, bác sĩ nội trú tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu trong vòng 2 năm – từ 2014 đến 2016 tuyển chọn 200 người tham gia đề án. Quyền lợi của người tham gia đào tạo, theo đề xuất của đề án sẽ được hỗ trợ 100% học phí; cấp sinh hoạt phí từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng; sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được hỗ trợ tiền mua đất với mức 100 triệu đồng/người… |
Triển khai đề án 600, đến nay trên địa bàn tỉnh có 30 trí thức trẻ được tăng cường về làm phó chủ tịch ở các huyện Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My. Theo đánh giá ban đầu của ban điều hành đề án, có trên 80% đội viên thực hiện tốt vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao; nhất là chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tham mưu cấp ủy, UBND xã triển khai các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong đó, đáng chú ý như mô hình lúa cải tiến SRT, trồng keo, trồng bời lời, nuôi gà, ngan (Phước Sơn), nước sạch nông thôn, xây dựng kênh mương thủy lợi, trồng sâm (Nam Trà My), trồng keo lai (Tây Giang)... Trong quá trình công tác, các đội viên cho biết chịu nhiều áp lực do thiếu kinh nghiệm quản lý, cách biệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và điều kiện miền núi vùng sâu, vùng xa nên hạn chế trong việc tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và thông tin phục vụ quản lý. Tuy nhiên, các đội viên đều thể hiện rõ quyết tâm với nhiệm vụ được giao. Đội viên Võ Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chánh (Phước Sơn) tâm sự: “Nhiều người đặt nhiều kỳ vọng vào chúng tôi, kiểu như về làm phó chủ tịch các xã khó khăn thì kinh tế, xã hội địa phương thay đổi như có phép màu thì thật khó… Trước mắt còn rất nhiều khó khăn nhưng tôi tin mình phấn đấu cùng bà con thực hiện tốt nhiệm vụ, hoàn thành mục tiêu của đề án”.
Với một huyện miền núi, luôn “khát” cán bộ trẻ như Tây Giang, đề án 600 thực sự hữu ích và địa phương này đang tạo mọi điều kiện để lớp cán bộ trẻ phát huy năng lực. Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bhling Mia nói: “Huyện ủy, UBND huyện luôn sát cánh cùng các đội viên, sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn tiếp cận thực tế và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trong tương lai sẽ tính đến việc quy hoạch họ vào các chức danh chủ chốt ở cấp huyện… Nhưng chúng tôi cũng yêu cầu các đội viên phải luôn nỗ lực, phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức và khẳng định được năng lực chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; tích cực học tiếng đồng bào, tận tụy với công việc…
Tại TP.Tam Kỳ, sau 2 năm triển khai đề án 500 (đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn của tỉnh giai đoạn 2011-2016), đã có 28 người được chọn tham gia, trong đó đã có 18 học viên được bố trí công việc ở các xã, phường. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Anh Tuấn, phần lớn các học viên bước đầu phát huy năng lực, lãnh đạo các địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện để họ phát huy khả năng, mạnh dạn tham mưu các chương trình, kế hoạch công tác theo chuyên ngành đã được đào tạo.
Có thể nói, các đề án 500, 600 được triển khai thời gian qua đã tạo nguồn nhân lực quan trọng để hoàn thiện hệ thống chính trị cấp cơ sở và tạo nguồn cán bộ cho cấp huyện, cấp tỉnh sau này. Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thế Thái, các địa phương cần hiểu rằng việc tuyển chọn, đào tạo, cho đến việc bố trí đội ngũ này về công tác ở các địa phương vẫn đang là thời kỳ rèn luyện, họ cần được giúp đỡ, tiếp tục đào tạo từ môi trường thực tế để trưởng thành hơn trong công tác.
Đẩy mạnh luân chuyển, đào tạo
Những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, sự kiện được dư luận quan tâm là việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh công bố hàng loạt quyết định điều động, luân chuyển cán bộ. Quan điểm của Tỉnh ủy nêu rõ, việc luân chuyển là để các đồng chí cán bộ chủ chốt trong diện quy hoạch phải kinh qua lãnh đạo cấp dưới, tiếp tục nỗ lực, cống hiến. Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Xuân Thọ, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chú trọng đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ. Đến nay đã có 21 trường hợp cán bộ tỉnh luân chuyển xuống huyện, thành phố và ngược lại (trong đó, 12 trường hợp luân chuyển từ tỉnh xuống huyện, thành phố, 6 trường hợp luân chuyển từ huyện về tỉnh, 3 trường hợp luân chuyển ngang giữa các cơ quan trong tỉnh). Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, việc luân chuyển, bố trí cán bộ đã kịp thời tăng cường cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho một số địa phương và ban, ngành của tỉnh góp phần giúp các địa phương và các ngành ổn định nội bộ, đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Cạnh đó, tạo điều kiện tốt cho cán bộ rèn luyện, thử thách, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng; cán bộ trong diện quy hoạch được rèn luyện thực tiễn, khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.
Thực hiện các quy định của Trung ương và Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về công tác cán bộ giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, với việc ban hành quy chế tuyển dụng công chức, viên chức cơ quan đảng, Mặt trận và các đoàn thể của tỉnh, kỳ thi tuyển và xét tuyển công chức năm 2012 đã đạt kết quả tốt. Thí sinh trúng tuyển đều đảm bảo đúng điều kiện, tiêu chuẩn, được thẩm định kỹ về lịch sử chính trị, tuyển dụng và bổ nhiệm ngạch công chức đúng quy định.
Một tín hiệu tốt trước lo ngại về tình trạng hụt hẫng đội ngũ cán bộ kế cận là chất lượng đội ngũ cán bộ ở cả 3 cấp được nâng lên. Công tác đào tạo đã được Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện có hiệu quả ngay từ đầu nhiệm kỳ. Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 3.152 cán bộ được đào tạo lý luận chính trị (trong đó, đào tạo cao cấp 730 người, đạt hơn 60% mục tiêu Nghị quyết 04). Cạnh đó, 921 cán bộ được đào tạo chuyên môn (trong đó 148 người được đào tạo sau đại học, 691 người được đào tạo đại học, trung cấp là 82 người); 820 cán bộ được bồi dưỡng quản lý nhà nước… Ở các địa phương, công tác đào tạo cán bộ cũng được chú trọng, có sự “ưu ái” nhằm động viên cán bộ, công chức, viên chức. Chẳng hạn, 2 năm qua Duy Xuyên đã cử 46 cán bộ học cao cấp chính trị, 65 cán bộ học đại học, 15 cán bộ học thạc sĩ. Điều đáng nói là ngoài chế độ chính sách quy định của Nhà nước, huyện đã linh động trích từ ngân sách địa phương hơn 300 triệu đồng hỗ trợ cho các cán bộ nằm trong quy hoạch đi học. Đồng thời huyện cũng đã giải quyết hỗ trợ thêm gần 175 triệu đồng khuyến khích cho các cán bộ nghỉ hưu trước tuổi.
DOÃN HOÀNG