Đảm bảo đạt được mức ngang bằng giữa các vùng cũng như các nhóm thu nhập khác nhau trong chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin về các dịch vụ y tế là mục tiêu cần sự vào cuộc tổng lực của ngành y tế và cả xã hội.
Nguồn lực hạn chế
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Văn thông tin, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ người dân được khám sàng lọc bệnh phong chỉ đạt 20,3% dân số do không có kinh phí triển khai. Mặt khác, dù toàn tỉnh đã hình thành và duy trì mạng lưới chuyên trách hoạt động phòng chống ở 241 xã, nhưng cán bộ chuyên trách ở huyện và xã thay đổi liên tục. Tương tự, trong hoạt động phòng chống lao, các huyện miền núi gần như bị bỏ trống; hoạt động xét nghiệm chẩn đoán tại tuyến huyện chỉ mới dừng ở kỹ thuật truyền thống (trừ Hội An); nhân lực còn yếu và luôn biến động.
Ở nhóm bệnh truyền nhiễm, ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hiện nay đã xuất hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, trong khi dân số sống trong vùng sốt rét chủ yếu là người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Chất lượng chẩn đoán và điều trị sốt rét tại tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, bên cạnh còn tư tưởng chủ quan ở một số địa phương. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong công tác phòng chống sốt xuất huyết, khi nhân lực y tế cơ sở nhiều xáo trộn cộng thêm chính quyền các địa phương chỉ giao phó cho ngành y tế.
Cũng như vậy, ở nhóm bệnh không lây nhiễm, việc triển khai quản lý, theo dõi, điều trị khám bảo hiểm y tế tại tuyến xã còn nhiều bất cập. Từ phân tuyến dịch vụ kỹ thuật, sử dụng thuốc điều trị, trạm y tế thiếu vật tư thiết yếu… đều trở thành vấn đề, và đây chính là lý do để y tế cơ sở không thể xây dựng được lòng tin với người dân. Các bệnh viện tư, bệnh viện tuyến trên quá tải, một phần vì sự kém phát triển của trạm y tế xã hoặc thiếu các điều kiện thăm khám ở trung tâm y tế huyện.
Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số (Chương trình 1125) của Quảng Nam thực hiện từ 2016 - 2020 với tổng kinh phí cho gần 20 hoạt động là hơn 110 tỷ đồng, trong đó phân bổ mỗi năm hơn 23 tỷ đồng cho 8 dự án thành phần, hướng chủ yếu đến y tế cơ sở. Tuy nhiên, báo cáo tổng kết từ Sở Y tế nhìn nhận, số dự án khá nhiều với y tế cơ sở, do vậy một cán bộ y tế chuyên trách huyện, xã phải kiêm nhiệm khá nhiều hoạt động của dự án bên cạnh hoạt động khám chữa bệnh. Chính điều này ảnh hưởng đến chất lượng chuyên sâu của cán bộ y tế đối với từng hoạt động. Chưa kể, lực lượng y tế thôn bản năng lực có hạn nhưng phải tham gia tất cả dự án, quản lý khá nhiều đối tượng liên quan.
Lỗ hổng từ miền núi
Khá nhiều câu chuyện đau lòng từ các địa phương miền núi về công tác chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Con số sản phụ tử vong vì sinh đẻ tại nhà hoặc không được thăm khám trong suốt thai kỳ, không phát hiện kịp các biến chứng thai kỳ…hầu như năm nào cũng có, địa phương nào cũng có.
Ông Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cho biết, tập tục sinh đẻ tại nhà của người dân địa phương còn khá cao, đến hơn 70%, mặc dù lực lượng y tế cũng như cô đỡ thôn bản đã làm việc hết sức mình. Còn ông Chơ Rum Thanh Vòm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang nói, cán bộ y tế tiếp cận với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở các xã vùng cao, biên giới.
Sự khác biệt về yếu tố văn hóa như ngôn ngữ, phong tục tập quán ở đồng bào dân tộc thiểu số liên quan đến việc mang thai, sinh con làm giảm khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế. Các yếu tố nghèo khó, giao thông khó khăn, thiếu thông tin liên lạc, các dịch vụ chưa phù hợp với văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số... cũng đã cản trở người dân đến sinh con tại các cơ sở y tế.
Thiếu bác sĩ chuyên ngành sản, nhi tại huyện miền núi cũng như các kỹ thuật về cấp cứu sản khoa, tầm soát, chăm sóc sơ sinh còn quá nhiều hạn chế; công cụ hỗ trợ theo dõi chăm sóc bà mẹ trẻ em chưa được triển khai thường quy... là những khó khăn khiến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các địa phương miền núi còn khoảng trống khó lấp đầy trong thời gian ngắn. Chưa kể, lực lượng y tế thôn bản lâu nay quá ít ỏi khiến các địa phương miền núi phải kêu gọi thêm các cộng tác viên.
Ông Trần Văn Thu cho biết, hiện nay toàn bộ xã Trà Mai đã không còn lực lượng cộng tác viên dân số; ở nhiều nơi, do thu nhập thấp không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, nhân viên y tế thôn bản đồng loạt xin nghỉ việc.
Xây dựng chính sách phù hợp
Thực trạng của y tế cơ sở hiện nay là thiếu thuốc điều trị các bệnh đặc thù, thiếu bác sĩ, thiếu phương tiện hành nghề, thiếu kinh phí hoạt động. Trong 5 năm triển khai các hoạt động của Chương trình 1125, bên cạnh những cải thiện từ dự án tiêm chủng mở rộng, hoạt động phòng chống bệnh lây nhiễm được quan tâm, tình trạng dinh dưỡng trẻ em được cải thiện với nhiều mô hình được triển khai, mạng lưới quản lý điều trị ngoại trú cho bệnh nhân tâm thần được duy trì ở 18/18 huyện, thị… thì vẫn còn đó khá nhiều bất cập được các địa phương nhìn nhận.
Ông Phan Đình Mỹ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh cho biết, riêng với công tác bảo vệ sức khỏe tâm thần của địa phương, hiện thuốc điều trị cho người bệnh đang thiếu, cùng với câu chuyện thiếu nhân lực như nhiều địa phương khác. Trên địa bàn huyện Phú Ninh có 500 bệnh nhân tâm thần đang được quản lý.
Theo ông Mỹ, các thuốc chương trình sử dụng tại Trung tâm Y tế là những thế hệ cũ, nhiều bệnh nhân phải uống với liều dùng cao, nhiều tác dụng phụ. Trong khi nếu muốn sử dụng thuốc thế hệ mới, bệnh nhân phải nhận tại bệnh viện tỉnh theo diện bảo hiểm y tế hoặc viện phí, do đó bệnh nhân phải chuyển tuyến, tuy nhiên nguồn thuốc vẫn chưa đáp ứng đủ. Điều này sẽ gây khó khăn và tốn kém cho người bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hai cho biết, sở đã yêu cầu cần kịp thời đưa vào các loại thuốc nằm trong danh mục đấu thầu tập trung để cung ứng cho bệnh viện, từ đó bệnh nhân được tiếp cận sử dụng.
Để lấp khoảng trống trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân vừa có quyết định giao Sở Y tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án hỗ trợ cán bộ làm công tác dân số, đội ngũ y tế thôn, bản, cộng tác viên y tế... trên địa bàn tỉnh, lấy ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết thông qua tại kỳ họp cuối năm 2020. Cùng với giải quyết câu chuyện chế độ chính sách chưa phù hợp cho lực lượng y tế thôn bản, cộng tác viên, đề án cũng phải tháo gỡ những “điểm nghẽn” của hoạt động y tế cơ sở.