Xâm hại hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt là lấn chiếm vỉa hè, lòng quốc lộ (QL) và tỉnh lộ (ĐT) làm nơi buôn bán diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trong tỉnh. Để lập lại trật tự, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã chỉ đạo triển khai ra quân xử lý hành vi vi phạm.
Cảnh họp chợ rất nguy hiểm trên QL14B qua xã Đại Hồng, Đại Lộc. Ảnh: C.TÚ |
Diễn biến phức tạp
Tầm 3 giờ chiều đến gần chạng vạng, QL 14B, đoạn qua địa bàn thôn Hòa Hữu Tây của xã Đại Hồng (Đại Lộc) lại xuất hiện chợ tạm trên chiều dài khoảng 100m. Bất chấp phương tiện, nhất là ô tô tải nặng và ô tô khách qua lại nườm nượp, họ vẫn bày bán đủ loại từ thủy hải sản, rau củ quả, quần áo… ngay trên lòng QL. Một người dân sinh sống gần đó chia sẻ, bề rộng mặt đường chừng 7 - 8m nhưng bị người buôn, kẻ bán lấn chiếm gần một nửa. Lực lượng chức năng đến tuyên truyền, vận động không “thông” phải tiến hành cưỡng chế đầu này thì họ chạy qua đầu kia và ngược lại. Lòng đường bị lấn chiếm, hai ô tô ngược chiều không thể lưu thông, gây tắc nghẽn giao thông. “Xe cộ đông đúc vậy mà mấy người kia ngồi lỳ luôn ra lòng đường, trong khi ở phía lề còn rộng mà họ chẳng chịu vào. Lỡ xe bị trục trặc kỹ thuật, hay tài xế ngủ gật thì mức độ thiệt hại về người là không thể tránh khỏi” - một người dân lo ngại. Theo cơ quan Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT), tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ bằng cách họp chợ còn diễn ra tràn lan trên tuyến QL14E (chợ Bình Quý, Thăng Bình), ĐT610 (chợ Quế Trung, Nông Sơn), ĐT615 (chợ Kỳ Lý, Phú Ninh)…
Lãnh đạo Sở GTVT thừa nhận, trường hợp xây dựng nhà ở, công trình vật kiến trúc trái phép trong phần đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ cũng diễn biến phức tạp; điển hình là trên các tuyến QL14E, QL14D, QL14B, ĐT611. Hành lang các tuyến ĐT614, QL14E, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức… cũng bị một số đối tượng tự ý mở đường nhánh trái phép. Việc san lấp mặt bằng, lấn chiếm, tái lấn chiếm vỉa hè đô thị để tập kết vật liệu, đặt biển hiệu, bảng quảng cáo, lều, quán, mái che, mái vẩy, cây cối… che khuất tầm nhìn xuất hiện nhan nhản. Sử dụng trái phép lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông tồn tại lâu nay và chưa có hướng giải quyết dứt điểm. “Trước tình trạng vừa nêu, chúng tôi đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-ATGT nhằm kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm hành lang đường bộ và các hành vi chiếm dụng lòng, lề đường, vỉa hè khác trên các tuyến ĐT và QL ủy thác. Qua đây, lập lại kỷ cương pháp luật trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo đường thông, hè thoáng, đường phố xanh, sạch, đẹp. Khai phóng tầm nhìn cho tài xế để từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần tích cực xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng” - Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết.
Ra quân xử lý vi phạm
Theo kế hoạch, từ nay cho đến hết quý I-2018, lực lượng chức năng bao gồm nhân lực của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, Thanh tra Sở GTVT, công chức thanh tra Chi cục đường bộ III.1 (Cục Đường bộ III) và đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ (nhà thầu bảo trì) sẽ phối hợp thực thi công vụ tại những điểm mà hành lang an toàn đường bộ bị xâm hại. Trước và trong suốt quá trình giải tỏa, Văn phòng Ban ATGT tỉnh phối hợp Thanh tra Sở GTVT tổ chức hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh, băng rôn trên các tuyến đường. Trong khi đó, ngành GTVT đang tiếp tục khẩn trương thu thập ý kiến góp ý, hoàn chỉnh văn bản dự thảo để tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành “Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Bởi lẽ, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và ngành chức năng bằng một quy chế phân định rõ ràng trách nhiệm thì mới có thể phát hiện xử lý một cách kịp thời, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ triệt để. |
Đợt ra quân lần này, Ban ATGT tỉnh yêu cầu tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia công tác giải tỏa hành lang an toàn đường bộ. Chú trọng công tác vận động cá nhân hay tổ chức cần tự giác tháo dỡ hoàn trả nguyên trạng như trước khi vi phạm; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp chây ì, thiếu hợp tác hoặc chống đối lực lượng giải tỏa. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê cho biết, trong suốt quá trình thực hiện, các lực lượng được yêu cầu đảm bảo tuyệt đối ATGT, không để xảy ra tai nạn khi thi hành công vụ. Xét thấy cần thiết, cần linh hoạt đề nghị Ban ATGT cấp huyện cử người tham gia hỗ trợ. Một cán bộ thuộc Thanh tra Sở GTVT thông tin, phạm vi giải tỏa đợt ra quân cuối năm 2017 và quý I-2018 là các tuyến QL được Trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý, gồm: 14B, 14D, 40B, 14E, 24C; cùng với đó là các tuyến ĐT: 611, 613, 614, 615, 617, 618, 603, 603A, 605, 607, 607B, 608, 609, 609B, 610, 610B và ĐT606. Trước tiên, lực lượng làm nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, phân loại những trường hợp vi phạm do cơ quan quản lý đường bộ cung cấp (hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ). Sau đó, tiến hành tuyên truyền bằng loa phóng thanh, băng rôn trên các tuyến đường nhằm vận động tổ chức, cá nhân vi phạm tự giác tháo dỡ, di dời công trình, vật kiến trúc ra khỏi phạm vi hành lang an toàn đường bộ. Hành động cưỡng chế sẽ là bước cuối cùng.
Theo ông Thái Minh Hoàng - Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1 (Thanh tra Sở GTVT), năm 2017, đơn vị phối hợp với lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, công chức thanh tra của Cục Quản lý đường bộ III triển khai có hiệu quả các kế hoạch của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế 5425 tỉnh Quảng Nam. Lực lượng phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự vận tải, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường trái phép đã góp phần quan trọng giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự ATGT. “Trên cơ sở Kế hoạch số 188/KH-ATGT của Ban ATGT tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế 5425 tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 2451/KH-BCĐ nhằm cụ thể hóa hành động chi tiết trên thực địa” - ông Thái Minh Hoàng nói.
CÔNG TÚ