(QNO) - Thấy nạn mà không giúp, trong người ông tự nhiên bồn chồn, khó chịu. Ai khó gì ông giúp nấy, mọi việc đều chu toàn đến nỗi ông tự nhận mình là người có duyên làm việc thiện.
Ông Ôn trò chuyện với phóng viên Báo Quảng Nam. Ảnh: VINH THỌ |
Xây nhà cho người nghèo
Chúng tôi gặp ông Lê Công Ôn (60 tuổi, thôn Nhì Tây, xã Bình Lâm, Hiệp Đức) tại trụ sở UBND xã Bình Lâm lúc ông đang làm thủ tục giấy tờ vận chuyển gỗ do ông xin được của một người bạn cùng huyện ở xã Phước Trà để về xây nhà cho hộ bà Dương Thị Đào.
Bà Đào nay đã 88 tuổi (thôn Nhứt Đông, xã Bình Lâm) nhưng phải nuôi một người con bị khuyết tật chân và não. Hai mẹ con sống trong căn nhà được để lại từ thời ông bà, nay đã xuống cấp trầm trọng. Đồng cảm với sự ngặt nghèo này, ông Ôn đã đi vận động tất cả bạn bè, người quen của mình, xin được 60 triệu đồng để xây mới lại căn nhà cho bà Đào.
Ông Ôn kiểm tra căn nhà đang xây cho mẹ con bà Đào. Ảnh: VINH THỌ |
Nhớ lại lúc ông Ôn mới đặt vấn đề xây nhà, bà Đào xúc động nói: “Tôi cứ nghĩ cả đời mình không có nỗi một căn nhà kiên cố. May mắn nhờ có anh Ôn mà 2 mẹ con tôi có chỗ che nắng che mưa vững chắc những năm cuối đời”.
Không riêng gì bà Đào, hồi tháng 4.2016, ông Ôn vừa khánh thành và bàn giao căn nhà do ông và Hội LHPN xã Bình Lâm phối hợp xây dựng cho hộ bà Huỳnh Thị Tuyết (51 tuổi, thôn Hương Phố, Bình Lâm). Không những thế, ông Ôn còn tìm được nơi cấp dưỡng trong thời gian dài cho đứa con hiện đang học lớp 4 của bà Tuyết.
Trong hơn 10 năm qua, ông đã giúp đỡ và hỗ trợ xây hơn 20 căn nhà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. “Tôi có một nhóm bạn thích làm việc thiện, hầu hết những anh em có điều kiện, khá giả nhưng lại bận bịu với công việc. Trong khi tôi bây giờ rảnh rỗi nên kết nối anh em với những người nghèo khó, giúp đỡ họ được ít nhiều là vui rồi. Mà cũng không riêng chi anh em chúng tôi, những người thợ hồ đến xây nhà cho người nghèo, họ cũng không tính công nào” - ông Ôn vui vẻ kể.
Căn nhà của bà Tuyết mà ông Ôn đứng ra vận động vừa xây xong. Ảnh: VINH THỌ |
Cứu người gặp nạn
Ông Ôn khẳng định mình có duyên làm việc thiện. Rồi ông kể, những năm qua, ai bị nạn nơi nào, giờ nào ông cũng là một trong những người đầu tiên được báo tin. Mỗi lần ông Ôn hay tin có tai nạn ở đâu, dù đang rất bận, ông cũng gác lại, chạy đến hiện trường, xem người bị nạn cần gì thì ông giúp. Ông bảo: “Nếu không đến được, trong người mình cứ bồn chồn, rất khó chịu”.
Cuối tháng 4.2005, ông Ôn hay tin một vụ tai nạn thương tâm tại khu vực chân đèo Lò Xo (thuộc địa phận xã Đắc Mang, huyện Đắc Glei, tỉnh Kon Tum) khiến 30 cựu chiến binh thiệt mạng. Ông đã gác mọi công việc, chạy xe tức tốc từ Hiệp Đức đến hiện trường vụ tai nạn.
Dù lúc lên đến nơi, các nạn nhân xấu số đã được cơ quan chức năng đưa đi khỏi hiện trường những ông vẫn xắn tay áo, cùng lực lượng cứu hộ cứu nạn và người dân địa phương dọn dẹp hiện trường và khai thông tuyến đường. Ông Ôn kể lại: “Khoảng mấy phút sau khi vụ tai nạn xảy ra là có người báo tin cho tôi. Trên đường đi, tôi lo lắng, bồn chồn đủ thứ. Nhưng vì đường xa quá nên lúc lên đến nơi thì mọi việc gần như đã xong. Mình làm được gì thì làm, xong việc mới cảm thấy nhẹ lòng mà ra về được”.
Những ai cùng mình chung tay giúp đỡ người nghèo khó, ông Ôn đều lưu vào trong sổ vàng. Ảnh: VINH THỌ |
Vụ gần đây nhất, vào tháng 6.2015, một phụ nữ 27 tuổi (ở xã Tam Lộc, Phú Ninh) bị chết đuối tại thôn Hương Phố, xã Bình Lâm. Trong lúc các cơ quan chức năng đang làm công tác khám nghiệm hiện trường thì ông Ôn cố gắng xin được địa chỉ của nạn nhân để liên lạc báo tin cho gia đình. Khi gặp được mẹ của nạn nhân qua điện thoại thì ông mới hay hoàn cảnh gia đình này rất nghèo, người mẹ không có tiền để thuê xe đưa thi thể của con mình về. Thế là ông Ôn xin ý kiến của người dân và chính quyền địa phương, đặt thùng quyên góp gần khu vực hiện trường. Ông tìm xe đưa thi thể nạn nhân về nhà và bàn giao số tiền quyên góp được 13,5 triệu đồng cho gia đình nạn nhân dưới sự chứng kiến của chính quyền các xã Tam Lộc và Bình Lâm.
Những năm qua, ông Ôn đã giúp đỡ hàng trăm trường hợp người bị nạn. Điều ông cảm thấy trở ngại nhất là việc tìm xe đưa người bị nạn đến nơi cứu chữa kịp thời. Sắp tới, ông dự định đầu tư mua một xe cấp cứu với đầy đủ các thiết bị sơ cứu và tập hợp những người bạn là bác sĩ, ý tá đã về hưu của mình để tiện hơn trong việc giúp đỡ người bị nạn. “May mắn của tôi là có những người bạn, những mạnh thường quân đồng cảm với mình. Mặt khác, khi tôi làm những việc như vậy, gia đình không gây khó dễ mà còn ủng hộ và động viên” - ông Ôn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thông - Bí thư Đảng ủy xã Bình Lâm cho biết: “Dù lớn tuổi nhưng ông Ôn luôn đi đầu trong công tác xã hội, giúp đỡ người tàn tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, việc hỗ trợ xây nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn xã của ông đã góp phần không nhỏ vào phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương. Liên tục trong vòng nhiều năm, ông được các ban ngành, hội, đoàn thể của huyện và tỉnh khen tặng, biểu dương”.
PHAN VINH - XUÂN THỌ