Lấp lánh Hà Đông

SONG ANH 12/05/2017 08:23

Tưởng chỉ là chuyện chơi, khi một ngày đất Hà Đông xưa dựng nên một “vuông sân” nghệ thuật, có thơ văn, nhạc, họa, nhiếp ảnh… nhưng thời gian càng dài, càng thấy…“chuyện chơi cũng lắm công phu”.

Tròn 5 năm, vùng đất ba sông có một sân chơi bài bản, chuyên nghiệp… dành cho những tâm hồn yêu văn chương nghệ thuật. Tròn 5 năm, những điều đẹp đẽ, tử tế, những khoảnh khắc trên vùng đô thị nhỏ, được gom nhặt lại, thành nhiều câu chuyện văn nghệ. Nó khởi sự và cũng là điều duy nhất khiến những người già người trẻ yêu ở đất này bền bỉ cho sự thành hình của một chốn “tụ hội”, “đi về”: Hội Văn học Nghệ thuật TP.Tam Kỳ.

Đêm thơ Nguyên tiêu - hoạt động hằng năm của Hội VHNT Tam Kỳ tại Khổng Miếu. Ảnh: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT
Đêm thơ Nguyên tiêu - hoạt động hằng năm của Hội VHNT Tam Kỳ tại Khổng Miếu. Ảnh: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT

Ngôi nhà văn nghệ

Như một mạch ngầm lặng lẽ, những người chọn đất này làm cuộc hành trình dài cho cuộc đời mình, những người lỡ “mắc mứu” nhiều với cái đẹp của nghệ thuật, luôn mong có một chỗ để “nương náu” mình. Và trong những cuộc hội, từ rất lâu, chính mạch ngầm tha thiết nhưng lặng lẽ mà bền bỉ, ráo riết này, vẫn luôn dậy lên trong những người yêu văn nghệ Tam Kỳ một nỗi đau đáu. Câu chuyện ấy, có khi thoảng hiện trên mặt báo, có khi là trong những sinh hoạt văn hóa, có khi tập trung với một chút ồn ào như những cuộc hội lễ kỷ niệm, lần nào đó, được định danh cho niềm yêu mê của mình. Ông Phạm Thông, giờ là Chủ tịch Hội, giọng chùng xuống so với cái hùng hồn mọi bữa của một người viết ký trận mạc, nói rằng nếu không có những con người một lòng tâm huyết và đi đến cùng với chuyện làm ra một chốn đi về cho anh em văn nghệ Tam Kỳ, thì chắc hẳn không có những cuộc hội sôi nổi như bây giờ. “Anh Phạm Công Thắng, anh Trần Ngọc Sơn, anh Huỳnh Trương Phát, anh Nguyễn Tấn Sỹ, Nguyễn Đức Dũng… những con người hình như chưa bao giờ biết mệt với mọi hoạt động của hội. Tất cả đều mới mẻ với những người đã bước quá nửa cuộc đời” - ông Thông nói. Vậy mà vẫn đi, mạnh mẽ, xông pha, trong từng chuyện lớn, chuyện nhỏ…

Một vùng đất sẽ phát triển sâu bền, vững chắc, nếu có chỗ cho văn hóa nghệ thuật. Và hẳn Tam Kỳ, những năm sau này, những cuộc trở mình ở mọi mặt, đã đôi điều bảo chứng cho cái điều đã thành một “định luật” phát triển này. Năm 2011, khi Hội VHNT ra đời, nhiều người à ồ lên vì những người già quyết liệt, đã có được một cách ngoạn mục tên gọi cho “ngôi nhà tâm hồn” của mình. Hình như cái tâm tính của đất ba sông, cũng in hằn lên những cuộc hội. Đã nói thì phải làm đến cùng. Dẫu cho đó, chỉ khởi sự như tính chất của một cuộc chơi. “Hội VHNT TP. Tam Kỳ ra đời trong lúc cả tỉnh và gần như cả nước chưa có một hội văn nghệ cấp huyện hay cấp thành phố trực thuộc tỉnh. Từ mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, quy mô hoạt động của các loại hình hay thậm chí là các mối quan hệ hành chính giữa hội và các cơ quan nhà nước trên địa bàn… đều chưa có tiền lệ, đều mới mẻ vô cùng. Nhưng vì chúng tôi xuất phát từ tình yêu mà say mê khi thành lập, nên cứ vậy mà đi, nhờ sự quan tâm giúp đỡ từ mọi phía, rồi anh em trong hội động viên nhau mà vượt khó, để đi đến buổi hôm nay” - ông Phạm Thông nói.

Lần giở lại những ngày buổi đầu, ông Phạm Công Thắng – người được ông Phạm Thông nhắc đến như một trong những người ưu tư nhiều cho sự hình thành ngôi nhà chung này, nói rằng: “Từ trước khi có sự ra đời của Hội VHNT TP. Tam Kỳ vào năm 2011, vùng đất này cũng là nơi có nhiều anh chị em văn nghệ sĩ, rất nhiều người ham thích văn hóa văn nghệ, đặc biệt từ khi chia tách tỉnh và trở thành tỉnh lỵ, bên cạnh anh em văn nghệ sĩ người địa phương thì đây còn là nơi hội tụ anh em ở các cơ quan ban ngành về làm việc và sinh sống. Chuyện muốn có một tổ chức để tập hợp anh em như một sân chơi, để giao lưu, trao đổi, nâng cao chất lượng sáng tạo các tác phẩm VHNT đã được nhiều người ấp ủ. Chính từ nhu cầu đó, từ năm 2011, được sự thống nhất của Thành ủy và UBND thành phố, chúng tôi hình thành Ban vận động của Hội VHNT thành phố theo tinh thần Nghị định 45 của Chính phủ về thành lập hội. Anh chị em văn nghệ sĩ đều ủng hộ hết mực, và sau một thời gian vận động Hội chính thức đại hội và hình thành Hội VHNT có Ban Chấp hành… Từ đó đến nay hội đã có nhiều hoạt động để thu hút giao lưu, cổ vũ động viên và giới thiệu sáng tác của anh chị em văn nghệ Tam Kỳ” - ông Thắng cho biết.
Chăm những “vườn xanh”…

Hiện nay, Hội VHNT TP.Tam Kỳ có 4 chi hội chuyên ngành gồm văn học, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh với tổng số 55 hội viên. Trong đó, có gần 50% là hội viên của Hội VHNT tỉnh và trung ương. Nhiều hội viên với nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị như tác giả Phú Thiện với tác phẩm “Lang thang cố xứ”, Huỳnh Trương Phát với “Hạt phong trần”, Nguyễn Thị Cẩm Giang với “Cô gái vẽ linh hồn”, Nguyễn Đức Dũng với “Khúc hát lưu dân” và “Nắm níu”, Phạm Phú Hưng với “Hai nửa mùa thu” và “Cõi lòng”, Phạm Thông với “Ám ảnh vùng đông” và “Những bình thường lấp lánh”… Hội cũng đã tổ chức in chung tập thơ “Mẹ” gồm 250 bài thơ về mẹ, tập “Cánh tay sưa”,  “Xóm trăm năm”…Nhiều hội viên đã đoạt giải thưởng VHNT trong và tỉnh như Nguyễn Bá Hòa, Nguyễn Đức Dũng, Phạm Thông, Nguyễn Tấn Cả, Lê Xuân Bá, Huỳnh Ngọc Hải, Huỳnh Trương Phát…

Đúng như nhiều người nhìn nhận, Hội VHNT TP. Tam Kỳ đã mở ra những khu vườn, để từ đó làm dịu mát cho những con phố đầy nắng của một đô thị mới. Những hoạt động ít nhiều đã mang lại hơi hướng về một quá trình phát triển mới của văn hóa văn nghệ vùng đất. Đặc biệt, ở một sân chơi cấp thành phố, việc cho ra đời và duy trì tập san Văn nghệ Tam Kỳ, với sự dày dặn cả về số trang lẫn chất lượng, đã vun xới và khơi mở cho nhiều cây bút, chuyển tải được mọi góc cạnh của vùng đất Hà Đông xưa. “Ban Chấp hành Hội luôn coi tập san Văn nghệ Tam Kỳ là phương tiện mang tính trụ cột trong mọi hoạt động của hội, là phương tiện tập hợp hội viên và các hoạt động của hội nên dù gặp trở ngại gì cũng cố gắng xuất bản đúng định kỳ, đảm bảo tôn chỉ, mục đích của một tập san văn nghệ mang tính đặc thù địa phương” - ông Thông nói. Trong 5 năm qua, tập san Văn nghệ Tam Kỳ đã xuất bản được 20 số, với dung lượng bình quân 130 trang/số. Tập san luôn được cơ cấu 2 phần: phần 1 gồm những bài phục vụ các sự kiện chính trị xã hội của thành phố, phần 2 gồm những tác phẩm VHNT do anh chị em văn nghệ sĩ sáng tác. Tập san không những làm phong phú đời sống tinh thần của người dân thành phố, mà còn bám sát và phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được đông đảo bạn đọc gần xa đánh giá tốt.

Cùng với tập san này, là những hoạt động văn nghệ luôn thu hút được sự tham gia của hội viên và những người yêu thích văn hóa văn nghệ. Mỗi năm, vào dịp Tết Nguyên tiêu, như một ngày hội của những người yêu thơ, Hội VHNT TP. Tam Kỳ luôn dành những đặc sắc nhất của những chiếu thơ để gửi gắm đến người ưa mê.  Hội thơ xứ Quảng tại TP. Tam Kỳ luôn nhộn nhịp hơn khi gọi về bao nhiêu tâm hồn yêu thơ từ trong lẫn ngoài tỉnh. Có những người về từ phương Nam, cũng có người từ những vùng núi cao trong tỉnh, có người đã trên 80 tuổi - cũng lặn lội xe đò từ Đà Nẵng vào. Sân Văn thánh Khổng miếu (Tam Kỳ) hôm 14 tháng Giêng năm nào cũng trở thành không gian của thơ và nghệ thuật. Những câu chữ đẹp, những cảm xúc tiếp truyền, lan tỏa qua nhiều người, ở nhiều ngành nghề. Những người đến với ngày thơ tại Tam Kỳ đều nhìn nhận Hội thơ Nguyên tiêu do Hội VHNT TP. Tam Kỳ tổ chức lúc nào cũng ắp đầy thân tình với những trao đổi xung quanh chuyện nghệ thuật, văn chương, cũng như những hình thái nghệ thuật bồi đắp cho thi ca…

Cùng với đó, hàng loạt hoạt động văn hóa nghệ thuật trong thời gian qua đã để lại ấn tượng trong lòng nhiều người, từ đêm nhạc với chủ đề “Quảng Nam yêu thương”, đêm nhạc ra mắt những ca khúc mới về Tam Kỳ, đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, đêm nhạc Trịnh Công Sơn hay các buổi triển lãm tranh ảnh nghệ thuật về Tam Kỳ, đêm thơ giao thừa, các đợt đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh. “Những hoạt động đó đã thật sự tạo nên một sân chơi bổ ích, tạo điều kiện giao lưu học hỏi giữa các văn nghệ sĩ với nhau. Và đó cũng là cách để kết nối thân tình những tấc lòng yêu văn hóa nghệ thuật của những người sống trên vùng đất ba sông này” - ông Huỳnh Trương Phát – người đã dành nhiều nhiệt huyết cho hoạt động của hội, chia sẻ. Và rồi nhiều người trẻ, yêu thích văn học nghệ thuật, cũng đã tìm về đây, như một nơi chốn để họ tỏ bày say mê cũng như vun xới cho những kỹ năng của mình. Nhiều cái tên ngày một trưởng thành hơn, trong cung cách sáng tạo cũng như trong chính tác phẩm của mình, như Cẩm Giang, Nguyễn Thành Giang, Alăng Văn Gáo…

“Vườn xanh” văn nghệ vùng đất này ngày một tỏa ra nhiều hơn, để có thể, bằng cách nào đó, làm nên những bóng mát cho ngày nắng hạn…

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lấp lánh Hà Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO