(QNO) - Qua đường dây nóng, Báo Quảng Nam nhận được các phản ánh của người dân tổ 2, thôn Thái Đông (xã Bình Nam, Thăng Bình) và người dân khối phố Phú Phong (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) cùng liên quan đến vấn đề: lấp mương thoát nước gây ngập úng cục bộ khu dân cư.
Gia đình ông Trần Thanh Lộc đổ đất san lấp tuyến mương trong vườn nhà. Ảnh: PHAN VINH |
Xích mích vì tuyến mương
Ông Trần Đình Chiến (64 tuổi, tổ 2, thôn Thái Đông, xã Bình Nam) cho biết, khoảng đầu năm 2018, gia đình ông Trần Thanh Lộc (cùng tổ 2) đổ đất nền trong vườn nhà ngang với mặt bằng đường bê tông liên xã. Mương thoát nước dân sinh nằm trong vườn nhà ông Lộc cũng bị lấp đi nên nước không có đường rút mỗi khi mưa. Sự việc này khiến nhà của 9 hộ dân trong khu vực thượng lưu tuyến mương bị ngập úng mỗi khi mưa lớn kéo dài.
Ông Chiến chia sẻ: “Cứ mưa xuống vài ngày là ngập, nước tràn vào đến nhà tôi. Khổ nhất là nông sản thu hoạch mang về nhà để cũng bị hư hỏng; gia súc, gia cầm trong nhà không có chỗ ở. Ngoài ra trong xóm có nhiều trẻ nhỏ, sợ lúc người lớn lo làm việc không để ý con cái trong khi xung quanh toàn là nước...”.
Nhà ông Nguyễn Ngọc Tấn - một trong 9 hộ ở tổ 2 luôn bị ngập mỗi khi có mưa lớn. Ảnh: PHAN VINH |
Theo thông tin từ UBND xã Bình Nam, trước đây khi tuyến đường liên xã Bình Trung - Bình Nam (Thăng Bình) - Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) còn là đường đất, mương thoát nước chạy dọc theo tuyến đường nhưng tốc độ chảy khá chậm. Sau đó, người dân phía thượng lưu tuyến mương đã đào một hướng chảy mới ngang qua đường và vào khu vực vườn nhà ông Lộc rồi thoát ra sông. Địa phương đã cho đặt ống bi dẫn nước và hoàn trả lại mặt bằng đường.
Ông Nguyễn Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nam thông tin, đến nay gia đình ông Lộc tổ chức đổ đất nâng nền thì đã lấp tuyến mương trên. Phần đất mà gia đình ông Lộc san lấp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1993. Trong sổ đỏ, thửa đất của gia đình ông Lộc không có kênh mương nên việc đổ đất san lấp tuyến mương không hề có sai phạm.
Có chỗ nước ngập gần 0,5m rất nguy hiểm với trẻ em. Ảnh: PHAN VINH |
Cũng theo ông Cảnh, mặc dù là vậy nhưng địa phương vẫn rất thông cảm trước tình trạng ngập úng của các hộ dân phía thượng lưu tuyến mương. UBND xã Bình Nam cũng tổ chức đi khảo sát địa hình để tìm kiếm đường thoát nước mới, nhưng chỉ có một đường duy nhất là phải qua vườn nhà ông Lộc vì tuyến đường liên xã đã được bê tông hóa, cos nền đã cao hơn so với tuyến mương cũ trước khi rẽ nhánh.
“Trước thực trạng này, UBND xã Bình Nam đã tổ chức 2 cuộc họp để 2 bên hòa giải nhưng đều không thành công. Vì vậy theo quy định, chúng tôi giao cán bộ tư pháp xã hướng dẫn các thủ tục để các bên ra tòa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn các bên cùng tìm hướng giải quyết hợp lý, hợp tình vì mối quan hệ của các gia đình này ngoài hàng xóm láng giềng thì còn là bà con thân thuộc” - ông Cảnh nói.
Vướng mặt bằng làm mương thoát nước
Ông Doãn Văn Bạn (tổ 4, khối phố Phú Phong, phường An Phú) chia sẻ, từ khi tuyến đường Điện Biên Phủ được xây dựng, người dân địa phương muốn đi lên khu vực trung tâm thành phố được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, con đường đến nay vẫn chưa có mương thoát nước kiên cố nên khu dân cư ven đường thường xuyên bị ngập úng mỗi khi có mưa lớn. Người dân và đơn vị thi công đã chủ động đào một tuyến mương đất để giúp thoát nước trong khu dân cư này. Nhưng đến nay, mương đã bị lấp vì vướng mặt bằng của 2 hộ dân là bà Trương Thị Vân và ông Phạm Đức Hoanh.
Vì chưa được đền bù nên người dân không cho thi công hệ thống thoát nước. Ảnh: PHAN VINH |
“Họ nói đất của họ nên không cho đào mương, lại còn đổ đất cao lên nên thời gian qua, hơn 5.000m2 đất màu thường xuyên bị ngập úng không canh tác được. Nhà ở của 9 hộ dân trong xóm cũng lênh láng nước mỗi khi có mưa lớn” - ông Bạn nói.
Theo ông Nguyễn Thành Lệ - Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, thời gian qua, địa phương có nhận được kiến nghị của các hộ dân bị ngập úng ven tuyến đường Điện Biên Phủ. Dự án đường Điện Biên Phủ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Trong thiết kế hiện tại, đường không có mương thoát nước dọc vì còn mở rộng trong giai đoạn 2. Vì vậy, không chỉ có khu dân cư ở tổ 4 (khối phố Phú Phong) mà nhiều khu dân cư khác ven tuyến đường cũng bị ngập cục bộ mỗi khi có mưa lớn kéo dài.
Ngập úng gây thiệt hại 5.000m2 hoa màu của người dân. Ảnh: PHAN VINH |
“Về vấn đề ở tổ 4 (khối phố Phú Phong), phần đất của ông Phạm Đức Hoanh chưa có quyết định thu hồi đất vì chưa ảnh hưởng đến phạm vi hành lang tuyến đường trong giai đoạn 1. Sắp tới, chúng tôi và chủ đầu tư sẽ tiếp tục vận động gia đình ông Hoanh cho thi công việc thông tuyến mương để thoát nước ở khu dân cư gần đó. Phương án thi công dự kiến là đặt ống bi nối từ khu dân cư dẫn ra cống thoát nước. Đồng thời cũng mong muốn người dân bình tĩnh vì về lâu dài, khi tuyến đường được mở rộng, trong thiết kế hoàn chỉnh sẽ có hệ thống cống thoát nước kiên cố” - ông Lệ nói.
PHAN VINH