Lập nghiệp ở Duy Sơn

TRIÊU NHAN 19/10/2021 11:40

Là một quân nhân xuất ngũ trở về địa phương xây dựng gia đình, đời sống kinh tế của anh Nguyễn Công Cường (trú xã Duy Sơn, Duy Xuyên) còn nhiều khó khăn. Với tinh thần vượt khó, anh Cường đã nỗ lực cải tạo vườn tạp, cải tạo đất gò đồi, xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, tìm hướng cải thiện kinh tế.

Anh Nguyễn Công Cường chú trọng bảo tồn giống chanh bản địa Duy Sơn. Ảnh: H.L
Anh Nguyễn Công Cường chú trọng bảo tồn giống chanh bản địa Duy Sơn. Ảnh: H.L

Từ nhiều năm trước, anh Nguyễn Công Cường đã trồng 3ha keo lá tràm ở vùng đồi núi xã Duy Sơn, đến nay rẫy keo sắp cho thu hoạch lứa đầu tiên. Anh và gia đình còn trồng 1 mẫu sen Trà Lý tại 2 chân ruộng trên địa bàn xã Duy Sơn. Vào mỗi mùa thu hoạch sen rộ, gia đình anh có thu nhập 50 - 60 triệu đồng từ việc bán sen tươi. Anh còn thả cá vào ao, đầm trồng sen để có thêm nguồn phụ thu.

Nhằm từng bước phát triển kinh tế nông - lâm kết hợp trên đất gò đồi Duy Sơn, trên diện tích khoảng 3ha đất đồi gò, mấy năm qua, anh Cường và gia đình đã nỗ lực biến nơi đây thành vườn cây ăn quả với đủ các loại: chanh rừng bản địa, xoài, mận, ổi, chanh không hạt, mít, bưởi...

Dù vườn cây ăn quả chưa đem lại thu nhập đáng kể, song bước đầu, mô hình kinh tế vườn rừng, nông lâm kết hợp đã mở ra hướng đi giúp cải thiện thu nhập kinh tế gia đình trên vùng đất khó Duy Sơn.

Anh Cường cho biết, nhận thấy vùng đất gò đồi này có nhiều cỏ, có nhiều phụ phẩm nông nghiệp, thổ nhưỡng phù hợp với con dê núi vốn là đối tượng vật nuôi ít dịch bệnh nên anh tìm hướng vay vốn đầu tư chuồng trại bài bản, thả nuôi cả chục con dê lấy thịt.

Cách đây 7 năm, anh Cường phát hiện giống chanh bản địa trên đất núi thuộc Hóc Mít (xã Duy Sơn) rất thơm, có hương vị đặc trưng, rất sai trái nên đã chiết giống đưa về trại trồng. Hiện cây chanh đã cao quá đầu người, nhiều cây cao tới 2m, cho trái sum sê.

Giống chanh rừng có đặc tính chịu hạn, có năng suất cao, phù hợp với đất gò đồi, trái nhỏ, mọng nước, ít chua nên rất được thị trường ưa chuộng. Chanh rừng có thể trồng ở nhiều loại địa hình nhưng theo người dân bản địa, trồng trên rừng, trên đất gò đồi thì hương vị quả chanh có phần đặc trưng hơn các loại địa hình khác. Cây chanh rừng từ khi trồng khoảng 1,5 năm mới cho quả.

Từ một số cây chanh được chiết đầu tiên, gia trại anh Cường đã có 50 gốc chanh rừng, cho nguồn phụ thu quanh năm. Nếu được chăm sóc, năng suất của cây chanh rừng rất cao, mỗi lứa quả có thể cho thu hoạch vài chục ký và cây có thể cho thu hoạch quanh năm nếu thâm canh hợp lý.

Không chỉ cung ứng chanh tươi cho người dân trong vùng, anh Cường đang có dự định tiếp tục triển khai các biện pháp thâm canh để bảo tồn giống chanh bản địa, nhân rộng, chiết cây để cung ứng giống cho người dân có nhu cầu trồng. Giá mỗi ký chanh rừng dao động từ 20 - 25 nghìn đồng. Anh Cường đang hướng tới nâng chất lượng sản phẩm, đăng ký thương hiệu OCOP cho quả chanh rừng và dự định tạo ra một sản phẩm đặc trưng từ quả chanh.

“Tôi đang nỗ lực vay vốn phát triển kinh tế, đầu tư nuôi dê thâm canh, cải tạo lại gia trại, tích cực trồng cây ăn quả để có thu nhập. Mình phải tự tìm hướng đi riêng, cần mẫn bám rẫy, phải kết hợp kinh tế vườn rừng với chăn nuôi, trồng sen, đào ao thả cá” - anh Cường tâm sự.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lập nghiệp ở Duy Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO