Lát cắt biển đảo từ... bảo tàng

LÊ QUÂN 08/06/2022 08:00

(VHQN) - Dù chưa có một bảo tàng văn hóa biển chuyên biệt, nhưng hệ thống bảo tàng tại Quảng Nam luôn dành không gian để góp phần đưa những lát cắt về di sản văn hóa biển đảo xứ Quảng đến với công chúng.

Học sinh tham quan không gian trưng bày về văn hóa biển tại Bảo tàng Quảng Nam. Ảnh: BTQN
Học sinh tham quan không gian trưng bày về văn hóa biển tại Bảo tàng Quảng Nam. Ảnh: BTQN

Bảo tàng tại Hội An

Ken Preston - một kỹ sư hàng hải người Mỹ với cuốn sách ảnh “Classic Wooden Fishing Boats of the Vietnamese Coast” (tạm dịch là Thuyền cá Việt Nam), trong một cuộc gặp với những người mê tàu thuyền tại Hội An, cho rằng: “Những bảo tàng lưu trữ về những kiểu tàu thuyền cũ không phải phổ biến ở Việt Nam. Nhưng bảo tàng gốm sứ ở Hội An thực sự rất tuyệt vời. Nó không giống như một bảo tàng tham chiếu hình ảnh bình thường. Rõ ràng đây là một bảo tàng được xây dựng bởi một người đầy kinh nghiệm”.

Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An (số 80 Trần Phú), thật ra có chức năng là phòng triển lãm chuyên đề về các hiện vật được tìm thấy ở các điểm khảo cổ tại Hội An, có niên đại từ thế kỷ thứ 9, 10 đến thế kỷ 19.

Bà Lê Thị Tuấn - Trưởng phòng Quản lý bảo tàng của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An cho biết, có gần 400 hiện vật được trưng bày tại đây, trong đó chủ yếu là hiện vật, tư liệu hình ảnh phản ánh sinh động về con đường gốm sứ mậu dịch trên biển vào các thế kỷ trước, khi Hội An còn là tụ điểm giao lưu thương mại trên biển của các thương thuyền từ phương Tây đến các quốc gia Đông Á.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, hiện Bảo tàng Đà Nẵng dành một không gian đặc biệt để trưng bày và tái hiện các sinh hoạt truyền thống, lễ hội của cư dân làng biển Đà Nẵng. Cùng với đó, dự án Bảo tàng Đà Nẵng mới (đang xây dựng, cải tạo) sẽ có 4 chủ đề trưng bày bao gồm giới thiệu tổng quan về TP.Đà Nẵng; lịch sử thiên nhiên và con người Đà Nẵng; lịch sử phát triển đô thị Đà Nẵng và mảng nội dung về văn hóa. Trong các mảng nội dung về văn hóa, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ dành không gian trưng bày về chủ đề văn hóa biển, quá trình hình thành và phát triển đô thị cảng biển; sinh thái biển thể hiện tính đa dạng về nguồn tài nguyên biển; dấu ấn văn hóa biển Đà Nẵng; lịch sử chủ quyền biển đảo; tôn giáo, tín ngưỡng biển miền Trung; các kỹ thuật đóng tàu, thuyền và đi biển; văn hóa ngư dân.

Tại bảo tàng, một chiếc “ghe bầu” được gìn giữ cẩn trọng với lời giới thiệu là vật dụng để vận chuyển hàng hóa giữa Đà Nẵng, Hội An, các tỉnh Nam Trung Bộ với các vùng miền trong nước và buôn bán với nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…

Ghe bầu thịnh hành nhất vào khoảng thế kỷ 16 đến 19. Trong suốt thời kỳ lịch sử ấy, loại ghe này có vai trò quan trọng cả về kinh tế, quân sự lẫn văn hóa.

Bà Lê Thị Tuấn cho biết thêm, trong hệ thống 6 bảo tàng ở Hội An thì riêng Bảo tàng Hội An (số 10B Trần Hưng Đạo) khái quát hóa được sự hình thành, phát triển của vùng đất Hội An, trong đó, có những hiện vật nêu bật vai trò là trung tâm thương cảng mậu dịch quốc tế ở Đàng Trong và cả khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ.

Với 335 hiện vật, tư liệu liên quan đến lịch sử - văn hóa Hội An trải qua các thời kỳ từ Tiền - Sơ Sử (thế kỷ thứ 2 trở về trước), Champa (thế kỷ thứ 2 - thế kỷ thứ 15), Đại Việt (thế kỷ 15 - 19).

Những hiện vật khảo cổ chủ yếu được phát hiện dưới lòng sông, lòng biển, trên mặt đất, cả trong lòng phố cổ và vùng ngoại ô để minh chứng sinh động diễn trình lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Hội An.

Không gian đặc biệt

Trong khi đó, là gian trưng bày cố định, không gian di sản văn hóa biển đảo tại Bảo tàng Quảng Nam (số 281 Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ) được bày biện khá đa dạng, phong phú.

Ông Trần Đức - chuyên viên Bảo tàng Quảng Nam cho biết, không gian này bao gồm các hệ di sản văn hóa của nền văn hóa biển, từ hệ sinh thái, quá trình cộng cư lâu dài của cư dân vùng đất, các làng nghề, phương thức lao động cũng như sinh hoạt của cư dân vùng biển...

Gần 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật với mỗi câu chuyện khác nhau được sưu tầm tại các địa phương trên toàn tỉnh khiến không gian trưng bày biển đảo này có sức hấp dẫn riêng.

Hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An. Ảnh: X.H
Hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An. Ảnh: X.H

Ông Trần Đức cho biết, các mô hình cùng công cụ, ngư cụ làm nghề của cư dân ven biển như các loại lưới, câu, vó, cào biển gắn với câu chuyện của những người đi biển hay chính các hiện vật bảo tàng sưu tầm được từ các làng nghề sẽ đem đến cái nhìn theo chiều kích không gian rộng với giá trị văn hóa biển đảo tại Quảng Nam.

 Ông Trần Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa Sở VH-TT&DL nói, nhiều bảo tàng, phòng trưng bày ở các địa phương đều dành không gian trưng bày về các giá trị văn hóa biển đảo tùy thuộc vào điều kiện của địa phương đó.

Dù xác định văn hóa biển là một trong những di sản của vùng đất, nhưng một bảo tàng văn hóa biển hoặc bảo tàng tàu thuyền chuyên biệt tại Quảng Nam vẫn chưa hình thành. Ngay cả tại TP.Đà Nẵng, một thành phố cảng biển từng sôi động trong quá khứ, hiện vẫn chưa có một bảo tàng biển riêng biệt.

Các hiện vật về nền văn hóa biển được trưng bày tại Bảo tàng Hội An. Ảnh: X.H
Các hiện vật về nền văn hóa biển được trưng bày tại Bảo tàng Hội An. Ảnh: X.H

Bà Phan Thị Yến Tuyết (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thành lập bảo tàng biển tại miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng là điều nên làm, bởi văn hóa biển đảo là bộ phận di sản to lớn của vùng đất.

“Không thể chỉ lưu giữ mãi truyền thống văn hóa biển trong ký ức của cộng đồng mà phải bảo tồn chúng trong bảo tàng quy mô. Nơi đó không chỉ lưu dấu về lịch sử chinh phục biển của người Việt mà còn là môi trường giáo dục niềm tự hào về sự giàu có của biển, ở khía cạnh kinh tế và văn hóa cho thế hệ trẻ” - bà Phan Thị Yến Tuyết nói.

 Một bức tranh biển đảo từ quá khứ đến hiện tại sẽ được hình dung rõ ràng và sâu rộng hơn, nếu có một bảo tàng văn hóa biển của người xứ Quảng, trên đất Quảng. Nuôi dưỡng lòng tự hào, thức dậy tính dân tộc về chủ quyền biển đảo, điều đầu tiên phải xuất phát từ những hiểu biết về giá trị văn hóa, lịch sử, cội nguồn của xứ sở. Mà bảo tàng, là nơi thực thi sứ mệnh đó!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lát cắt biển đảo từ... bảo tàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO