Lát cắt mới về lịch sử xứ Quảng

BÙI VĂN TIẾNG 12/01/2015 15:51

(QNO) - Đọc “Xứ Quảng - theo dòng lịch sử”, dễ nhận thấy Lưu Anh Rô dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực nghiên cứu mà rõ ràng anh có nhiều lợi thế: lịch sử xứ Quảng.

Sách tập hợp những bài nghiên cứu từng được in trên các tạp chí chuyên ngành, là các tham luận khoa học tại các hội thảo quốc gia, quốc tế mà tác giả từng tham gia. Bao gồm các nhóm vấn đề như: địa dư, nhân vật, phong trào, sự kiện... Trong tập sách, người đọc sẽ thấy nhiều sử liệu quan trọng được công bố lần đầu liên quan đến xứ Quảng. Chẳng hạn, sử liệu về quần đảo Hoàng Sa; cuộc chiến tranh bảo vệ Đà Nẵng năm 1858 - 1860; hồ sơ thực dân Pháp theo dõi những người Quảng yêu nước như Thái Phiên, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thanh, Lê Văn Hiến...

Người đọc cũng sẽ thấy ở tập sách này không ít sử liệu mới về sự kiện Tết Mậu Thân - 1968 tại Huế và Đà Nẵng; sự kiện “Chính biến miền Trung năm 1966” - thường gọi là “Sự kiện 76 ngày đêm làm chủ Đà Nẵng” hay sự kiện tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1975… Trong đó, phải kể đến góc nhìn về quá trình Quảng Nam mở cõi nhằm tìm về với văn hóa bản địa Đông Nam Á cũng như nỗ lực chống Hán hóa về văn hóa. Đây cũng là vùng đất luôn nhận lãnh sứ mệnh tiên phong thông qua các phong trào cách mạng khởi phát từ xứ Quảng như Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX, phong trào kháng thuế cự sưu năm 1908...

Đối với người làm sử, cung cấp sử liệu chính xác và có hệ thống theo đúng phương châm mà Khổng Tử từng đề xuất là “thuật nhi bất tác” - thuật lại chứ không sáng tác, cũng là một cách làm nghề có ý nghĩa. Nhìn nhận từ góc độ này, đóng góp lớn của “Xứ Quảng - theo dòng lịch sử” đã cung cấp nhiều sử liệu quý chung quanh quá trình mở cõi chủ yếu bằng lưỡi cày - chứ không phải bằng lưỡi kiếm - của người Việt ở Đàng Trong/xứ Quảng. Tất nhiên theo dòng lịch sử, người Quảng cũng không ít lần dùng lưỡi kiếm để bảo vệ thành quả lao động xây dựng hòa bình của mình. Vì vậy, tập sách còn cung cấp cho chúng ta nhiều sử liệu quý liên quan đến quá trình giữ nước, chống ngoại xâm của người Việt ở Đàng Trong/xứ Quảng.

Bên cạnh đó, người đọc có chút tiếc khi tác giả không dấn thêm một bước để có được những bình luận sắc sảo và cần thiết thể hiện cái nhìn đầy bản lĩnh và sáng tạo của mình đối với từng sự kiện và nhân vật lịch sử xứ Quảng. Tuy nhiên điều đó cũng không thật quan trọng, bởi như chúng ta vẫn thường nói: lịch sử chỉ diễn ra lần duy nhất, còn viết sử thì có thể phải làm đi làm lại nhiều lần mới mong tiệm cận được bản chất và sự thật lịch sử. Mong rằng, trong tương lai Lưu Anh Rô hoàn toàn có khả năng theo dòng lịch sử quê hương, để tiếp tục cho ra mắt công trình học thuật mới, đáp ứng nhiều hơn lòng mong đợi của người đọc gần xa.

BÙI VĂN TIẾNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lát cắt mới về lịch sử xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO