Phát triển du lịch trên nền tảng tài nguyên văn hóa là xu thế tất yếu của du lịch Quảng Nam. Xu thế này tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng hành của các bên liên quan thông qua hội thảo “Du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam” diễn ra cuối tuần qua.
Với các nỗ lực tổng thể phục hồi ngành du lịch, 9 tháng qua Quảng Nam đón hơn 4,2 triệu lượt khách tham quan, lưu trú (gấp 13 lần so với cùng kỳ), trong đó có khoảng 3,8 triệu lượt khách nội địa. Du lịch phần nào phục hồi giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tiếp tục kiên trì với cam kết phát triển du lịch xanh, trong đó có việc sáng tạo, lồng ghép giá trị văn hóa để phát triển du lịch bền vững.
Theo ông Vương Đình Mạnh - Tổng Giám đốc La Siesta Hoi An Resort & Spa: “Ở góc độ một người đến từ địa phương khác, tôi nhận thấy không nơi nào phù hợp hơn Quảng Nam để thúc đẩy du lịch xanh. Điều cần cải thiện ở đây là làm sao để kết nối mạnh mẽ hơn các ngành nghề, giá trị bản địa, chuỗi sản phẩm vào sự phát triển của kinh tế du lịch thì vùng đất này sẽ trở nên trù phú và phát triển bền vững hơn rất nhiều”.
Ngày 16.9, tại TP.Hội An diễn ra hội thảo “Du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam”. Hội thảo do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với Sở VH-TT&DL cùng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức. Hội thảo quốc tế thường niên với sự tham gia của khoảng 120 đại biểu là bước tiến quan trọng trong mục tiêu hành động của ngành du lịch Quảng Nam từ “Du lịch bền vững - không rác thải nhựa” năm 2019 đến du lịch xanh nương tựa nền tảng văn hóa, giá trị đặc trưng Quảng Nam hiện tại.
Theo kế hoạch phát triển du lịch xanh của tỉnh, Hội An được chọn để xây dựng mô hình du lịch xanh điểm theo Bộ tiêu chí du lịch xanh, từ đó làm cơ sở để các địa phương doanh nghiệp… học tập, nhân rộng trên toàn tỉnh. Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025 có 10 - 20 mô hình du lịch xanh tiêu biểu. Khát vọng phát triển du lịch xanh của Quảng Nam đã có những chuyển động cụ thể đầu tiên.
Đã có 11 đơn vị tiên phong đủ điều kiện công nhận theo Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam, trong đó có 8 cơ sở lưu trú và 3 đơn vị lữ hành. Không chỉ có các đơn vị tiên phong, nhiều mô hình hay về phát triển bền vững đang lan tỏa rộng rãi như: show tái chế xà phòng, lớp học gấp túi giấy và các sản phẩm được sử dụng trong ngành du lịch…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói, các hoạt động du lịch cần được thiết lập trên nền tảng văn hóa. Việc khai thác du lịch phải chú trọng giảm áp lực đến di sản. Ngành du lịch và cộng đồng du lịch Quảng Nam cần tiếp tục tăng cường áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh do UBND tỉnh ban hành.
Quảng Nam cần có những sản phẩm, mô hình, cơ sở lưu trú xanh mang lại giá trị thực chất. Mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, từng người lao động, người dân hãy là đại sứ chuyển tải thông điệp du lịch xanh Quảng Nam đến du khách.
Tại hội thảo, đại diện Expedia (Công ty Công nghệ du lịch toàn cầu) đã đưa ra nhiều thống kê khảo sát hữu ích cho quá trình phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa địa phương. Trong đó nhấn mạnh xu thế của du khách ngày càng quan tâm đến lợi ích chia sẻ cho cộng đồng trong chuyến đi, ưu tiên các sản phẩm du lịch bền vững, thân thiện với môi trường…
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, xu thế phát triển du lịch xanh dựa trên nền tảng văn hóa là hoàn toàn đúng đắn và rất tương thích với nhóm khách Âu truyền thống. Tuy nhiên ngành du lịch cũng cần cân nhắc có hướng phát triển sản phẩm phù hợp với dòng khách Á, nhất là Đông Bắc Á và Đông Nam Á bởi nhóm khách này đã chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu khách của Quảng Nam vài năm gần đây.