Những ngày cận tết nhìn đâu cũng thấy sự tất bật, người người hân hoan chọn sắm cho gia đình mình những gì đủ đầy nhất. Đi dọc theo những con phố ở các khu chợ, nhìn các bà các chị bày bán các thứ chuẩn bị cho việc gói bánh làm tôi chợt sững lại bởi lòng bồi hồi nhớ về một thời thơ bé chưa xa. Khi có gia đình, phải sống xa ba mẹ, những mảng ký ức với tôi lúc nào cũng như báu vật, vừa tươi vui lại vừa tiếc nhớ. Nhìn những bó lạt dang con con nằm trên sạp bán lá gói bánh tết, tôi lại nhớ ba tôi. Năm nào vậy, vào tầm hai bảy, hai tám tháng Chạp, cũng như mọi người trong xóm, nhà tôi lại tất bật chuẩn bị cho việc nấu một nồi bánh tét. Ba tôi bảo, ngày xưa cũng như ngày nay, tết đến khó khăn gì cũng phải sắm ít đòn bánh tét, miếng thịt heo và hũ dưa kiệu, trước cúng ông bà, sau thưởng thức trong ba ngày xuân ngày tết. Vì thế, từ nhỏ trong tâm trí tôi lúc nào cũng mặc định tết là phải có những món ăn ấy.
Lúc nhỏ tôi hay được ba tôi cho đi theo chặt dang để chẻ lạt gói bánh tết. Chặt dang rất vất vả vì phải đi vào rừng sâu mới có những ống dang vừa già, lóng lại dài. Lúc nhỏ, tôi tuy gầy nhom nhưng lại rất khỏe, tôi theo ba lội suối trèo đèo không biết mỏi chân. Ba tôi khi làm gì cũng hay giảng giải cho tôi hiểu về việc mình đang làm nên tôi nhớ khá kỹ về cây dang, nhớ đến nỗi tôi yêu nó lúc nào không hay. Ở vùng núi tôi sống, nhất là khu vực núi cao, dang mọc thành lùm, tạo thành những rừng dang trải dài miên man... Mỗi khi đi trong rừng dang, phát hiện được những cây dang vừa già, có lóng dài, tôi thường nhẩy cẫng lên vui sướng. Chặt được nhiều dang như vậy má tôi sẽ mang xuống chợ bán và tôi chắc chắn sẽ có đôi giày mới, bộ quần áo mới mặc trong ba ngày tết. Nghĩ vậy thôi tôi đã vui không biết để đâu cho hết.
Ngồi nhặt những lóng dang ba tôi chặt ra mà lòng tôi hân hoan chi lạ. Ba bảo, lạt dang được ưa chuộng khi gói bánh chưng, bánh tét, bởi nó rất dẻo và bền, lại đẹp mắt. Lạt dang không như lạt nứa, lạt tre, nó có lóng dài, mềm dẻo, nhưng khi phơi nắng mưa nó lại dễ bị áy gãy, có lẽ vị vậy mà người ta không dùng lạt dang để buộc bờ rào. Khi già, ống dang sẽ có màu xám xám, ruột có màu hơi nâu đỏ, đó là cách tôi phân biệt với ống dang còn non xanh nghít, và ruột trắng héo. Mỗi bận đi rừng khát nước ba hay chặt cây dang cho tôi uống. Mùa nắng, nước trong ống dang chỉ lưng độ nửa ống, nhưng những ngày mùa cuối đông đầu xuân, cây dang có nước đầy trong thân, tha hồ uống...
Tôi nhớ mãi hình ảnh ba tôi vớt từ trong nồi ra những đòn bánh tét buộc lạt dang đều đặn, đẹp mắt, thơm lừng mùi lạt dang, mùi lá chuối, mùi gạo nếp hòa quyện với nhau với làn khói nghi ngút, khiến tôi có một cảm giác ấm áp vô cùng vì cảm thấy không khí tết đang hiện hữu. Với tôi đó là những gì thân thương nhất. Thích nhất là lúc má tét bánh ra đĩa để cúng ông bà, từng lát bánh tròn trắng được tét ra bằng sợi lạt dang. Má tôi bảo, vì lạt dang nấu nước nóng trở nên dẻo dai, tước nhỏ vẫn không bị đứt, dùng tét bánh rất sạch và đẹp mắt. Thời gian trôi qua thật nhanh. Mới đó mà bây giờ tôi đã có một gia đình riêng để lo toan khi tết đến xuân về. Đi chợ, nhìn thấy những bó lạt dang bày bán tôi lại bồi hồi nhớ lại một thời chưa xa...
CẨM GIANG