Ngang qua làng nơi Phước Lộc, Phước Thành (huyện Phước Sơn), những đôi mắt đã thôi thăm thẳm màu buồn. Bao con suối trở lại hiền hòa như vốn dĩ. Trên những vết cuồng nộ xé toang hoác cả triền núi, lau trắng đã bừng lên màu nắng. Nơi những mảnh ruộng bậc thang bé xíu còn sót lại, mạ non đã lên xanh rì…
1. Vẫn rờn rợn khi băng qua con đường vào Phước Lộc, nơi ngước nhìn lên là lởm chởm đất đá dựng đứng phía bờ taluy dương. Trên cái màu vàng sệt của đất sau mùa bão, tôi thấy bạt ngàn lau trắng đơm bông, phất phơ dưới nắng, tín hiệu mùa bão lũ đã qua. Tôi đi vùng cao nhiều năm, gặp biết bao đồi lau trắng đẹp đến ngơ ngẩn dưới nắng chiều, nhưng hình như quên mất đi thông điệp “xác tín” ấy của lau, cho đến ngày trở lại.
Bà Hồ Thị Diên (52 tuổi) chìa đôi bàn tay gân guốc ra chào. Cái tết trong ngôi nhà mới, bà nói, đã không còn mơ thấy hình ảnh cả nhà mình chới với trong lũ quét, chuyện mất nhà, mất người nữa. Những hình ảnh từng trở đi trở lại trong những giấc ngủ chập chờn, không hẳn chỉ là giấc mơ. Đau thương tới mức ám ảnh, tới mức đi đâu cũng thấy, làm gì cũng nghĩ, cả trong giấc ngủ cũng trở về. “Đời tôi chưa từng được ở nhà xây, lần đầu tiên được ở nhà xây, thấy cũng sướng” - bà Diên cười, miệng vẫn nhai trầu đỏ quạch.
Căn nhà của bà được xây “thần tốc” trong vòng hai tháng, cùng với hai căn nhà khác, kịp đón ba hộ gia đình từng chơ vơ sau lũ trở về ăn tết. Cái tết trôi qua, chắc chắn không thể đủ đầy, trọn vẹn như mọi năm, nhưng ấm áp và bình an. Hẳn rồi, thứ họ cầu mong nhất sau những ngày chênh vênh vì bão lũ, là bình yên, sau những ồn ào dữ dội đến quá nhanh, quá sức tưởng tượng vào cuối năm trước.
Chủ tịch UBND xã Phước Lộc - ông Lưu Huyền Thoại nói, trước mắt sẽ có 11 nhà được hỗ trợ với mức 140 triệu đồng mỗi căn, đủ để xây dựng một căn nhà cấp bốn kiên cố với diện tích chừng năm chục mét vuông. Cùng với các nguồn hỗ trợ khác, sẽ thêm một khoản nữa để bà con xây nhà vệ sinh. Điện, nước đang được khắc phục, bước đầu đủ cho nhu cầu sinh hoạt của bà con. Xa hơn, chuyện xen ghép chỗ ở, khôi phục những diện tích lúa nước, tìm kiếm con vật nuôi làm sinh kế thay thế đã được gấp rút tính toán và báo cáo đề xuất lên huyện.
“Riêng thôn 6, vẫn có 17 hộ xin ở lại. Đó là nguyện vọng của bà con, xã đã vào khảo sát, tìm kiếm vị trí an toàn, thích hợp hơn, và cũng đã có nhiều bước chuẩn bị. Mừng nhất là đường sá nay đã thông tuyến, nơi bị cô lập lâu nhất là thôn 6 cũng đã có thể đi xe máy vào đến nơi. Mọi thứ đang bắt đầu lại, từ những hoang tàn, từ con số âm, nhưng phải làm và cố hết sức làm. Để hồi sinh” - ông Lưu Huyền Thoại nói.
Tôi nghĩ ngay đến mùa, đến cảm thức về những mầm xanh nơi đất lũ, đến cả cái cách mà chính quyền, bà con nơi này đã gắng gượng bước qua từng ngày, từng ngày khốn khó nhất, chờ được đến cơn nắng ấm của bây giờ…
2. Quán cà phê của vợ chồng anh Toàn - chị Hà mọc lên ngay bên dòng Đăk Ba Sao, đặt tên luôn là cà phê Molave (tên của cơn bão số 9). Không còn thấy khoảng trắng lổn nhổn đá tảng to bằng tòa nhà, cây cầu gãy và những hàm ếch khoét sâu vào đồi nữa, từ chỗ quán cà phê. Đường đã được sửa lại, bà con cũng dọn dẹp sạch sẽ vết bùn non từ trước tết. Mọi thứ phai dần như màu đất lở, người ta cũng bớt kể về những ký ức đau lòng. Trên xe lúc vào trung tâm xã, tôi nhìn thấy dưới chân đồi lác đác vài đám ruộng con. Mọi thứ quay trở về một quỹ đạo “bình thường mới”.
Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành đưa đoàn công tác của UBND tỉnh lên chỗ cổng chào vào xã Phước Thành, chỉ xuống bãi Ruộng. Một bản đồ được giở ra, Phức chỉ tay vào vị trí dự kiến sẽ là nơi bố trí tái định cư cho gần bốn mươi hộ mất nhà hoàn toàn do bão. Số còn lại đã chủ động tìm đất xen cư, được Nhà nước hỗ trợ dựng nhà mới. Mớ rối rắm sau thiên tai đang được kiên nhẫn gỡ dần, từng việc, từng việc, từ làm nhà tạm cho dân, cấp lương thực, hỗ trợ nhu yếu phẩm… Giờ là việc dài hơn, xa hơn, tìm kiếm chỗ ở mới an toàn, khôi phục ruộng rẫy.
Tôi nói chuyện với ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn, ông Quảng đưa ra ngay những con số: 175 tấn gạo được cấp phát khẩn cấp cho dân, chi hơn 47 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa công trình hạ tầng hư hỏng, giúp thông tuyến bước 1 đến các xã vùng cao và khẩn trương giao cho các đơn vị triển khai thực hiện tái thiết, cấp 4 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân xây dựng mới và sửa chữa 166 căn nhà, trong đó có 97 căn nhà mới và 69 nhà sửa chữa lại, giải ngân hơn 2,5 tỷ đồng cho việc khôi phục sản xuất nông nghiệp…
“Trong công cuộc tái thiết, chính quyền và nhân dân huyện Phước Sơn luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành, của cả cộng đồng. Nguồn lực từ xã hội hóa đã giúp ích rất lớn cho việc ổn định đời sống bà con, các cấp ngành cũng đã rất quan tâm, hỗ trợ kịp thời, đắc lực cho việc giải quyết câu chuyện sau thiên tai. Phước Sơn đang rất nỗ lực, cố gắng từng ngày để lo từng phần việc, nghĩ và tính tới câu chuyện lâu dài, vừa an toàn trước thiên tai, vừa giúp cho dân, cho từng thôn xóm phát triển, ít nhất là bình thường trở lại sớm nhất” - ông Quảng nói.
3. 85 tuổi, ông Hồ Văn Deo nói, lần đầu tiên trong cuộc đời ông được ăn cơm với Chủ tịch UBND tỉnh ngay trong nhà mình. Ông già ở thôn Trà Văn A (xã Phước Kim) ấy cười suốt buổi, nắm lấy tay của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, kể về nỗi vui mừng khi cả làng được về nhà mới. Một hồi lâu, ông già mới kéo tay Chủ tịch tỉnh, nói nhỏ, xin Nhà nước cấp tiền cho làm cái trần la-phông, vì nhà lợp tôn, vách cũng bằng tôn, tới mùa nắng sẽ nóng lắm. Ông kể nhiều, nói nhiều, về chuyện ăn tết, về cuộc sống hiện tại lẫn những ước nguyện của đồng bào, cái nào muốn được giúp, cái nào bà con có thể tự làm được. Bữa cơm của những tiếng cười, mắt ông Deo ánh lên niềm hạnh phúc.
Trở lại Phước Lộc, Phước Thành sau chuyến đi giữa mùa mưa lũ năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, cố gắng từ cả phía người dân lẫn chính quyền giúp công tác khắc phục hậu quả thiên tai đạt được nhiều kết quả.
“Tại Phước Sơn, địa bàn bố trí tái định cư còn khó khăn nên chính quyền địa phương đã ưu tiên bố trí xen cư vào những nơi người dân đang sống ổn định, vận động bà con hiến đất, tạo mặt bằng, hỗ trợ nhanh nhất kinh phí làm nhà cho dân. Những xã như Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim đã từng bước ổn định lại. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các thủ tục phải làm nhanh, rút gọn, tranh thủ mùa nắng các địa phương phải đồng loạt vừa khắc phục hạ tầng, vừa bố trí dân cư điểm mới phù hợp đặc điểm địa hình, phải làm khẩn trương, đảm bảo về nước, về điện cho bà con, phấn đấu đến trước mùa mưa lũ 2021 về mặt cơ bản các mặt bằng bố trí cho xây dựng nhà tương đối hoàn chỉnh. Đợt thiên tai 2020 gây thiệt hại lớn nhưng đồng thời là cơ hội cho Quảng Nam trong đánh giá việc phát triển bền vững cho khu vực miền núi, bao gồm sắp xếp dân cư lâu dài gắn với các công trình hạ tầng, phát triển kinh tế ở những địa bàn nơi có nguy cơ. Đồng thời đặt ra những lưu ý trong bảo vệ phát triển rừng tự nhiên, phát triển sinh kế dựa vào đặc thù địa bàn. Đây là nội dung quan trọng để đề ra chiến lược phát triển trong 10 năm tới ở khu vực miền núi” - ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Chưa đủ lâu để xanh lại những vạt đồi, những ngọn lau trắng cũng không còn sà xuống như vuốt xe mỗi lần ngược núi. Nhưng lau trắng, như cốt cách của người miền núi, nhỏ nhắn mà cần mẫn bám rễ giữa lòng đất đá, lặng lẽ nuôi lấy mầm xanh sự sống của mình. “Vết thương lành chỗ cắt hãy còn đau”, khó có thể quên đi hết ký ức, nhưng ký ức đã là của ngày hôm qua. Không ai trong số họ có thể sống bằng ngày hôm qua, họ chỉ có thể nhìn vào ngày mai, tin ở nắng. Lau trắng bừng lên, xuân cũng đến nơi này, thức giấc cuộc tái sinh…