Lấy kinh tế rừng để bảo vệ rừng

TRẦN HỮU 25/08/2017 09:26

Xu hướng quản lý rừng bền vững trong tương lai của tỉnh không phải bố trí nhiều lực lượng kiểm lâm tuần tra, truy quét hay lập trạm chắn ba-ri-e kiểm soát ở các “cung đường gỗ lậu” mà tập trung vào phát triển mạnh kinh tế rừng để bảo vệ rừng, giữ rừng bằng công nghệ cao...

Người trồng rừng sẽ không còn lo đầu ra cho gỗ do có nhà máy tại địa phương. TRONG ẢNH: Phân xưởng sản xuất của nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam tại Hiệp Đức.  Ảnh: T.H
Người trồng rừng sẽ không còn lo đầu ra cho gỗ do có nhà máy tại địa phương. TRONG ẢNH: Phân xưởng sản xuất của nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam tại Hiệp Đức. Ảnh: T.H

Phát triển kinh tế rừng

Hàng loạt văn bản, công cụ pháp lý ban hành để siết chặt quản lý, tăng cương kỷ cương, kỷ luật bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, kể cả dành nguồn lực và tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn, nhưng ở nhiều nơi, gỗ rừng vẫn tuồn về xuôi với số lượng lớn. Thêm vào đó là các chính sách giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số hưởng lợi song kết quả không như mong muốn. Nghịch lý là các khu rừng có chủ (được Nhà nước giao rừng, cấp kinh phí hỗ trợ nhận khoán bảo vệ) vẫn bị tàn phá, điển hình như các khu rừng phòng hộ Sông Tranh, Đắc Mi, A Vương... Trong khi đó, ở nhiều nơi, không cần lực lượng kiểm lâm đông đúc nhưng thực tế rất thành công trong giữ rừng tự nhiên. Như rừng trên địa bàn huyện Nam Trà My và Tây Giang được cộng đồng dân cư quản lý nghiêm ngặt nhờ trồng cây dược liệu (sâm Ngọc Linh, đảng sâm, sa nhân...) dưới tán rừng. Chính ở nơi này đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, Cơ Tu nhận thức rằng, rừng còn mới giúp cho loài cây dược liệu sinh trưởng, phát triển tốt và đem lại nguồn lợi kinh tế không hề nhỏ cho họ.

Khác với vùng Tây Nguyên và các tỉnh thành lân cận, rừng Quảng Nam đa dạng hệ sinh học với độ che phủ đạt gần 57%. Chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế rừng ở 9 huyện miền núi được thực hiện đạt kết quả. Minh chứng là ở vùng thấp từ huyện trung du đến địa phương vùng núi cao đều ít thấy hình ảnh đất trống đồi trọc mà thay vào đó là màu xanh trùng điệp của rừng keo và cao su. Nhiều địa phương miền núi đang thực hiện chủ trương phát triển kinh tế rừng gắn với việc bảo vệ rừng. Kinh tế rừng ở đây là người dân sẽ trực tiếp hưởng lợi, kể cả ở rừng đặc dụng. Dân có đất rừng, doanh nghiệp sẽ thuê lại với thời hạn lâu dài. Sau đó, dân sẽ được tạo điều kiện làm công nhân cho doanh nghiệp, có việc làm thu nhập ổn định. Lâu nay đồng bào quay lại phá rừng vì cuộc sống túng quẫn, sản xuất lâm nghiệp chưa đủ sức nuôi sống gia đình. Do đó, lấy kinh tế rừng để giữ rừng được xem là thượng sách!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nêu bất cập: có nhiều khu vực giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào, họ vẫn tuần tra, kiểm soát hàng tháng nhưng thực tế rừng vẫn bị xâm hại. Ngược lại có nơi chẳng cần kiểm lâm, Nhà nước không bỏ tiền ra chi trả cho công tác giao khoán bảo vệ nhưng rừng vẫn nguyên vẹn. “Xu hướng mới mà tỉnh sẽ tiếp cận trong tương lai là không nhất thiết cần nhiều kiểm lâm, mà sử dụng công nghệ cao để quản lý, lấy kinh tế rừng để bảo vệ rừng” - ông Thanh khẳng định.

Điều chỉnh chính sách tín dụng

Tại huyện miền núi Hiệp Đức, thời điểm này hình thành 5 nhà máy sản xuất, chế biến gỗ quy mô công nghiệp. Đây sẽ là lợi thế cho người trồng rừng trên địa bàn. Bởi một thời gian khá dài, gỗ nguyên liệu sản xuất ra của người dân địa phương bị ép giá liên tục do gỗ làm ra phải vận chuyển xuống địa bàn Thăng Bình hay huyện Quế Sơn để tiêu thụ. Tại cánh nam của tỉnh được quy hoạch nhà máy chế biến gỗ đóng tại huyện Phú Ninh và cánh bắc là huyện Đại Lộc.

Theo thống kê chưa đầy đủ, 10 năm nay mỗi năm ngân sách tỉnh chỉ dành hơn 1 tỷ đồng cho công tác giao đất giao rừng, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho đồng bào miền núi. Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh quyết định hỗ trợ 500 tỷ đồng cho khu vực miền núi đến năm 2020, trong đó có tính toán đến sắp xếp dân cư, phát triển sinh kế rừng bền vững. Ở bình diện quốc gia, ngày 9.9.2015, Chính phủ có Nghị định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Nghị định đã ra đời hơn 2 năm nhưng tính đến thời điểm này đồng bào vẫn chưa được hưởng lợi. Theo giải thích của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Minh Hưng, địa phương sở dĩ chậm triển khai nghị định này vì ngân sách tỉnh không đủ chi phí thực hiện. Đơn giá giao khoán bảo vệ rừng 400 nghìn đồng/ha/năm nếu áp dụng đồng bộ thì số tiền bỏ ra cực kỳ lớn. Giữa thực tiễn và chính sách “không gặp nhau”. Trước đây do chạy theo chỉ tiêu yêu cầu của cấp trên, việc đo đạc bản đồ đất lâm nghiệp theo tỷ lệ 1/10.000, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào không chính xác nên có tình trạng một số địa phương miền núi “giữ hộ” quyền sử dụng đất của dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Nghị định 75 về chính sách vay vốn tín dụng có bất cập. Đối tượng cho vay là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Còn nhóm hộ gia đình không thuộc đối tượng ưu tiên vay vốn ưu đãi. Trong khi đó, tỉnh chủ trương và hầu hết đã giao đất giao rừng cho nhóm hộ. Do đó, phải điều chỉnh đưa thêm nhóm hộ vào đối tượng hưởng lợi vay vốn ưu đãi để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế rừng gắn với việc bảo vệ rừng.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lấy kinh tế rừng để bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO