Nguồn hỗ trợ ngư dân cải hoán tàu thuyền đã giúp “kích hoạt” một số cơ sở đóng tàu (Báo Quảng Nam đã phản ánh), nhưng chừng đó thôi vẫn chưa đủ. Với hiện trạng cơ sở vật chất nghèo nàn, nguồn vốn yếu, thiếu thợ lành nghề…, nhiều cơ sở đóng tàu ở Quảng Nam đang tồn tại lay lắt và rất khó vực dậy.
Đi dọc bến đò Cẩm Kim (TP.Hội An), cả một vùng rộng lớn gần 10ha được quy hoạch để dành riêng cho hoạt động của 20 cơ sở đóng mới tàu thuyền trơ trọi đất trống. Nhiều cơ sở chỉ có lèo tèo dăm người thợ thực hiện các công đoạn “làm nước” (sửa chữa vỏ tàu thuyền hư hỏng) cho vài chiếc tàu công suất nhỏ. Không nhận được đơn đặt hàng đóng mới tàu thuyền, một số nơi chuyển sang “làm nước”, nhưng sự chuyển hướng này cũng không hiệu quả. Bởi với mỗi sản phẩm tàu “làm nước”, chủ cơ sở chỉ thu được vài triệu đồng, trong khi tiền công thợ đã chiếm hết 2/3. Ngoài ra, sau gần nửa tháng để hoàn thành sửa chữa tàu thuyền cũ, nhiều chủ cơ sở lại phải đợi khoảng thời gian tương đương mới có được “đơn đặt hàng” mới.
Ông Trần Huề, một chủ cơ sở sửa chữa tàu, thuyền của làng nghề thở dài cho biết, xây dựng thương hiệu cho làng nghề là cả một quá trình đầu tư lâu dài. “Biết bao nhiêu công sức, mồ hôi đã đổ ra. Nhưng bây giờ biết làm sao, khi mà làng nghề xuống dốc không phanh như thế này. Vì gắn bó với nghiệp mà tiền nhân tạo dựng, không đóng được tàu mới thì một vài cơ sở chuyển qua sửa chữa tàu cũ. Thù lao không nhiều, nhưng chúng tôi cũng đã quyết tâm bám nghề” – ông nói.
Các cơ sở đóng mới tàu thuyền xã Cẩm Kim chuyển sang nghề “làm nước”. Ảnh: Q.VIỆT |
Hai mươi cơ sở sản xuất nhưng chỉ còn vài nơi hoạt động cầm chừng, khiến “gương mặt” làng nghề ngày một biến dạng. Hơn 15 triền đà (đường ray để vận chuyển tàu, thuyền từ nơi sản xuất xuống mặt nước hoặc ngược lại) của làng nghề bị hư gãy thành những đụn sắt hoen gỉ. Nếu như trước đây, nhiều máy cưa phải hoạt động không ngưng nghỉ mới đủ cung cấp lượng gỗ cần thiết cho đóng tàu thì giờ đây im lìm, nhếch nhác. Nhịp sống nhộn nhịp, năng động của làng nghề hơn 20 năm về trước chỉ thi thoảng hiện về trong ký ức của những ai yêu mến làng nghề. Làng nghề giờ đìu hiu. “Trước đây, ngư dân khắp dải đất miền Trung đều đổ xô kéo đến đây để đóng tàu. Thương hiệu của làng nghề được khẳng định trong mắt của các chủ tàu nhờ vào sự bền chắc, đẹp đẽ của thân tàu. Nhờ bí quyết riêng, kỹ thuật gắn máy không giống những nơi khác cùng với “độ dốc” của thân tàu khi hoàn thành đã khiến cho tàu vận hành rất nhanh và êm ả lạ thường. Không hiểu sao các đơn hàng đóng mới lại không đến nữa. Không biết hiện tại có lỗi thiết kế nào không từ phía các chủ cơ sở đóng tàu?” - ông Nguyễn Đinh, người thầy của bao thế hệ đóng tàu của làng nghề day dứt.
Mất hợp đồng Tại huyện Núi Thành, các cơ sở đóng tàu thuyền cũng chuyển sang hình thức sửa chữa, tu bổ phương tiện là chính. Theo thống kê, mùa biển năm 2012, trên địa bàn có hơn 10 tàu đánh bắt xa bờ được đóng mới, nhưng phần lớn hợp đồng với các cơ sở đóng tàu ở tận Khánh Hòa, Đà Nẵng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ số lượng 5 cơ sở đóng tàu hoạt động, đến nay toàn huyện chỉ còn 1 cơ sở ở xã Tam Quang do các cơ sở thiếu vốn, chưa có thương hiệu. Một cán bộ phụ trách thủy sản ở xã Tam Quang xác nhận, bình quân mỗi năm có khoảng 10 tàu thuyền công suất lớn đóng mới, nhưng năm nay chỉ lèo tèo vài chiếc. Làng nghề đóng tàu bây giờ chuyển sang sửa chữa be, đà, máy móc... là chính. |
Ông Huỳnh Kim Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim nhận xét: Cơ sở vật chất thiếu, ít yếu, thiếu thợ lành nghề… là nguyên nhân khiến cho nghề đóng tàu thuyền truyền thống tại đây èo uột. Biết thế, nhưng rất khó vực dậy. “Các đơn đặt hàng thưa vắng dần. Không khí sản xuất đã trì trệ, ì ạch lâu rồi. Có quá nhiều chuyện phải nghĩ, từ vốn đầu tư, quy trình sản xuất, sự thiết tha gắn bó với nghề, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đầu vào cho quá trình lao động” – ông Hùng nói. Theo ông, Cẩm Kim đã khuyến khích làng nghề phát triển bằng cách giao quỹ đất lớn cho các chủ cơ sở, cũng như hỗ trợ sắm sửa thêm dụng cụ lao động bằng cách lồng ghép vào các chương trình khuyến công của thành phố, giản lược các thủ tục đặt hàng cần thiết. “Chúng tôi hỗ trợ như vậy chỉ là một phần xúc tác thôi, chủ nhân làng nghề mới là những người trực tiếp cầm đục, búa sản xuất” – ông nói thêm.
Trong khi đó, tại TP.Tam Kỳ, cơ sở đóng tàu duy nhất của doanh nghiệp tư nhân Hà Tiên Khôi (thôn Tân Phú, xã Tam Phú) cũng vừa trải qua một năm sản xuất “trầy trật” trong vòng 10 năm trở lại đây. Con đường từ núi Cấm dẫn vào làng nghề vắng bóng công nhân. Không còn tiếng cưa gỗ xoèn xoẹt, thi thoảng vài người đến cảng cá dọn vệ sinh sau một đêm họp chợ rồi về. Hai năm về trước, mỗi dịp trước Tết Nguyên đán, làng đóng tàu thuyền Tân Phú nhộn nhịp, khẩn trương chẳng khác một đại công trường. Mỗi năm, cơ sở này nhận đóng hàng chục con tàu lớn nhỏ. Đối tác đặt hàng đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị… Hầu như nơi đây chỉ nhận đóng tàu công suất từ 90CV trở lên, giá trị tối thiểu mỗi phương tiện hơn 300 triệu đồng. Thế nhưng, năm 2012 này, làng nghề này chỉ đóng được 6 phương tiện, nhiều lao động bỏ nghề. Chủ doanh nghiệp than phiền về thủ tục và quy trình đăng kiểm khắt khe, nghề truyền thống khó đáp ứng. Ông Trần Ngọc Hoàng – Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hà Tiên Khôi thừa nhận: “Tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2012 rất tệ hại, số lượng đóng tàu giảm hơn một nửa so với các năm. Nguyên do quy trình đăng kiểm chặt chẽ, giá xăng dầu và chi phí nghề biển tăng cao, ngư dân ngại đóng mới tàu”. Còn ông Phạm Cưu - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế, làng đóng tàu thuyền truyền thống Tân Phú cũng rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng; doanh nghiệp chỉ còn cách tự cứu mình và nâng cấp làng nghề để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.
QUANG VIỆT - HỮU PHÚC