Kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường trách nhiệm giải quyết TTHC, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà... là giải pháp đã và sẽ tiếp tục giúp ghi điểm về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với cơ quan công quyền.
Tăng mức độ hài lòng
Có dịp đến giao dịch giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh (nay là Trung tâm Hành chính công), người dân, doanh nghiệp có cảm nhận chung về một không gian làm việc thoáng mát, hiện đại, thân thiện, văn minh, lịch sự. Tại đây, tất cả TTHC được niêm yết công khai, minh bạch và có thể truy cập trên hệ thống internet để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nắm bắt thông tin, giám sát việc giải quyết TTHC của các cơ quan liên quan. Người cán bộ luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, thực hiện tốt tác phong làm việc, lịch sự trong giao tiếp ứng xử với người dân, doanh nghiệp. Sau hai năm đi vào phục vụ, đến nay, người dân, doanh nghiệp đã dần quen với việc liên hệ giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công không phải đi lại nhiều lần như trước đây. Trong năm 2018, trung tâm đã tiếp nhận 76.429 hồ sơ và giải quyết 72.194 hồ sơ; trong đó, giải quyết trước hạn và đúng hạn 70.802 hồ sơ (98%) và trễ hạn 1.377 hồ sơ (2%). Hầu hết hồ sơ trễ hạn đều có nguyên nhân rõ ràng và được thông báo trực tiếp đến người nộp và hẹn thời gian trả kết quả. Tất cả hồ sơ chậm trả kết quả đến từ nguyên nhân chủ quan của cơ quan nhà nước đều được các cơ quan xin lỗi. Từ kết quả hoạt động, năm vừa qua, Trung tâm Hành chính công tỉnh là một trong 6 đơn vị trong cả nước được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tặng Bằng khen đã có nhiều giải pháp sáng tạo, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện giải quyết TTHC.
Ông Đinh Văn Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh cho biết, cuối năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định công bố lại toàn bộ TTHC của 18 sở, ban ngành tỉnh (gồm 1.583 TTHC) và của 3 cơ quan trung ương đóng trên địa bàn (gồm 82 TTHC) được tiếp nhận, giải quyết tại trung tâm. Hiện 100% số TTHC đưa vào thực hiện tại trung tâm được xây dựng quy trình giải quyết đảm bảo rõ trách nhiệm, thẩm quyền, rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết và kịp thời cập nhập, niêm yết, công khai, minh bạch tại trung tâm và trên cổng dịch vụ công tỉnh. Hầu hết cán bộ tiếp nhận hồ sơ đều hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, tạo sự yên tâm cho người dân và doanh nghiệp đến nộp hồ sơ.
“Trung tâm đã khẳng định được hiệu quả, tăng tính minh bạch, thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở tỉnh, tạo sự chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân và doanh nghiệp; tăng hiệu quả làm việc, giảm chi phí, thời gian cho đối tác đến giao dịch. Qua tham khảo trực tiếp các đối tượng đến giải quyết TTHC tại trung tâm nhận thấy phần lớn hài lòng, mức độ hài lòng ngày càng tăng lên” - ông Vũ chia sẻ.
Chuyên nghiệp hơn nữa
Về kết quả giải quyết TTHC năm 2018 ở các địa phương, Sở Nội vụ cho biết, các huyện, thị xã, thành phố (theo báo cáo 14 địa phương) đã tiếp nhận và giải quyết 102.264 hồ sơ; trong đó, giải quyết trước và đúng hạn 108.713 hồ sơ (90,32%), trễ hạn 11.651 hồ sơ (9,68%). Ở một số địa phương, chủ yếu là các địa phương tổ chức Trung tâm Hành chính công, việc tiếp nhận, chuyển hồ sơ, giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ đều được cập nhật, công khai trên phần mềm một cửa điện tử. Cá nhân, tổ chức khi đến nộp hồ sơ đều được hướng dẫn, cấp mã số hồ sơ theo dõi, tra cứu quá trình giải quyết. Ở các địa phương này tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn khá cao, những hồ sơ trễ hạn hoặc bị trả lại chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai. Theo ông Đỗ Văn Tâm - Phó Trưởng phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ, thời gian qua việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các địa phương đã thể hiện những ưu điểm rất rõ, nhất là khi tạo điều kiện để chính quyền gần dân hơn; nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyên môn hóa, tách hoạt động chuyên môn với nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức của các cấp chính quyền địa phương.
Nói về các tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết các TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ông Tâm đề cập đến sự phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa đồng bộ, thông suốt. Trong số TTHC được tiếp nhận giải quyết tại cấp huyện, cấp xã có hơn 50 TTHC có sự tham gia của các sở, ngành vào quy trình giải quyết. Tuy nhiên, do không có hệ thống kiểm soát, giám sát việc giải quyết TTHC nên có trình trạng ở địa phương thực hiện đúng nhưng lên cấp tỉnh thì bị quá hạn, thậm chí không có phản hồi.
Trong cuộc làm việc mới đây với đơn vị, địa phương về công tác cải cách hành chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh, định hướng chung của UBND tỉnh trong công tác cải cách hành chính là tiếp tục cải cách mạnh mẽ TTHC, tập trung rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC; tạo sự chuyển động mạnh mẽ từ nền hành chính quản lý sang phục vụ, đề cao đạo đức công vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo. Trong kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2019, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát TTHC; kiểm soát hoạt động của cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các sở, ban ngành, địa phương, nhất là trong việc giải quyết TTHC; việc rà soát, đánh giá tác động, công bố, công khai TTHC. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót; có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cũng như tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC mà trọng tâm là giải quyết TTHC. Cần thực hiện công khai xin lỗi người dân và doanh nghiệp khi cơ quan nhà nước chậm trễ trong việc giải quyết TTHC.