Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm bằng việc tạo môi trường giáo dục “mở” để mọi trẻ đều được tạo cơ hội học tập dưới hình thức vui chơi thoải mái là cách làm của các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn tỉnh trong vài năm gần đây.
Môi trường trong và ngoài lớp học góp phần quan trọng trong việc phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. TRONG ẢNH: Giờ thể dục buổi sáng của Trường Mẫu giáo Hương Sen (Tam Kỳ). Ảnh: C.N |
Kết quả bước đầu
Chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 - 2020 được Sở GD-ĐT triển khai từ năm học 2016 - 2017. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Mầm non (Sở GD-ĐT), việc này nhằm đảm bảo các yêu cầu về môi trường giáo dục và hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, đồng thời để cán bộ quản lý giáo viên mầm non nâng cao nhận thức và năng lực về quản lý, tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ. Bà Mỹ Liên cho biết, từ năm học 2016 - 2017 Sở GD-ĐT đã chọn điểm để chỉ đạo xây dựng mô hình “trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Sáu trường được chọn gồm: Mầm non Sơn Ca (Hội An), Mẫu giáo Hương Sen (Tam Kỳ), Mầm non Đại Đồng (Đại Lộc), Mẫu giáo Bình Minh (Thăng Bình), Mầm non Tiên Kỳ (Tiên Phước), rải từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn. “Tổ chức thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường chú trọng cơ hội trải nghiệm, phát triển vận động, thể chất cho trẻ phù hợp với điều kiện nhà trường và văn hóa địa phương” - bà Mỹ Liên nói.
Ở Trường Mầm non Đại Đồng - một trong những ngôi trường được chọn làm thí điểm để chỉ đạo xây dựng mô hình này có không gian sạch sẽ, rộng rãi, thoáng mát khiến phụ huynh có cảm giác sân chơi của trường là... công viên dành cho thiếu nhi. Cùng với đó, mỗi góc trong lớp học đều được bài trí, thiết kế hướng đến mục đích phục vụ trẻ. Theo một phụ huynh của Trường Mầm non Đại Đồng, từ một đứa trẻ nhút nhát, sau một thời gian học mà chơi, chơi mà học trong lớp học và ngoài sân trường, con anh đã trở nên thích thú đến trường. Cô Phan Thị Liên - chuyên viên phụ trách bậc mầm non Phòng GD-ĐT Đại Lộc cho biết, xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, các trường học trên địa bàn huyện chú trọng xây dựng các hoạt động, môi trường trong và ngoài lớp học hướng về trẻ, giúp trẻ có nhiều cơ hội trải nghiệm.
Cần năng động, sáng tạo
Theo cô Nguyễn Thị Thu Giang - chuyên viên bậc mầm non Phòng GD-ĐT Tam Kỳ, việc tạo cơ hội cho trẻ học tập và vui chơi, giúp trẻ khám phá, sử dụng các giác quan, hòa mình vào thế giới tự nhiên là điều cần thiết để trẻ phát triển. Với Trường Mẫu giáo Hương Sen, ngôi trường ở Tam Kỳ được chọn làm điểm, phòng học được trang bị đầy đủ đồ dùng dạy học và phân chia lớp học thành các góc: góc chủ đề chính, góc phân vai, góc xây dựng, góc học tập, góc nghệ thuật và một số góc hỗ trợ khác. Đồng thời thiết kế các kệ, góc chơi theo hướng mở để trẻ có thể tháo ra lắp vào mỗi khi chơi xong. Sân trường có cây xanh bóng mát, bồn hoa tạo nên không gian thoáng đãng, thân thiện. Theo cô Phạm Nguyễn Hồng Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hương Sen, môi trường sạch sẽ, an toàn với sự bố trí các khu vực chơi phù hợp giúp trẻ phát triển thể chất và tăng sự hứng thú khi tham gia các hoạt động. “Ở lứa tuổi này, trẻ dễ dàng tiếp thu hơn khi có đồ dùng trực quan sinh động nên xây dựng môi trường giáo dục bên ngoài lớp học phải đẹp, an toàn, thân thiện, mới thu hút trẻ tham gia. Trẻ được vui chơi thỏa thích, được khám phá thiên nhiên sẽ phát triển tốt hơn. Điều quan trọng nữa là, đối với trẻ mầm non cần chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, dạy trẻ những điều mới lạ từ cuộc sống để các bé có niềm tin bước vào đời cũng là một trong những vấn đề mà nhà trường luôn quan tâm thực hiện” - cô Hồng Nhung nói.
Các trường học khác trên địa bàn tỉnh, dù không được chọn làm điểm để xây dựng mô hình nhưng chú trọng nội dung lấy trẻ làm trung tâm. Như với Trường Mầm non Đôrêmon (Tam Kỳ), trẻ đến trường không chỉ được học những kiến thức đơn thuần, mà còn được khám phá bản thân và cuộc sống qua các trò chơi, các môn học như ngoại ngữ, võ thuật. Trường Mầm non Đại Quang (Đại Lộc) tổ chức chuyên đề này với 3 hoạt động giáo dục: hoạt động học, hoạt động vui chơi và hoạt động ngoài trời. Qua đó, đã tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm khi chủ động tham gia hoạt động và biết phối hợp cùng bạn.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Giang (chuyên viên bậc học mầm non Phòng GD-ĐT Tam Kỳ), việc các trường xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã khiến các trường mầm non, mẫu giáo ngày càng khang trang, thu hút các cháu đến trường, tạo sự gần gũi giữa gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả chương trình xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, đòi hỏi giáo viên phải thiết kế góc chơi khoa học, tạo cơ hội cho trẻ học bằng chơi, chơi bằng học. Bên cạnh đó, nhà trường cần chuẩn bị nhiều học liệu để trẻ sử dụng sáng tạo và tạo cơ hội cho trẻ chủ động trong các hoạt động, tìm tòi, khám phá, trải nghiệm, hợp tác, trò chuyện và chia sẻ ý kiến với nhau... “Đặc biệt, “giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” cần đảm bảo nhu cầu, hứng thú, kỹ năng, thế mạnh của mỗi trẻ và tất cả đều được hiểu, đánh giá đúng và được tôn trọng” - cô Giang nói.
CHÂU NỮ