Qua tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đường bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng còn nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra, cần tiếp tục nghiên cứu, góp ý để khi luật ban hành đảm bảo hiệu quả, sát thực tế.
Đất hành lang an toàn đường bộ
Góp ý liên quan đến nội dung đất hành lang an toàn đường bộ (ATĐB), đại diện Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam cho rằng, hiện nay một số tuyến đường trên bàn tỉnh có rất nhiều đất của dân nằm trong hành lang ATĐB và đất này đã được pháp luật thừa nhận, do vậy nhiều hộ dân xây dựng công trình. Điều đó gây khó khăn cho công tác bảo trì, ảnh hưởng đến quy mô và tính chất của dự án khi vướng phải phần đất này.
Việc thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp này mất nhiều thời gian và khó xử lý, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng. Do vậy luật cần quy định cụ thể việc thu hồi và bồi thường trong trường hợp này.
Tiếp thu ý kiến góp ý tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đề nghị các cơ quan chuyên môn như Sở GTVT, Phòng CSGT tỉnh và các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu từ thực tiễn cuộc sống, công tác để tiếp tục góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đường bộ. Bởi vì thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề đáng bàn; khi luật có hiệu lực sẽ tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người.
Cũng liên quan đến nội dung trên, ông Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng cần xem xét, quy định rõ lại khoản 2 Điều 19 về nội dung “Đất hành lang ATĐB chưa được Nhà nước thu hồi thì người sử dụng đất được pháp luật thừa nhận được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông, không được che lấp hệ thống báo hiệu đường bộ, không ảnh hưởng đến tầm nhìn xe chạy trên đường và phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ”. Bởi nếu không sẽ làm khó cho người dân.
Ông Tiến lấy ví dụ, đất hành lang ATĐB là đất trồng cây lâu năm, trước đây người dân trồng cây, nay cây lớn che lấp hệ thống báo hiệu đường bộ phải chặt bỏ thì ai là người bồi thường cho người dân.
Kinh doanh vận tải hành khách cá thể
Góp ý liên quan đến chương IV về vận tải đường bộ, đại diện Công ty TNHH Mai Linh Tam Kỳ cho biết, kinh doanh vận tải (KDVT) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng hiện nay tiêu chí cấp phép vận tải cho hộ KDVT mỗi nơi xử lý một kiểu.
Chẳng hạn, tại Đà Nẵng, khi một cá nhân muốn KDVT phải thông qua đơn vị (doanh nghiệp hoặc hợp tác xã); trong khi đó tại Quảng Nam cá nhân được cấp giấy phép KDVT mà không cần thông qua pháp nhân nào. Vì vậy, đề nghị cấp phép vận tải, cấp biển số kinh doanh phải là tổ chức chứ không thể hộ; hoặc cấp phép hộ KDVT phải tuân thủ đúng đủ điều kiện KDVT.
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam cho rằng, KDVT hành khách của hộ cá thể hiện nay đang gây “rối tung” cho hoạt động KDVT có điều kiện. Trong khi doanh nghiệp, HTX phải chịu ràng buộc nhiều quy định thì việc quản lý, cấp phép KDVT hộ cá thể còn lỏng lẻo. Do đó đề nghị bãi bỏ điều kiện KDVT hộ cá thể, vì không đảm bảo hoạt động.
Liên quan đến nội dung này, Thượng tá Phan Thanh Hồng - Trưởng phòng CSGT tỉnh cũng cho rằng, KDVT là loại hình kinh doanh có điều kiện nhưng các điều kiện hiện còn lỏng lẻo, công tác quản lý còn nhiều vấn đề. Như loại hình KDVT hành khách bằng công nghệ hiện nay, chưa quản lý được.
“Trên địa bàn tỉnh hiện nay, việc quản lý các xe có đăng ký doanh nghiệp rất dễ nhưng rất nhiều trường hợp sử dụng ô tô gia đình nhưng lên mạng xã hội thành lập nhóm, nhận hợp đồng chở 5-7 người từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng và ngược lại. Hình thức kinh doanh này khiến Nhà nước “thất thu”, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, khó quản lý về trật tự an toàn giao thông..., nhưng lại tạo ra thuận lợi cho người dân. Đây là vấn đề đặt ra khi ban hành luật” - ông Hồng chia sẻ.
Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện nay, chỉ KDVT đường bộ cho phép hộ kinh doanh cá thể, còn KDVT đường thủy nội địa bắt buộc phải là doanh nghiệp, HTX.
“Theo tôi, luật cứ quy định, nhưng sau này nghị định, thông tư dưới luật cần có những điều kiện ràng buộc chặt chẽ với hộ KDVT để Nhà nước vừa quản lý được nhưng đồng thời cũng để cho hộ kinh doanh cá thể hoạt động được và phục vụ cho xã hội. Phải đưa vào khuôn khổ, đóng thuế đầy đủ thì mới cạnh tranh lành mạnh với những loại hình kinh doanh khác” - ông Tuấn nói.