Chiều 26.4, Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2018.
Theo kết quả khảo sát của Sở LĐ-TB&XH ở hơn 100 DN thuộc các loại hình, hiện nay phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh đã trả tiền lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Mức lương bình quân khu vực DN nhà nước là 8.585.000 đồng/người/tháng (cao hơn 3,17% lần mức lương tối thiểu vùng III, cao hơn 3,6 lần mức lương tối thiểu vùng IV); các DN có cổ phần, góp vốn nhà nước là 7,2 triệu đồng/người/tháng (cao hơn 2,7 lần mức lương tối thiểu vùng III, cao hơn 3 lần mức lương tối thiểu vùng IV); DN dân doanh là 5,8 triệu đồng/người/tháng (cao hơn 2,14 lần mức lương tối thiểu vùng III, cao hơn 2,4 lần mức lương tối thiểu vùng IV); DN FDI là 4.150.000 đồng/người/tháng (cao hơn 1,53 lần mức lương tối thiểu vùng III, cao hơn 1,72 lần mức lương tối thiểu vùng IV). Các địa phương gồm Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đại Lộc, Tam Kỳ đề nghị điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng, địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2018, các địa phương còn lại không đề xuất điều chỉnh. Phần lớn DN trên địa bàn tỉnh đều không đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, chỉ một số ý kiến đề xuất tăng, có ý kiến đề xuất giảm. Tất cả ý kiến khảo sát của các cơ quan, DN tại hội thảo, cũng như qua các đợt khảo sát bằng văn bản, Sở LĐ-TB&XH sẽ tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2018.
D.LỆ