Lê Cơ - Một đoạn lịch sử bí ẩn mà trong có lắm điều hay

PGS-TS. Ngô Văn Minh 10/01/2013 05:05

Tôi nhờ câu trên của Huỳnh Thúc Kháng trong bài Lịch sử của một người lý trưởng, thực hành công việc cải lương và mấy lời thân oan đăng trên báo Tiếng Dân năm 1932 để đặt tên cho chương kết của cuốn sách Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX (NXB Đà Nẵng, 2012).

Bởi Lê Cơ tuy chỉ mới xuất thân từ một người học trò trường Ba chứ không phải là người trong hàng khoa bảng. Lê Cơ chưa hề đi ra nước ngoài, ông không phải là một người lập ngôn, lập thuyết như Phan Châu Trinh, cũng không đứng ra gầy dựng cả một tổ chức có tính chất một đảng như Phan Bội Châu với Duy tân hội. Hầu như ông chỉ là một người thuần túy hành động.

Giới thiệu sách viết về chí sĩ Lê Cơ

Vào lúc 8 giờ 30 ngày 12.1, Nhà xuất bản Đà Nẵng phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam TP.Đà Nẵng và gia tộc chí sĩ Lê Cơ sẽ tổ chức buổi giới thiệu sách Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX (do PGS-TS. Ngô Văn Minh biên soạn) tại trụ sở Nhà xuất bản Đà Nẵng, lô 103 đường 30 tháng 4, phường Hòa Cường Bắc, TP.Đà Nẵng.

Thế nhưng, ngày nay xét lại quá trình hoạt động của ông, nhất là với những hoạt động cải cách tại một làng quê cụ thể, và mở rộng ra 30 xã thôn trong vùng, rồi đến những hoạt động của ông trong phong trào chống sưu cao thuế nặng với hình ảnh oai hùng, phi ngựa xông thẳng vào phủ đường báo cho viên tri phủ biết cái sức mạnh của nhân dân khi họ đã hấp thụ tư tưởng dân quyền, và rồi cuối cùng là người chỉ huy đội nghĩa quân của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị trong vụ mưu khởi nghĩa ở Huế đêm ngày 3 rạng ngày 4.5.1916, cho thấy ông đã có mặt trong 3 phong trào yêu nước, chống Pháp ở đầu thế kỷ XX. Trong đó, hoạt động cải cách của ông là nổi trội hơn cả, được người đương thời nhắc đến nhiều hơn, và các nhà nghiên cứu hiện nay cũng nói đến sự đóng góp này của ông nhiều hơn. Xưa nay thường có câu “Vạn sự khởi đầu nan”. Thế nên, việc ông tiên khởi thực hiện công cuộc cải cách tại một làng quê cụ thể, mà trước đó ông là người theo Nho học, lại hầu như chưa từng rời bước khỏi quê hương Quảng Nam của mình cũng đủ cho thấy cái quyết tâm dám nhận lãnh trách nhiệm của một con người.

Ở đây không thể tách Lê Cơ ra thành một người độc lập trong công cuộc cải cách, bởi chúng ta đều biết rằng, người đưa ra chủ thuyết duy tân, gói gọn trong 9 chữ, hay có thể gọi là Tam Dân - của Việt Nam - Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh là Phan Châu Trinh. Cùng với Phan Châu Trinh có một người hoạt động luận thuyết và tuyên truyền hăng hái nữa là Trần Quý Cáp với Sĩ phu tự trị luận và những bài thơ cổ động phong trào, nhấn mạnh đến tinh thần hợp quần và quảng học vấn. Kế đến là Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, khi Lê Cơ đứng ra thực hiện công cuộc cải cách tại quê nhà thì Phan Châu Trinh hãy đang còn làm quan thừa biện ở Bộ Lễ tại Huế, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp còn đang là những cử nhân, tú tài dự thi Hội, rồi thi Đình ở kinh đô. Thế thì về chủ thuyết duy tân ắt rằng Phan Châu Trinh cũng chỉ mới bàn bạc bước đầu với Lê Cơ, và tại quê nhà Lê Cơ lẳng lặng trù tính mọi việc mà bên cạnh ông chỉ có cử nhân Lê Xuân Lượng và những người dân tâm huyết trong làng. Ông vừa làm vừa nảy ra sáng kiến. Ông thực hiện công cuộc cải cách được 2 năm Phan Châu Trinh mới cáo quan, cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp sau khi đỗ tiến sĩ mới hợp thành Bộ Ba Quảng Nam đi vào các tỉnh Nam Trung kỳ để hô hào duy tân - không chỉ về lý thuyết mà cả những kinh nghiệm từ mô hình duy tân ở Phú Lâm. Bởi khi ấy, Lê Cơ đã biến Phú Lâm, như Huỳnh Thúc Kháng về sau nhận định, từ “một cái làng rừng che núi cách, giao thông trở ngại, thuở nay tịch mịch quê mùa, mà bổng thành một nơi khai thông vui vẻ, không những dân làng và lân cận tín phục mà người xa, nhứt là người đã nếm mùi Âu hóa, đi ngang qua tỉnh Quảng Nam, cũng gắng lên đến làng Phú Lâm đặng xem công cuộc sắp đặt của một ông lý”.

Lê Cơ là một con người rất đặc biệt, ông đã đi qua tất cả các trào lưu, có mặt trong tất cả các biến cố lịch sử trọng đại nhất suốt thời chuyển thế kỷ, cũng là chuyển động vừa nối tiếp vừa song song của các phong trào cứu nước lớn trong thời của ông, và đều ở hàng đầu… Cuốn sách công phu và nhiều phát hiện này viết về Lê Cơ, nhưng cũng là viết về cả một thời kỳ cận đại nhiều ý nghĩa vì những gì nó đã tạo nên cho lịch sử, và cả những gì nó còn bỏ dở.

Đây là một nghiên cứu lịch sử, nhưng đúng như những công trình nghiên cứu lịch sử chân chính, nó kể về người hôm qua và ngày hôm qua để nghiêm túc nói về hôm nay, đặt vấn đề với người hôm nay. Nó nói về những gì lịch sử để lại và hôm nay phải được đảm nhận lấy để tiếp tục hoàn thành. Lịch sử bao giờ cũng là một thông điệp.NGUYÊN NGỌC

Rõ ràng, với công cuộc cải cách của mình, Lê Cơ đã thể hiện một nếp nghĩ mới, một phương thức làm ăn mới. Tư tưởng của ông thể hiện trong những việc làm cụ thể của ông. Công cuộc cải cách của ông là ngọn lửa đầu tiên của phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX, và làng quê Phú Lâm luôn đi đầu, làm điển hình cho phong trào Duy tân ở Trung kỳ. Nếu phong trào Duy tân ở Quảng Nam bấy giờ là một làn sóng thì công cuộc duy tân tại Phú Lâm là khởi điểm và luôn là đỉnh sóng của làn sóng duy tân đó.

Xét công cuộc cải cách của Lê Cơ chúng ta thấy có biết bao điều mới lạ. Dù rằng chủ thuyết Duy tân xuất hiện từ năm 1902, nhưng phải đến thời điểm Lê Cơ đứng ra lập 2 cơ sở trường dạy chữ quốc ngữ và thương điếm trong năm 1904 mới thực sự đánh dấu mốc khởi đầu của phong trào Duy tân ở nước ta lúc bấy giờ. Trường dạy chữ quốc ngữ ở Phú Lâm là trường tân học đầu tiên của phong trào Duy tân và việc lập lớp nữ học ở Phú Lâm cũng là đầu tiên trong số các trường Duy tân bấy giờ. Ở trường học Phú Lâm, Lê Cơ đã thực hiện hướng nghiệp cho học sinh, lại đưa cả chương trình quân sự học đường vào giảng dạy trong các buổi tập thể dục. Việc mở trường tân học, lại có cả lớp nữ với một chương trình giảng dạy thiết thực, phong phú là một kết quả rất lớn trong công cuộc cải cách ở Phú Lâm do Lê Cơ tiến hành.

(Còn nữa)

PGS-TS. Ngô Văn Minh

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lê Cơ - Một đoạn lịch sử bí ẩn mà trong có lắm điều hay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO