Lễ hội "Âm vang đại ngàn" đã sẵn sàng!

ĐĂNG KHOA 18/08/2022 14:58

(QNO) - Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My - năm 2022 với chủ đề "Âm vang đại ngàn" sẽ chính thức khai mạc tại Quảng trường văn hóa huyện vào ngày 22.8. Đây là ngày hội đoàn kết của đồng bào các dân tộc Cor, Ca dong, Xê đăng, Mơ nông, Kinh, Tày, Nùng, Mường, Thái, Ve… với những nét đặc trưng văn hóa độc đáo, phong phú, giàu bản sắc.

Những ngày này, có dịp ngược xuôi trên khắp nẻo đường từ trung tâm huyện đến các bản làng xa xôi ở Bắc Trà My chúng tôi được chứng kiến không khí náo nhiệt, tinh thần phấn khởi của các già làng, nghệ nhân và nhân dân chuẩn bị cho lễ hội.

 

Toàn dân tham gia lễ hội

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Thái Hoàng Vũ cho biết, lễ hội "Âm vang đại ngàn" là sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách tham quan đến với vùng Cao Sơn Ngọc Quế. Là sự kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Bắc Trà My.

Hiện nay, mọi công tác chuẩn bị phục vụ cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Các hạng mục công trình tại Quảng trường văn hóa, Trung tâm triển lãm giới thiệu, trưng bày sản phẩm, khu bờ kè tại sân vận động, các điểm check-in để du khách chụp ảnh lưu niệm... đã được đầu tư bài bản, triển khai thi công tích cực, đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ cho các hoạt động lễ hội. 

 

Công tác cổ động trực quan, đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường, lễ tân, an toàn vệ sinh thực phẩm, các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông... cũng được các ngành chức năng của huyện triển khai chu đáo với mong muốn đem đến sự hài lòng nhất cho du khách khi đến với lễ hội, đến với Bắc Trà My.

 

Tại các địa phương, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể rất đồng bộ, quyết liệt, dường như xã nào cũng đều có sự chỉ đạo, đầu tư kỹ lưỡng, bài bản với quyết tâm cao nhất góp phần cho sự thành công của lễ hội.

Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui Hồ Văn Biên chia sẻ, Trà Bui là xã miền núi khó khăn nhất của huyện nhưng được sự chỉ đạo, phân công của Đảng ủy xã, lực lượng nghệ nhân, già làng và anh chị em trong đội cồng chiêng hăng say tập luyện suốt hơn 2 tuần qua. 

 
 
 
Đội hình cồng chiêng của xã Trà Bui đang tích cực tập luyện hứa hẹn sẽ đem đến những sắc màu tươi mới, độc đáo tại Lễ hội “Âm vang đại ngàn”
Đội hình cồng chiêng của xã Trà Bui đang tích cực tập luyện, hứa hẹn sẽ đem đến những sắc màu tươi mới, độc đáo tại Lễ hội “Âm vang đại ngàn”

Về vùng cao Trà Bui, Già làng Hồ Văn Dinh - người có uy tín của đồng bào Ca Dong bộc bạch: Mỗi người dân Ca Dong nói riêng cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số của huyện Bắc Trà My luôn nhắc nhau là phải đoàn kết, chung sức, chung lòng gìn giữ cho được và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đó là sức mạnh để chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, để vươn lên xây dựng bản làng no ấm, đẹp giàu.

[VIDEO] -Già làng Hồ Văn Dinh trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình:

Còn Chủ tịch UBND xã Trà Kót Phạm Văn Tuấn hồ hởi cho hay tham gia lễ hội lần này, địa phương đã huy động tất cả các nghệ nhân và đại diện nhân dân của các thôn cùng hưởng ứng. Mọi người chuẩn bị nhạc cụ, đạo cụ, trang phục rất chu đáo, tập luyện liên tục kể cả ngày thứ 7, Chủ nhật. Không chỉ tập luyện trong hội trường mà đến ngoài trời, cùng hòa mình với thiên nhiên tươi đẹp của quê hương. Ai cũng mong muốn ngày hội của các dân tộc huyện nhà thực sự là ngày hội tưng bừng, đầy bản sắc.

Dưới đây là một số hình ảnh mà chúng tôi ghi lại từ công tác chuẩn bị, tập luyện của đội hình cồng chiêng xã Trà Kót.

 
 
 

Chờ đợi âm vang đại ngàn

Về với vùng núi Bắc Trà My là về với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Cor, Ca dong, Xê Đăng, Mơ Nông, Kinh, Tày, Nùng, Mường, Thái, Ve… với những nét đặc trưng văn hóa độc đáo, phong phú.

Bà Trịnh Thị Hồng Nga - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Bắc Trà My thông tin: chương trình lễ hội năm nay được các địa phương hưởng ứng tích cực, mỗi dân tộc mỗi vẻ đẹp, đầy bản sắc. Chương trình lễ hội diễn ra xuyên suốt trong các ngày 22 và 23.8 tại trung tâm huyện với nhiều hoạt động như cuộc thi cồng chiêng "Âm vang đại ngàn", trình diễn cồng chiêng - tiếp nối truyền thống, văn hóa ẩm thực vùng cao, thi “Hương sắc vùng Ngọc quế”, triển lãm ảnh "Bắc Trà My - Điểm hẹn vùng Ngọc quế", triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội và hội chợ trưng bày sản phẩm quế Trà My cùng sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Điểm nhấn của lễ hội là hoạt động rước vật thiêng - cây nêu, nhà sàn cùng đoàn diễu hành đường phố biểu diễn cồng chiêng của các già làng, nghệ nhân, diễn viên đến từ các xã, thị trấn.

UBND huyện Bắc Trà My còn giao nhiệm vụ cho xã Trà Giang chủ trì, tổ chức các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa như múa sạp, ném còn... của đồng bào Mường. Xã Trà Kót trình diễn điệu múa k’đtấu, đấu chiêng của đồng bào người Co. Xã Trà Tân, Trà Sơn và xã Trà Bui phối hợp với Công ty CP Quế Trà My bố trí đội hình múa cồng chiêng, trình diễn nhạc cụ truyền thống, hát dân ca…

Bà Đoàn Thị Xuân Hành - biên đạo chính của chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc lễ hội cho biết thêm: "Cồng chiêng luôn gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh và là linh hồn trong mọi hoạt động của lễ hội từ bao đời nay, gắn liền và xuyên suốt với vòng đời của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và của huyện Bắc Trà My nói riêng.

Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc còn có các làn điệu dân ca truyền thống và tái hiện một số nghi thức văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện..."

 
 
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lễ hội "Âm vang đại ngàn" đã sẵn sàng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO