(QNO) - Trong hai ngày 8-9.3 (tức 11-12.2 âm lịch), chính quyền và nhân dân xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên) sẽ tổ chức sôi nổi lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn. Nhờ tập trung mọi nỗ lực, hiện các khâu chuẩn bị đã sẵn sàng cho giờ khai hội…
Năm nay, lễ hội Bà Thu Bồn cũng được chính quyền và nhân dân xã Duy Tân tổ chức với quy mô lớn. Ảnh: HOÀI NHI |
Câu chuyện về Bà mẹ xứ sở được lưu truyền trong dân gian có khá nhiều dị bản, nào là cô con gái rượu của phú hộ, mở mắt chào đời bằng nụ cười nở giữa hai hàm răng ngà ngọc hay một nữ tướng người Chăm, xông pha chiến trận, chết trôi trên sông Thu Bồn... song tất cả đều hội tụ và toát lên chân dung vẻ đẹp của một người phụ nữ đa tài, đức độ, phù hộ cho dân làng tai qua nạn khỏi, mùa màng tốt tươi. Vì vậy, hằng năm người dân trong làng Thu Bồn và chính quyền địa phương cùng nhau tổ chức lễ hội nhằm ghi nhớ công ơn của bà.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Thành - Trưởng ban tế lễ cho hay, để đảm bảo cho phần lễ diễn ra chu đáo thì nhiều ngày qua các dụng cụ phục vụ, trang trí kiệu rước, trang phục được rà soát, kiểm tra rất kỹ càng. Đồng thời, dân trong làng tuyển chọn những cô gái xinh đẹp, có đủ phẩm hạnh làm thánh nữ khiêng kiệu lễ. Ông Thành chia sẻ: “Cũng như mọi năm, phần lễ của năm 2017 này sẽ diễn ra thâm nghiêm, trang trọng, giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống từ bao đời nay như lễ bài trí, lễ rước sắc phong, lễ rước nước, lễ đại tế. Ngoài ra, lễ vật dâng lên cúng bà cũng được chuẩn bị tươm tất và đương nhiên không thể thiếu thịt nghé sống nguyên con bôi phẩm đỏ, hai con heo quay kèm theo dao xẻ cùng đủ loại lễ vật khác của địa phương”.
Song hành cùng phần lễ thì phần hội cũng diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như hô hát bài chòi, hát tuồng, thi đấu bóng chuyền và các trò chơi dân gian khác như kéo co, nhảy bao bố, đi xe đạp chậm... Đặc biệt, ở giải đua thuyền nam năm nay có sự tham gia của 14 đội đến từ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, tăng 5 đội so với kỳ lễ hội năm 2016, hứa hẹn một cuộc tranh tài đầy gay cấn.
Bến sông Thu Bồn - nơi diễn ra ngày hội “Bà mẹ xứ sở”. Ảnh: HOÀI NHI |
Trên địa bàn xã Duy Tân hiện có 7 di tích lịch sử và văn hóa. Cùng với đó, hệ thống giao thông ở vùng tây Duy Xuyên bắt đầu thông suốt khi cầu Giao Thủy và tuyến đường trọng yếu từ xã Quế Trung (Nông Sơn) qua xã Duy Phú (Duy Xuyên) được xây dựng cơ bản hoàn thành, kết nối với các huyện, thị xã, thành phố phụ cận là một trong những điều kiện hết sức thuận lợi giúp địa phương đánh thức tiềm năng các giá trị văn hóa - lịch sử, tạo động lực cho việc phát triển mạnh ngành du lịch. |
Theo ông Nguyễn Công Trường - cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa & xã hội của xã Duy Tân, để tiếp nối thành công từ những lần tổ chức trước, UBND xã đã thành lập 16 tiểu ban phục vụ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tiểu ban, từng thành viên và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng được chú trọng nhằm quảng bá hình ảnh lễ hội đến với đông đảo người dân, du khách thập phương.
Ông Trường cho biết thêm, trong những ngày qua nhân dân địa phương tổ chức nhiều đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường tại lăng bà và trên các trục đường chính, đồng thời treo hàng loạt tấm pa nô, băng rôn tuyên truyền về lễ hội. Đặc biệt, điểm nổi bật của lễ hội lần này là chính quyền cùng người dân trong làng tổ chức thi làm bánh chưng, bánh gừng, bánh ít lá gai, tem trầu cánh phượng ngay tại lăng bà. Ông Trường nói: “Dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử nhưng lễ hội Bà Thu Bồn vẫn luôn mang đậm chất dân gian, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, ghi dấu ấn của vùng đất - con người nơi đây trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết từ trong gia đình, tộc họ cũng như ra ngoài xã hội. Một điều đáng chú ý là, trong 3 năm gần đây lễ hội Bà Thu Bồn được tổ chức với quy mô tương đối lớn vừa nâng cao ý thức gìn giữ, quản lý, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa vừa bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc”.
HOÀI NHI