Lễ hội Trung thu vừa được Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa (QL&BTDSVH) Hội An lập hồ sơ đệ trình UBND tỉnh xem xét công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể. Như một cách để chăm chuốt thêm cho lễ hội của tuổi thơ, và cả vùng đất.
Nghệ thuật múa thiên cẩu Hội An. Ảnh: HẢI HOÀNG |
Phố mùa lễ hội
Khác biệt với những hội lễ được tổ chức thường xuyên, Trung thu gần như mang đặc quyền là ngày hội truyền thống được dành cho trẻ thơ, với mâm cỗ, đèn lồng, trò múa lân “quyền biến” đầy mê hoặc. Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm QL&BTDSVH Hội An cho biết, mỗi ngày hội cổ truyền đều có những lai lịch và giá trị văn hóa xứng đáng để được tôn vinh, bảo tồn và gìn giữ. Đặc biệt, với vai trò của một vùng đất di sản, những điều thuộc về văn hóa truyền thống cần phải được tôn trọng và nâng niu hơn. “Trung thu là dịp đặc biệt của Hội An, cũng như Hội An đã có sẵn những điều kiện để ngày hội này được tổ chức quy mô hơn, với vị trí như một ngày tết” - ông Nguyễn Chí Trung nói.
Vốn dĩ các ngày 14 - 15 âm lịch hằng tháng, Hội An đã bày biện thành công “Đêm phố cổ” với các hoạt động du lịch nghiêng về phía tôn vinh những giá trị văn hóa lâu đời. Lần này, với Lễ hội Trung thu vào rằm tháng Tám hằng năm, trên nền của không gian Đêm phố cổ, các hoạt động đường phố được chăm chuốt hơn... Lễ hội Trung thu Hội An thường diễn ra trong 4 ngày, từ 12.8 đến 15.8 âm lịch với rất nhiều sự kiện hấp dẫn, lôi cuốn cùng những nét đặc trưng. “Trên các con đường được trang trí bằng những đèn lồng, hòa cùng vào âm thanh rộn ràng của hoạt động lễ hội như: múa lân, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày mâm cỗ Trung thu hay thậm chí là những trò chơi đặc sắc khiến các du khách rất thích thú” - anh Lê Chí Huy, hướng dẫn viên du lịch chia sẻ.
Không chỉ vậy, Hội An còn có những ngôi làng chỉ chuyên làm đầu lân, mặt nạ cũng như đèn lồng. Các sản phẩm này không chỉ phục vụ thị trường Quảng Nam mà được phân phối đến các thành phố lớn trên cả nước. Những ngày này, cơ sở làm lân của anh Nguyễn Hưng (thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà) ngổn ngang mặt nạ ông địa, đầu lân lớn nhỏ... Từ khâu tạo khuôn đến khâu đắp giấy tạo hình con lân đều được làm tỉ mỉ. “Từ khâu vẽ, sơn màu đến những chi tiết nhỏ nhất đều cần sự cẩn trọng từ người thợ để toát lên được thần thái của mỗi con lân, mặt nạ. Tất cả công đoạn đều làm thủ công nên yêu cầu độ khéo léo, tinh xảo và thẩm mỹ cao” - anh Nguyễn Hưng nói. Đây cũng được xem như một nghề truyền thống của Hội An, góp phần tạo nên sự thuyết phục để Lễ hội Trung thu ở Hội An sẽ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể trong nay mai.
Đặc trưng múa thiên cẩu
Cùng với các hình thức bày biện cũng như không gian đặc trưng làm nên một mùa lễ hội truyền thống, Tết Trung thu ở Hội An còn đặc sắc từ điệu múa thiên cẩu đã có từ lâu đời. Võ sư Trần Xuân Mẫn (Võ đường Kỳ Sơn) cho biết, múa thiên cẩu là thể loại múa lân đặc thù của người dân Hội An, xuất hiện lần đầu tiên vào dịp Tết Trung thu khoảng năm 1940 của thế kỷ trước. “Đội thiên cẩu lúc bấy giờ được một võ sư người Hoa (người làng Minh Hương, Hội An thường gọi là Thầy Xú) thành lập và trực tiếp dạy kỹ thuật múa và kỹ thuật đánh trống. Lúc bấy giờ hình dáng con thiên cẩu còn thô sơ, lối múa còn dung dị nhưng các thế tấn, dáng đi, kiểu nhảy vững chãi của con thiên cẩu được chọn lựa, khai thác từ võ cổ truyền, đưa vào lối múa đã làm cho nghệ thuật múa thiên cẩu Hội An rất mạnh mẽ, hấp dẫn” - võ sư Trần Xuân Mẫn cho biết.
Phá cỗ Trung thu. Ảnh: LÊ QUÂN |
Với lối múa đặc trưng cũng như từng động tác của thiên cẩu phải ăn khớp với từng nhịp trống, cũng như khi múa, người cầm đầu thiên cẩu phải thực hiện các động tác chặt chẽ, kín đáo và không được lỗi nhịp trống. Theo võ sư Trần Xuân Mẫn, chính những chuỗi trống liên hoàn, dồn dập, thôi thúc, làm nghệ thuật múa thiên cẩu “sang” hơn, “bác học” hơn, làm người xem phải say mê không thể rời mắt, mặc dù con thiên cẩu không màu mè như con lân, chỉ múa đơn lẻ một con và dù tiếng trống thiên cẩu không có nhiều điệu vẫn góp phần làm nên đặc sắc của một mùa Trung thu phố cổ.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, tinh thần của Tết Trung thu ở Hội An là phải gợi cho người đến phố Hội cảm nhận rõ về một ngày Tết Trung thu cổ truyền, với những hoạt động phong phú, đa dạng, sôi động, nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Hội An, vừa mang tính giáo dục cao và tính nhân văn sâu sắc. Những nếp ăn, nếp ở, cả cái thú chơi của một vùng đất văn hóa, cần có những tiếp nối để trao truyền từ đời này sang đời khác...
LÊ QUÂN