Lễ hội: không gian và chủ thể

LÊ QUÂN 19/02/2015 14:37

Bản chất của lễ hội truyền thống liệu có thay đổi qua dặm dài thời gian cùng những biến đổi về kinh tế, xã hội? Cuộc trà đàm của những nhà nghiên cứu văn hóa, đạo diễn lễ hội, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà văn, nhân ngày xuân cận kề với những hình dung về một hành trình lễ hội sau ngày giải phóng đến nay với những buồn, vui, được, mất…

Hành trình lễ hội có thể khởi đi từ văn hóa tâm linh, từ nếp sinh hoạt thường nhật, từ những nảy sinh theo đòi hỏi cuộc sống. Nhưng điểm đến phải là niềm hứng khởi của cộng đồng, được cộng đồng nhập vai. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vấn, người hiện đang sở hữu kho ảnh về lễ hội dân gian của vùng bắc Quảng Nam, vẫn tiếc hoài những phong tục cũ khi đến mùa lễ hội xuân. Ông nói, từ Lệ Bà Thu Bồn, lễ hội Bà chúa Tằm tang đến lễ tịch điền đầu năm, đều đã mất dần vài nghi thức truyền thống. Văn hóa lễ hội, liệu có trở nên đuối sức khi phải “gồng” để theo cho kịp, thích nghi với những biến đổi của cuộc sống mới? Ngay ở lễ hội được coi là còn đậm tín ngưỡng dân gian nhất của Quảng Nam hiện nay, là Lệ Bà Thu Bồn, tính chất trang nghiêm đã bị giảm đi phần nào. Lễ thiêng vẫn còn, nhưng lớp lang lễ cũ đã không còn đủ bộ như trước.

Tái hiện lễ hội tại Hội An.  Ảnh: LÊ VẤN
Tái hiện lễ hội tại Hội An. Ảnh: LÊ VẤN
Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL, Quảng Nam hiện có hơn 200 lễ hội lớn nhỏ, phần lớn là lễ hội truyền thống. Hầu như vùng miền nào cũng có lễ hội, từ miền núi, trung du đến đồng bằng ven biển. “Các lễ hội truyền thống ở Quảng Nam mang đậm chất dân gian, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, ghi dấu ấn của vùng đất và con người xứ Quảng. Nét đặc trưng của lễ hội ở Quảng Nam được bảo tồn trong tâm thức con người từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mọi loại hình văn hóa truyền thống đều được thể hiện từ văn học dân gian, âm nhạc, kiến trúc đến phong tục tín ngưỡng. Lễ hội Quảng Nam có truyền thống từ lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành, xây dựng và phát triển vùng đất. Ở đó vừa có tính “thiêng”, vừa có tính thế tục, là sự trao truyền và giao lưu văn hóa giữa các tầng lớp cư dân, giữa các vùng miền, góp phần quan trọng để hình thành, củng cố và phát triển sự cố kết cộng đồng từ gia đình, tộc họ đến xã hội làng xã” -  ông Hài chia sẻ.

Lễ hội thuần túy là hoạt động văn hóa cổ truyền, nguyên từ làng xã, khởi đi từ tâm linh được coi là bất biến, thiêng liêng. Thanh, hay tục, tùy ở cả chủ - tức cư dân địa phương, lẫn khách - tức người tham dự lễ. Ông Phùng Tấn Đông, vài năm gần đây nhận lãnh trách nhiệm viết kịch bản cho các chương trình sân khấu lễ hội tại Hội An, thì lại nghĩ khác. “Lễ hội truyền thống là nhu cầu về tâm linh của con người. Như lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội ở các làng nghề hằng năm. Nó là văn hóa cổ truyền thì không bao giờ bị yếu tố kinh tế chi phối. Quảng Nam, theo tôi thấy, không có chuyện lợi dụng thần thánh, lễ hội truyền thống không bị can thiệp một cách thô bạo để báo chí phải kêu lên là một dạng biến tướng” - ông Đông nói. Tuy nhiên, giữa lễ hội đương đại, là các sự kiện văn hóa với mục đích quảng bá du lịch, mang tính ích dụng, người dân dĩ nhiên sẽ hưởng lợi từ các sự kiện này, lại mang tính chất khác. Lâu nay, những nhầm lẫn giữa lễ hội mới và lễ hội truyền thống, về cả phương thức biểu hiện lẫn mục đích đề ra, khiến nhiều người hoài nghi về tính chất dân gian, truyền thống cũng như văn hóa lễ hội. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, từ sau ngày giải phóng đến nay, đời sống người dân nâng lên, nhu cầu thụ hưởng văn hóa cũng cao hơn, thì buộc lễ hội phải thích nghi. “Nhưng cái quan trọng, không đánh mất không gian của lễ hội, thì bản chất lễ không bao giờ phai. Tôi nói như Hội An, hội làng thì phải để cho người ở làng quyết định, Nhà nước không nên nhúng tay vào. Hội mới nhưng phải phù hợp với không gian tĩnh lặng của đô thị cổ. Mà người Hội An hay lắm, diễn cứ như không diễn. Ngay Đêm phố cổ hằng tháng, họ diễn cho đêm hội đó chứ, nhưng cái diễn đó - về lâu dài thành nếp sống của họ” - nhà văn Nguyên Ngọc nói.

Cho chữ trong lễ hội.
Cho chữ trong lễ hội.

Những chuyển tiếp từ quê lên thị, từ hội làng nâng lên tính chất vùng miền, sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Trong đó, điều tiết làm sao để không gây nhàm chán với người dân địa phương cũng như tạo nét đột phá, dấu ấn trong lòng khách đến dự hội, không phải là điều dễ. Nhạc sĩ Trọng Đài, người đạo diễn của sự kiện “Quảng Nam – Hành trình di sản” diễn ra lần đầu tiên vào năm 2003, cho biết, những lễ hội mới bây giờ mang nặng về phần trình diễn, nhưng nếu không biết cách tổ chức một bữa tiệc văn hóa cho ngon lành thì người dân cũng sẽ không còn mặn mà. “Có câu chuyện vui mà anh em văn nghệ ở đây hay kể, là người dân Hội An cứ nghe tới lễ hội là nói trệch từ Lễ hội Phố Hoài thành Lễ hội “rứa hoài”. Không biết thực hư thế nào, nhưng sự nhàm chán trong cách thức thực hiện, tổ chức lễ hội là điều khó tránh” - nhạc sĩ Trọng Đài nói. Một khi lễ hội được “bán khoán” như một dịch vụ đắt tiền, thì đánh mất văn hóa, bản sắc là điều đương nhiên.

Hội thi nghé Bà Chiêm Sơn. Ảnh: Lê Vấn
Hội thi nghé Bà Chiêm Sơn. Ảnh: Lê Vấn

Người dân phố cổ, cũng như phần đông những người yêu văn hóa Hội An, đã thở phào nhẹ nhõm khi dự án một sân khấu nổi trên sông Hoài bị phá sản, hay một nhà hát múa rối nước không thể thực hiện. Bởi theo người Hội An, bản thân không gian đô thị đã đủ để tổ chức những lễ hội truyền thống của họ. Hành trình 40 năm đất Quảng, với khá nhiều lễ hội vẫn giữ chân người tham gia. Sự hồn nhiên trong cách diễn trò, sự nâng niu tín ngưỡng của mình, nên những bản sắc văn hóa truyền thống trong lễ hội, luôn là thứ thiêng liêng, bất biến.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lễ hội: không gian và chủ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO