Dưới thời phong kiến, những sắc phong vua ban cho làng Diêm Trường được đặt trong chiếc hòm màu đỏ và giao cho một người lớn tuổi, có học trong làng gọi là ông Thủ sắc (người này được Hội đồng hương chức trong làng bầu ra) cất giữ bảo vệ. Nhận thức được ý nghĩa, giá trị của sắc phong nên theo hương ước và thông lệ của làng, vào dịp Trung thu hằng năm dân làng tổ chức Lễ hội Đệ sắc - một trong những lễ hội lớn nhất của làng Diêm Trường xưa...
MInh họa: HIỂN TRÍ |
Làng Diêm Trường xưa thuộc xã Diêm Trường, tổng An Hòa, phủ Tam Kỳ; thời thuộc Pháp có tên là xã Nguyễn Chỉ; trước 1975 tên là Kỳ Xuân; sau 1975 đổi tên thành xã Tam Giang (nay thuộc huyện Núi Thành). Làng Diêm Trường xưa nằm bên bờ sông Trường Giang thơ mộng, nhân dân trong làng gắn bó với ruộng đồng, sông nước, với nghề đi biển và làm muối cung cấp cho khắp nơi (xã có tên Diêm Trường là vậy). Về sau, do chất lượng muối không được tốt nên thực dân Pháp cho ngừng việc làm muối của làng.
Lễ hội Đệ sắc
Hằng năm, đúng vào dịp Trung thu - rằm tháng Tám âm lịch, làng Diêm Trường lại rộn ràng chuẩn bị cho lễ hội Đệ sắc của làng. Lễ hội diễn ra trong hai ngày 14 và 15 tháng Tám âm lịch. Người đứng ra tổ chức lễ Đệ sắc là người đứng đầu của làng Diêm Trường, gọi là Chánh bá. Mọi người dân trong làng từ chức sắc, các vị bô lão và trẻ em đều nô nức tham gia lễ hội. Đa số người tham gia đám rước của lễ hội Đệ sắc là đàn ông (đàn bà không được tham gia lễ rước).
Đúng vào đầu giờ Thân (khoảng 3 giờ chiều) của ngày đầu tiên, các chức sắc, hào cựu và nhân dân 9 ấp trong xã trống chiêng, cờ xí ngợp trời tụ tập về nhà ông Thủ sắc để tiến hành làm lễ Đệ sắc ra đình làng Diêm Trường. Lúc này ông Thủ sắc mặc áo lễ màu trầm, tiến lên bàn hương án - nơi đặt sắc phong - làm lễ cẩn cáo rồi sau đó mang hòm đỏ đựng Sắc phong ra Long đình (Long đình là một chiếc kiệu có mái được chạm trổ rồng phượng rất uy nghi, bên trong có bày hương án, hoa quả và nơi đặt Sắc phong). Sau phần lễ tại nhà ông Thủ sắc là lễ rước sắc ra đình làng và để lại ở đó, cắt người trông giữ, bảo vệ để sáng hôm sau làm lễ chính thức.
Các cụ cao niên từng chứng kiến hoặc tham gia lễ hội kể lại rằng, hồi đó con đường từ nhà ông Thủ sắc đến đình làng chật cứng người đứng đón đoàn rước sắc, họ chờ đón để tham gia theo đám rước, để chiêm ngưỡng, hò reo cổ vũ... Những người tham gia lễ hội Đệ sắc phải ăn mặc chỉnh tề, cờ kiệu được xếp tôn nghiêm với một thái độ kính cẩn. Các vị bô lão thì trong trang phục khăn đóng áo dài, các vị chức sắc, hào cựu thì trong trang phục áo rộng, những người khiêng Long Đình, cầm cờ xí, cầm vũ khí thì trong trang phục áp quần kẹp nẹp, đầu đội nón chóp như binh lính ngày xưa.
Đi đầu đám rước là những người cầm cờ xéo và cờ vuông, tiếp đến là cờ ngũ hành với năm màu tượng trưng cho Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng). Sau những người cầm cờ là một đội khoảng 10 - 12 người cầm những vũ khí của thời trước để thể hiện sự uy nghi đối với sắc phong như: gươm, giáo, xà mâu, đao dài, búa, khiên, chùy... Tiếp theo sau là đội trống chiêng và ban nhạc của 9 ấp. Sau ban nhạc là Long đình với lọng che rất trang trọng. Đi sau Long đình là ông Thủ sắc cùng các vị bô lão, các chức sắc, hào cựu và nhân dân trong làng. Xã lúc đó có 9 ấp, mỗi ấp có bộ trống chiêng, bộ nhạc riêng và mỗi khi đến lễ Đệ sắc thì nhân dân 9 ấp đều đem về cùng tham gia lễ rước sắc. Hai bên đám rước cờ xí ngợp trời, trống chiêng trước sau vang lên rộn rã, nhạc kèn nổi lên rất vui tai. Đoàn người đi theo đám rước có khi dài cả cây số.
Nghi lễ chính thức vào sáng ngày rằm tháng Tám (15 âm lịch). Bắt đầu buổi lễ ông Thủ sắc bê hòm đựng sắc trong Long Đình đặt ở gian chính của đình, nơi có bàn thờ thần và chuẩn bị cho chánh bá làm lễ cúng. Ba hồi trống gọi gióng lên. Ông chánh bá cung kính đọc văn sớ nói về việc thành lập làng Diêm Trường, tri ân Thành hoàng, các vị tiền hiền, bậc tiền nhân đã có công khai hoang, khẩn hóa lập nên làng Diêm Trường; kể lại những thời điểm và công trạng của làng khi được vua sắc phong, đồng thời vinh danh những người trong làng được vua ban sắc phong, ấn tín... Hai bên bàn thờ là các chức sắc, hào cựu và các vị bô lão trong làng đứng chắp tay nghiêm trang cung kính... Sau phần lễ tại đình làng là lễ rước sắc từ đình về lại nhà ông Thủ sắc, giao cho ông quản lý, cất giữ. Nếu năm đó làng bầu lại ông Thủ sắc mới thì sau khi cúng ở đình xong thì ông Thủ sắc cũ làm lễ bàn giao các sắc phong của làng cho ông Thủ sắc mới.
Giữ lại nét văn hóa
Thỉnh thoảng trong lễ hội Đệ sắc, những năm nào nhân dân trong xã Diêm Trường làm ăn khá giả thì Hội đồng chức sắc trong làng đứng ra tổ chức hội đua ghe rất quy mô ngay trên đoạn sông Trường Giang chảy qua làng Diêm Trường với sự tham gia của 9 đội ghe đến từ 9 ấp. Ngoài ra, nhân dân trong xã còn góp tiền, góp của mời các gánh hát tuồng, gánh hát chèo có tiếng về hát phục vụ bà con tại sân đình làng...
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, lễ hội Đệ sắc không còn được duy trì như trước nữa. Một phần vì đình làng Diêm Trường đã bị bom đạn của Pháp làm hư hỏng đành phải phá dỡ để phục vụ cho việc “tiêu thổ kháng chiến”; bên cạnh đó những sắc phong của làng cũng bị thất lạc do thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn; lại thêm bom đạn, chiến tranh trong những năm kháng chiến chống Pháp ác liệt...
Ngày nay, tuy lễ hội Đệ sắc không còn được duy trì nhưng hàng năm vào dịp rằm tháng Tám (ngày 16.8 âm lịch) nhân dân làng Diêm Trường xưa (nay là thôn Đông Bình, xã Tam Giang) lại tập trung về tại Lăng Ông ở vạn chài Đông Tân để làm lễ Lệ Thu cúng tạ Cá Ông, thần Nam Hải, Thủy thần, Hải thần...; cúng tế Thành hoàng, các bậc tiền hiền, ông bà, tổ tiên, những bậc tiền nhân đi trước đã phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, mùa màng tốt tươi, tôm cá dồi dào...
AN TRƯỜNG